Xem huyền sử Việt, nhiều người cho đó chỉ là những chuyện “trâu ma, rắn thần” đầy màu sắc thần thoại. Nhưng nếu đọc kỹ hơn, tìm hiểu sâu hơn về di sản văn hóa tín ngưỡng của cha ông để lại, chúng ta sẽ thấy chính những câu chuyện rắn thần đó mới phản ánh lịch sử của người Việt một cách rất sâu sắc, phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan rất phong phú và lâu đời trong văn hóa Việt.
Trong dân gian, người Việt thờ rất nhiều vị thủy thần trong hình thể loài rắn làm thành hoàng làng. Điển hình nhất là vị Linh Lang Đại vương với hàng trăm nơi thờ ở khắp vùng Đồng bằng sông Hồng. Thần tích đình làng Tây Hồ, ở phường Tây Hồ, Hà Nội kể: “Uy Linh Lang là thủy thần, là con trưởng của Lạc Long Quân theo cha xuống biển trấn trị khai thác sông biển, lãnh đạo muôn dân xây dựng cuộc sống phồn thịnh…
Thời Lý thần nhân hóa thành Thái tử Hoàng Lang con vua Lý Thái Tông giúp vua đánh giặc Chiêm Thành. Sau đó Thái tử bị bệnh đậu mùa rồi hóa thành con rắn khổng lồ trườn xuống hồ Tây”. Vị thần trấn Tây của kinh thành Thăng Long xưa chính là thần rắn xuất thế, có nguồn gốc từ thời vua cha Lạc Long Quân dựng nước ven theo dòng sông Cái ra tới biển.
Giá tượng Lạc Long Quân ở Đình Nội Bình Đà |
Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, rồng là loài vật huyền thoại, biểu tượng cho phần tinh thần, chỉ thấy đầu, không thấy đuôi, khó nắm bắt được. Còn rắn lại là loài vật có thật, chỉ phần thân xác to lớn, mạnh mẽ, có thể nhận biết được. Những gì hiển hiện là rắn, còn những gì u linh là rồng. Lúc sinh ra là rắn, lúc hóa đi thành rồng. Quan hầu là rắn, vua chúa là rồng.
Các thành hoàng là thần rắn thời Hùng Vương thường được kể sinh ra từ cùng một bọc trứng, nở thành 2, 3 hay 5 con rắn, lớn lên thành tài, bảo hộ cho cuộc sống của nhân dân, phù trợ quốc gia chống giặc ngoại xâm.
Như ở đầu sông Cái bên ghềnh Ngọc Tháp, tại thị xã Phú Thọ có sự tích về vị thần Linh Uyên Đại vương kể rằng: “Bà Thái phi của vua sông Thao một hôm bỏ lốt rắn đi lên rừng chơi, chợt làm rơi một bọc trứng 5 quả ở đấy. Làng ấy có một ông già nhặt lấy 5 quả trứng đem về... Được 3 ngày, nở ra 5 con rắn… Một hôm ông già vô ý lấy con dao phát bờ khoắng một cái, đứt đuôi một con. 5 con rắn quấn quít lấy cái đuôi khóc mà nói rằng: Chúng ta là giống rồng, trời định cho ta, mỗi người làm vua một phương… Thế là các con rắn chia nhau ra đi làm vua ở các nơi trên sông Thao, sông Lô”.
Tam đầu Cửu vĩ |
Sự tích rắn thần cụt đuôi còn gặp ở nhiều nơi. Như ở làng Yên Phú (Thanh Trì, Hà Nội) kể về hai vị thủy thần xuất thế là Trung Vũ và Đài Liệu. Hai vị đã có công cầu mưa cứu hạn, được nhân dân trong vùng Thanh Trì hết sức kính phục. Sự tích truyền khẩu ở Yên Phú còn kể, khi đê ở Giầy Kẻ bị sạt vỡ, hai vị đã hóa thân thành hai ông rắn nằm ngăn nước để dân đắp, hộ được đê. Lúc hộ đê một ông bị đứt một tí đuôi, nên có hèm là Cụt.
Tượng Rắn đá ở thôn Bảo Tháp, Gia Bình, Bắc Ninh |
Chuyện kể tương tự về thần rắn hộ đê gặp ở thôn Văn Xá, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Thần phả kể rằng: “Vào đời vua Lý Thái Tổ có hai ông bà vớt được 2 quả trứng trắng ngoài sông bèn đem về, 100 ngày sau nở ra 2 con rắn trắng, một con dưới bụng có chữ Câu Mang anh, một con có chữ Câu Mang em…
Một năm, trời dịch bệnh, hai ông Cao Mang làm mưa to gió lớn tẩy trừ dịch bệnh cho dân rồi tạo ra một cái giếng sâu và đi mất... Cũng năm đó lũ to làm đê vỡ, hai ngài Bạch Xà từ giếng ra, đầu gối bên này, đuôi chạm bên kia nằm chắn khúc đê vỡ để ngăn dòng nước chảy, sau hai ngài lại ra sông đi mất. Quan sở tại tâu lên triều đình, nhà vua phong cho hai ngài là Nhị vị Thủy tề Long vương”.
