Những sân vận động dưới đây không quá cầu kỳ hay được trang bị hiện đại mà đặc biệt ở sự kết hợp hài hòa của màu sắc, kiến trúc, ánh sáng.
Sân bóng Ottmar Hitzfeld được coi là sân bóng cao nhất thế giới khi nằm cheo leo ở độ cao hơn 2.000 m trên dãy Alps (Thụy Sĩ). Vì ở quá cao nên cỏ tự nhiên không mọc được, người ta phải dùng cỏ nhân tạo thay thế và di chuyển cỏ lên đây bằng cáp treo.
Sân vận động nổi ở vịnh Marina nổi tiếng tại Singapore là một trong những sân vận động lạ lùng nhất thế giới. Sân vận động này nổi hoàn toàn trên mặt nước nhưng rất an toàn. Ngoài việc là nơi diễn ra các trận bóng đá, sân vận động này còn thường xuyên trở thành sân khấu nổi khổng lồ cho các chương trình biểu diễn nghệ thuật lớn tại Singapore.
Nằm giữa Na Uy và Iceland, quần đảo tí hon Faroe chỉ có 50.000 cư dân sinh sống, điều kiện thi đấu bóng đá khó khăn do địa hình chủ yếu là núi đá. Sân vận động Eidi ở quần đảo này đẹp như tranh vẽ nằm trên sườn đồi, hướng ra biển Đại Tây Dương, là một trong những sân đấu đặc biệt trên thế giới. Đây là một ví dụ điển hình cho sức sống mãnh liệt của môn bóng đá.
Sân bóng đá Henningsvaer trên quần đảo Lofoten của Na Uy được xem là một trong những sân bóng độc đáo nhất châu Âu. Nằm tại một làng chài nhỏ bé, Henningsvaer khó có thể được gọi là một sân vận động chính thống khi không có khán đài và chỉ được dùng để tổ chức những giải bóng nghiệp dư.
Tuy nhiên, điều khiến sân bóng này nổi tiếng chính là phong cảnh tuyệt đẹp xung quanh. Theo đó, Henningsvaer tọa lạc trên một hòn đảo đá được "che chở" bởi những ngọn núi hùng vĩ và biển khơi rộng lớn cùng các vùng vịnh.
Một sân vận động dường như “lọt thỏm” giữa những tuyến đường vành đai nhộn nhịp ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.
Hầu hết khách du lịch đến Tokyo đều ghé qua phố Shibuya nổi tiếng, nơi được cho là giao lộ đông đúc nhất trên thế giới. Tuy nhiên, không có nhiều du khách biết rằng, có một sân bóng trong nhà được xây dựng trên tầng thượng của cửa hàng bách hóa bên cạnh đường Shibuya ở Tokyo, Nhật Bản.
Đài Loan sở hữu sân vận động sử dụng năng lượng mặt trời lớn nhất trên thế giới. Mái che khán đài rộng 14.155 mét vuông của sân được tích hợp những tấm pin khổng lồ để thu năng lượng mặt trời và chúng có khả năng sản xuất khoảng 1,4 triệu KW giờ điện để phục vụ sân mỗi năm. Đặc biệt, khi sân không hoạt động thì 80% dân cư khu vực xung quanh có thể sử dụng nguồn điện tạo ra từ đây.
Sân bóng Estadio Municipal de Aveiro tọa lạc tại Aveiro (Bồ Đào Nha) được xây dựng bởi kiến trúc sư Tomas Taveira phục vụ cho VCK Euro 2004. Về tổng thể thì thiết kế của sân là sự kết hợp táo bạo giữa những hình khối đơn giản với nhiều gam màu sống động, các ghế ngồi trên sân được bố trí không theo hàng lối hay trật tự nào về màu sắc nhưng không hề gây rối mắt. Từ xa có thể thấy Estadio Municipal de Aveiro trông giống như một món đồ chơi được lắp ráp từ những khối lego.
Sân vận động Sapporo (Nhật Bản) có mặt cỏ di động. Sân được xây dựng bởi nhóm của kiến trúc sư Hiroshi Hara và chính thức hoàn thành vào tháng 6/2001. Vì phía Bắc của thành phố Sapporo có lượng tuyết rơi bình quân lên tới 6m/năm nên thiết kế của sân được ôm gọn bởi một mái vòm khổng lồ với vỏ ngoài hình quả trứng nhằm giảm bớt áp lực mà toàn bộ kiến trúc phải gánh chịu và nhất là giúp các trận đấu diễn ra một cách chất lượng mà không bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt ở đây.
Sân Sapporo được sử dụng chính cho các trận đấu bóng chày trên mặt cỏ nhân tạo, ngoài ra nó còn dự trữ một mặt cỏ tự nhiên luôn sẵn sàng cho các giải bóng đá.
G.Minh