Cappadocia là thành phố ngầm nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ. Phong cảnh cổ tích, nhà ở hang động với vẻ đẹp tuyệt mỹ là những nét riêng có của thành phố kỳ lạ này.
Cappadocia là một thung lũng nằm ở miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ, cách thủ đô Ankara khoảng 290km. Thung lũng này được hình thành từ lớp đá trầm tích và đá núi lửa cách đây khoảng 3 triệu năm. Cappadocia được xem là nơi có địa hình độc đáo nhất trên thế giới, với nét văn hóa lâu đời, những di tích từ thời Hy Lạp và các di sản kỳ thú của thiên nhiên. Năm 1985, UNESCO đã công nhận Cappadocia là kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Những “ống khói cổ tích” cao tới 40m ở Cappadocia là những cột đá thông khí tự nhiên có vẻ siêu thực, hình thành từ đá núi lửa mềm bị xói mòn và phong hóa qua hàng triệu năm. Nói một cách đơn giản, các ống khói cổ này được hình thành khi các lớp đá mềm được phủ bởi một lớp đá cứng mỏng. Lớp đá mềm tiếp tục xói mòn thông qua các vết nứt trong lớp đá cứng. Khi các vết nứt sâu hơn, các “ống khói cổ tích” này sẽ được định hình thành hình dạng giống như hình trụ. Hàng nghìn cột đá khẳng khiu nhấp nhô rải khắp thung lũng Love trong vườn quốc gia Göreme, nơi trú ngụ cho nhiều nền văn minh nhân loại trong gần 4.000 năm.
Hoạt động núi lửa bắt đầu cách đây khoảng 14 triệu năm, đặt nền móng cho khung cảnh lởm chởm mà chúng ta thấy ngày nay. Một loạt vụ phun trào khiến tro bụi phủ khắp khu vực ngày nay là Central Anatolia. Tro bụi cứng dần thành các lớp đá tuff dày, một loại đá nhẹ và rỗng. Các vụ nổ sau đó bao bọc đá tuff bằng dung nham, sau này trở thành vỏ bazan cứng. Những ống khói hình thành qua nhiều thời kỳ khi gió và nước liên tục tác động lên đá, mài mòn đá tuff và để lại cột nhọn. Đá bazan xói mòn chậm hơn. Đó là lý do tại sao nhiều ống khói có đỉnh hình nấm bằng đá bazan tới tận ngày nay.
Mặc dù quá trình địa chất này diễn ra trên toàn thế giới, các “ống khói cổ tích” cũng có thể tìm thấy ở Đài Loan, Mỹ, New Zealand và Jordan, nhưng chỉ ở Cappadocia, chúng được chuyển đổi thành nhà cửa, nhà thờ thông qua sự hợp tác giữa con người và đá. Có thể nói rằng, tự nhiên đã kiến tạo nên cột đá, nhưng con người cũng góp sức định hình “ống khói cổ tích”.
Kết quả tuyệt diệu của mối quan hệ hợp tác giữa con người và đá này đã kéo dài hàng nghìn năm. Các đá núi lửa Cappadocian đầu tiên được hình thành từ hàng triệu năm trước. Ở các thế kỷ tiếp theo, tự nhiên đã xói mòn đá, hình thành nên các hình dạng đặc biệt của chúng. Sự tiếp xúc của con người với những ống khói cổ Cappadocian mất ít thời gian hơn mẹ thiên nhiên.
Người Hittites định cư trong khu vực từ năm 1800 đến năm 1200 trước Công nguyên đã tận dụng các hang động và đường hầm trong cột đá để sinh sống. Sau này, vùng Central Anatolia cắt ngang qua biên giới của nhiều đế quốc đối địch, bao gồm Hy Lạp, Ba Tư, Đông La Mã và La Mã.
Chiến tranh thường xuyên khiến người dân trong vùng phải đào nơi ẩn nấp ở giữa và bên dưới cột đá. Người Cơ Đốc giáo chạy trốn khỏi Rome cổ đại, thậm chí xây nhà thờ và tu viện từ lớp đá mềm, mở rộng mạng lưới hang động và đường hầm thành thành phố trải rộng dưới lòng đất.
Theo UNESCO, mật độ khu dân cư ẩn giữa những cột đá lớn đến mức đây là “một trong những quần thể cư trú trong hang động lớn và ấn tượng nhất thế giới”. Vườn quốc gia Göreme và loạt cột đá ở Cappadocia trở thành Di sản thế giới vào năm 1985. Theo National Geographic, những “ống khói cổ tích” cũng là “khu nhà chọc trời kỳ lạ nhất thế giới”.
Ngày nay, các ống khói này được dùng để làm nơi lưu trú cho khách du lịch. Một số hang động đã được biến thành bảo tàng và khách sạn, cho phép mọi người khám phá một môi trường xây dựng vốn được tạo ra núi lửa, gió và mưa cũng như sự can thiệp của con người.
Quang Anh