Hổ ngồi trên rắn ở đền Kê Hạ, Ninh Vân, Ninh Bình |
Những vị rắn thần được kể là những nhân vật lịch sử có thật nhờ có công hộ quốc cứu dân mà được tôn làm Long Vương. Như ở suối cá thần Cẩm Lương, Thanh Hóa có đền thờ chàng rắn của người Mường được phong là Tứ phủ Long Vương. Ở xã Thạch Trị huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh có Miếu Ao, thờ Ông Cả Long vương. Sự tích ở miếu ghi: “Đức Vương và Thánh Nữ thấy sao băng mà sinh được 3 quả trứng nối liền nhau thành một con Hoàng Xà, sau bị Đức Vương chẳng may xắn thành 3 khúc, trở thành 3 anh em”.
Ông Hoàng cưỡi Lốt, tranh Hàng Trống |
Trong những câu chuyện trên, vị Đức Vương, hay ông lão thực ra là vua Kinh Dương Vương trong sử Việt. Thánh Nữ, bà Thái phi, bà mẹ là bà Thần Long. Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Đế Quân mà sinh ra Lạc Long Quân. Những người con rắn nở ra từ một bọc trứng ấy là những người anh em với Lạc Long Quân của thủy phủ. Do đó, các vị thủy thần thời này đều là những nhân thần có công dựng nước cùng với vua Lạc Long Quân dọc dòng sông Hồng.
Tượng và bài vị Linh Lang Đại vương ở đình làng Bảo Hà, Vĩnh Bảo, Hải Phòng |
Sự tích ở đền Đồng Bằng (xã An Lễ, Quỳnh Phụ, Thái Bình) kể rằng: “Nàng Quý đi tắm ở sông Đào, cảm động với giao long mà có thai, sinh được một bọc, nở ra 3 con hoàng xà. 3 con rắn sau hóa thành 3 chàng trai giúp vua Hùng đánh giặc. Con hoàng xà lớn trở thành Vĩnh Công Đại Vương Bát Hải Động Đình, tức là vị đức Vua cha Thoải phủ trong tín ngưỡng Tứ phủ. Người đứng đầu Thủy phủ không ai khác chính là vua cha Lạc Long Quân trong sử Việt”.
Bài vị đình làng Thanh Cù, Kim Động, Hưng Yên thờ Linh Lang Đại vương |
Trong thần điện Tứ phủ còn thờ những con rắn thực sự. Nhị vị Xà thần có tên gọi là Thanh Xà Tướng quân và Bạch Xà Tướng quân, chịu trách nhiệm canh gác đền phủ, trấn giữ đường âm, đường sông nước, trừ ma diệt quỷ. Tuy nhiên, việc thờ rắn làm thần khác với việc thờ thành hoàng là thủy thần trong lốt rắn. Những vị Quan Xà không có sự tích riêng, không có đền thờ riêng, không được sắc phong thờ là thành hoàng ở bất cứ nơi nào.
Linh vật đá thời Tần Hán ở núi Châu Sơn, Quế Võ, Bắc Ninh |
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ còn có một hình tượng rắn thần đặc biệt khác, danh xưng Tam đầu Cửu vĩ. Đó là một thần rắn 3 đầu 9 đuôi, là thú cưỡi của một số vị Quan như Quan Lớn Đệ Tam, Quan Hoàng Cả…
Khác với Thanh Xà và Bạch Xà, Tam đầu Cửu vĩ Long Vương là vị thần có được thờ cúng là thành hoàng ở một số nơi, như ở đình Nam Dư Hạ ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tam đầu Cửu vĩ là hình tượng hóa của hệ thống sông ngòi cổ ở miền Bắc Việt, nơi 3 sông Đà, Lô, Thao hội tụ ở ngã ba Bạch Hạc rồi chia thành nhiều nhánh mà đổ ra biển. Rất lạ là trong Sơn Hải kinh, cuốn sách cổ của Trung Hoa từ thời trước Công nguyên cũng có nói đến một loài rắn 9 đầu gọi là Tương Liễu thị, là bề tôi của thần nước Cung Công. Hình Tương Liễu thị 9 đầu phối hợp với chim Kỳ Đồ 3 đầu được thể hiện trên bức họa Ngoại quốc đồ thời Lê Trung Hưng, hiện lưu tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Vương Sung, một nhà triết học Trung Hoa thời đầu Công nguyên nói: “Ve lột vỏ, rắn thay da, rùa bỏ mai, hươu rụng sừng, da vỏ tiêu hết, chỉ giữ lại xương cốt mới có thể thoát xác tái sinh”. Vì thế thân hình rắn ở thời này thể hiện cho các vị tu tiên đắc đạo. Trên các bức bích họa thời Hán, cặp thần tiên tối cổ Nữ Oa - Phục Hy được thể hiện dưới dạng hình người thân rắn, cuộn đuôi vào nhau. Tại khu mộ cổ khổng lồ Nghi Vệ ở Bắc Ninh được khai quật từ thời Pháp đã phát hiện có một chiếc gương thể hiện cặp thần tiên thân rắn. Hình tượng người rắn tương tự còn gặp trên những tấm lụa phủ liệm quan tài cùng thời kỳ.
