Nhắc tới hoa ban là nhắc đến Điện Biên, Tây Bắc. Hoa ban đã đi vào thơ, nhạc, là biểu tượng đặc trưng gắn liền với đời sống văn hóa của người dân nơi đây. Đến hẹn lại lên, tháng 3 về từng vạt đồi núi, dọc những con vào đường bản vùng cao sẽ bắt gặp hoa ban bung nở trắng trời. Điện Biên có nhiều rừng ban cổ thụ, một trong đó có thể kể đến rừng ban Nậm Cứm, xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng.
Bản Nậm Cứm có hơn 60 hộ với 100% đồng bào dân tộc Mông. Mặc dù là bản đồng bào dân tộc Mông nhưng tên bản lại lấy theo tên gọi của dân tộc Thái. Theo tiếng Thái “Nậm Cứm” có nghĩa là nước lạnh, hiểu nôm na là nơi có độ cao gần với nguồn nước chảy từ khe núi nên lạnh quanh năm. Các hộ dân nơi đây sống trên sườn núi khá dốc, từng nhà phân tầng bám vào trục đường bê tông uốn lượn giữa bản như hình xương cá. Theo người dân ở đây, mỗi độ tháng 3 hàng năm, cả bản lại chìm vào sắc trắng hoa ban, từng cây ban cổ thụ lấp ló, ẩn hiện sau nóc nhà, sắc trắng tinh khôi bao quanh cả bản.
Để đến bản Nậm Cứm, từ thành phố Điện Biên Phủ đi đến ngã ba thung lũng Phiêng Ban xã Nà Tấu, sau đó rẽ trái, đi qua trung tâm xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng là tới bản Nậm Cứm. Ngay khi tới đầu bản, đi khách sẽ thấy từng cây ban lớn, cổ thụ với những nụ hoa bung nở trắng muốt nơi núi đồi.
Cảnh sắc rừng ban trắng cổ thụ, đường đi uốn lượn, bản làng nguyên sơ trên sườn núi kỳ vĩ sẽ là những trải nghiệm khó quên, không thể bỏ qua đối với bất kỳ du khách nào tới khám phá Nậm Cứm, khám phá Tây Bắc.
Với khoảng cách không quá xa, đường sá thuận lợi, cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ… Đặc biệt đối với Điện Biên, nơi hoa ban là biểu tượng đặc trưng về miền đất, con người thì bản Nậm Cứm với rừng ban cổ thụ ngập tràn sắc trắng tinh khôi sẽ là điểm đến lý thú, hấp dẫn của người dân, du khách khám phá, tìm tòi trải nghiệm Tây Bắc.
https://dulich.petrotimes.vn/