Đồng tiền các quốc gia đã mất giá bao nhiêu trong năm nay?

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất 5 lần liên tiếp đẩy đồng đô la Mỹ liên tục đạt đỉnh mới. Điều này khiến đồng tiền của các quốc gia khác bị mất giá…

dong-tien-mat-gia-VNF

Nội dung chính:

  • Fed liên tục tăng lãi suất khiến đồng đô la Mỹ tăng cao kỷ lục, gây áp lực lên kinh tế toàn cầu.
  • Hàng loạt đồng tiền như: Việt Nam đồng, Nhân dân tệ, Yên Nhật, bảng Anh và Euro đều có tỷ lệ mất giá ở mức hàng chục phần trăm so với đô la Mỹ. 

Fed tăng lãi suất làm cho đồng đô la Mỹ trở nên hấp dẫn hơn do các khoản đầu tư bằng USD có thể thu lợi cao hơn so với những loại tiền tệ khác. Nhờ đó, sau mỗi lần Fed điều chỉnh lãi suất, giá trị đồng đô la Mỹ lại đạt đỉnh mới. 

Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số Dollar Index đã tăng gần 17%, mức tăng phần trăm hàng năm lớn nhất kể từ năm 1972. Hiện, chỉ số này đang dao động ở mức cao nhất hai thập kỷ. 

*Chỉ số Dollar Index đo lường giá trị của đồng đô la Mỹ so với rổ 6 loại tiền tệ khác, bao gồm: euro, yên Nhật, bảng Anh, đô la Canada, krona Thụy Điển và franc Thụy Sĩ.

dong-tien-mat-gia-VNF-1
Số liệu chỉ số Dollar Index tính đến tối ngày 24/10. (Nguồn: TradingView)

Theo một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, khoảng 40% giao dịch trên thế giới được thực hiện bằng đô la Mỹ, cho dù Hoa Kỳ có tham gia hay không. 

Đồng đô la Mỹ trở nên quyền lực mang lại kết quả tích cực cho nền kinh tế Mỹ nhưng lại ảnh hưởng xấu đến thị trường toàn cầu. 

Người dân bên ngoài Hoa Kỳ phải chi nhiều tiền hơn để đổi lấy USD, đồng nghĩa với việc tiền tệ các quốc gia khác trở nên mất giá. 

Đồng thời, đô la Mỹ tăng giá sẽ khiến doanh thu từ thị trường nước ngoài của các công ty sụt giảm đáng kể. 

Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs ước tính các công ty thuộc S&P 500 (500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Hoa Kỳ) có khoảng 29% doanh thu từ nước ngoài. 

Trong đó, công ty bán dẫn Qualcomm tạo ra gần như toàn bộ (96%) doanh thu trên toàn thế giới, trong khi Facebook và Google tạo ra hơn một nửa doanh thu tại nước ngoài.

Đồng tiền mất giá, sự kết hợp bất thường của các tác nhân bất ổn địa chính trị, dịch bệnh,... khiến nhu cầu toàn cầu suy yếu, đẩy các quốc gia, đặc biệt là những nền kinh tế đang phát triển rơi vào hoàn cảnh khó khăn. 

dong-tien-mat-gia-VNF-2
Biến động tỷ giá của đồng đô la Mỹ so với đồng Nhân dân tệ (CNY), Việt Nam đồng (VND), Yên Nhật (JPY), đồng Euro (EUR) và đồng bảng Anh (GBP), tính đến ngày 24/10. (Nguồn: Bloomberg)

Những khoản vay nợ bằng USD trở thành gánh nặng với nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Các công ty sẽ phải trả nhiều tiền hơn để nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu có thể hưởng lợi nhờ biến động tỷ giá. 

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã tiến hành tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, củng cố giá trị đồng tiền quốc gia.  

Việt Nam đồng mất giá 7,4% so với đô la Mỹ

Sáng ngày 24/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã nâng giá bán USD tại Sở giao dịch lên 24.870 VND/USD, tăng 490 đồng so với phiên trước đó - mức điều chỉnh mạnh nhất trong nhiều năm qua. 

Đây là lần thứ 6 trong năm 2022 và là lần thứ 4 trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây,  NHNN thực hiện nâng giá bán USD. Hiện, tỷ giá trung tâm đang ở mức 23.700 đồng/USD. 