Ngũ xà trận, chạm khắc ở đình Đào Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ |
Hình tiên thân rắn còn gặp trên bức chạm ở một ngôi đình nổi tiếng xứ Đoài Hà Tây xưa là đình Tây Đằng. Bên mé hữu của đình trên xà ngang có bức chạm hai vị tiên cầm hoa sen với thân rắn dài, có vảy. Hai vị tiên này đứng chầu vào giữa, là nơi có hai vị tiên khác, một đang ôm rắn và một đang ôm cá.
Câu chuyện về rắn thần từ thuở Lạc Thị Hồng Bàng qua thời Ân Thương tới thời Tần Hán, với những di vật bằng đá còn sống động nơi núi Châu Sơn cho thấy tín ngưỡng thờ rắn thần là hình thức rất độc đáo lưu giữ lịch sử huy hoàng và lâu đời của người Việt.
Trong Tiên đạo, rắn còn kết hợp với rùa tạo thành linh vật Huyền vũ, một trong tứ linh, trấn phương Bắc. Linh vật Huyền vũ thường được thể hiện trên các gương đồng từ thời Đông Hán. Cặp rắn - rùa là biểu tượng của âm - dương kết hợp trong Đạo giáo, gặp trong những nơi thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ như ở đền Quán Thánh (trấn Bắc của Thăng Long Hà Nội), hay ở đền Sái (Cổ Loa). Tượng thần Huyền Thiên thường được thể hiện tay cầm kiếm có rắn quấn quanh và chống lên lưng rùa.
Rắn thần trong Phật giáo được gọi là Rắn Naga, là vị Mãng xà vương đã che chở cho Đức Phật khi tu dưới gốc bồ đề trong mưa bão. Tượng Phật của người Khơ me thường được thể hiện ngồi trên thân rắn và được rắn thần 9 đầu che chở. Ở miền Bắc hình tượng này chuyển biến thành tượng Thích Ca sơ sinh có 9 con rồng đến phun nước tắm.
Tranh lụa người thân rắn thời Hán |
Ở thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình đã phát hiện một bức tượng rắn bằng đá rất lạ, thể hiện hình ảnh ông Rắn đang tự cắn xé thân thể. Đây có thể là một biểu tượng trong Phật giáo, lấy từ điển tích rắn độc khi đã giác ngộ thì căm ghét thân hình xấu xa của mình. Những con rắn độc khi giác ngộ, đã từ bỏ thân rắn mà được đắc lên cõi trời Đao Lợi hoặc thành A La Hán, tôn giả…
Ấn tượng về “Rắn thần” trong Lĩnh Nam chích quái là Truyện Giếng Việt. Giếng Việt ở miền Châu Sơn (Bắc Ninh), Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân ở chân núi này. Vua Ân chết thành vua Địa phủ, có đền thờ trên núi. Đến cuối thời Tần, có người là Thôi Vĩ chạy lạc vào núi, rơi xuống hang sâu, gặp một con rắn trắng mình dài trăm trượng, mào vàng, miệng đỏ, râu đỏ, vảy trắng, trên trán có dòng chữ vàng đề “Vương Kinh Tử”. Thôi Vĩ dùng thuốc ngải chữa bệnh bướu cổ cho rắn, nên được rắn dẫn khỏi hang… Ở Châu Sơn tới nay vẫn còn một bức tượng đá cổ, kích thước cao bằng người thật, thể hiện con vật thân như thân rồng rắn nhưng có mỏ và cánh như chim phượng, là dấu vết cổ xưa của một ngôi đền thời Tần Hán tại đây.
Rắn - rùa ở Đền Quán Thánh |
Câu chuyện về rắn thần từ thuở Lạc Thị Hồng Bàng qua thời Ân Thương tới thời Tần Hán, với những di vật bằng đá còn sống động nơi núi Châu Sơn cho thấy tín ngưỡng thờ rắn thần là hình thức rất độc đáo lưu giữ lịch sử huy hoàng và lâu đời của người Việt. Trong tâm linh Việt, rắn thần là những người con đã theo cha Lạc Long Quân đi khai phá miền sông nước biển Đông, là tổ tiên của 50 họ người Việt. Sự thật về quá khứ người Việt vẫn còn ẩn mình như rắn thần Kinh Vương Tử nơi Giếng Việt xưa.
Nhà nghiên cứu văn hóa Minh Xuân