Tính từ đầu năm, giá bán USD tại Sở Giao dịch đã tăng 1.720 đồng, tương đương mức tăng 7,4%. 

dong-tien-mat-gia-VNF-3
Giá bán USD tại các ngân hàng thương mại đều đã tăng lên mức kịch trần cho phép 24.885 đồng. (Ảnh: Quang Định)

Nhân dân tệ mất giá 14% so với đô la Mỹ

Tại ngày 3/1/2022, 1 USD có thể đổi 6,35 Nhân dân tệ. Chiều ngày 24/10, 1 USD có thể đổi đến 7,24 Nhân dân tệ. 

Đồng Nhân dân tệ đang ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, làm dấy lên suy đoán Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ giảm tốc độ nới lỏng tiền tệ để tránh gây thêm áp lực cho đồng tiền này.

Hiện nay, đồng tiền của Trung Quốc đã mất giá 14% so với đầu năm. 

Chính sách Zero COVID, khủng hoảng địa ốc sâu rộng cùng với lạm phát tăng cao và suy thoái toàn cầu đang thách thức nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Reuters dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 khoảng 3,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5%, đánh dấu một trong những năm kinh tế tồi tệ nhất trong gần nửa thế kỷ qua.

dong-tien-mat-gia-VNF-4
Sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ phản ánh sức mạnh của đồng đô la Mỹ trên toàn cầu. (Ảnh: EPA-EFE)

Đồng Yên Nhật mất giá đến 30% so với đô la Mỹ

Tuần trước, đồng Yên Nhật đã để mất ngưỡng hỗ trợ tâm lý quan trọng 150 yen/USD, trượt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1990. 

Chiều ngày 24/10, 1 USD tương đương 149,4 yen. Trong năm nay, đồng Yên Nhật đã mất giá khoảng 30% so với đô la Mỹ. 

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đứng trước áp lực phải xem xét lại chính sách tiền tệ lỏng lẻo của mình, vì đồng yên đã giảm mạnh và lạm phát tăng cao hơn mục tiêu. 

Hồi tháng 9, Nhật Bản đã phải can thiệp vào thị trường tiền tệ lần đầu tiên sau 24 năm để ngăn chặn đà trượt giá của đồng yen so với đồng USD. 

Ngày 20/10, Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki cho biết chính phủ Nhật Bản sẽ thực hiện “các biện pháp thích hợp để chống lại sự biến động quá mức trên thị trường ngoại hối”. 

Bảng Anh mất giá gần 19% so với đô la Mỹ

Những đợt tăng lãi suất của Fed đang làm tăng giá trị của đồng đô la Mỹ - đồng tiền sử dụng cho phần lớn thương mại và giao dịch trên thế giới, gây ra tình trạng hỗn loạn kinh tế ở cả các quốc gia giàu và nghèo. 

Ở Anh và trên toàn châu Âu, sự tăng giá của đô la Mỹ đang làm nghiêm trọng tình trạng lạm phát. 

Lạm phát cao nhất 40 năm và kế hoạch “ngân sách ngắn hạn” của Thủ tướng Liz Truss đã đẩy đồng bảng Anh xuống mức thấp nhất so với đô la Mỹ kể từ năm 1985. 

Hiện, 1 USD có thể đổi được 0,88 bảng Anh. Trong khi, 1 USD chỉ đổi được 0,74 bảng Anh tại ngày 3/1. Có thể thấy, đồng bảng Anh đã tăng gần 19% kể từ đầu năm đến nay. 

dong-tien-mat-gia-VNF-5
Biến động tỷ giá của một số loại tiền tệ với đồng đô la Mỹ tại ngày 24/10.

Đồng Euro mất giá 15% so với đô la Mỹ

Đồng Euro đang được 19 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu sử dụng. Đây là đồng tiền dự trữ lớn thứ hai thế giới, chỉ sau đồng bạc xanh. 

Theo dữ liệu của Fed, trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây, tỷ giá Euro/USD bình quân ở mức 1,18 USD đổi 1 Euro. Thế nhưng, nhiều lần trong năm nay, đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất 20 năm so với đô la Mỹ. 

Hiện nay, tỷ giá hối đoái giữa hai đồng tiền này gần như ngang bằng nhau. Tính đến chiều ngày 24/10, 1 USD có thể đổi được 1,02 Euro. 

Như vậy, trong gần 11 tháng qua, đồng Euro đã giảm 15% so với đô la Mỹ.

*Số liệu tỷ giá được cập nhật tại TradingView vào ngày 24/10 theo giờ Việt Nam.