Thác Voi là một trong những thác nước nổi tiếng của Lâm Đồng. Vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của thác Voi là những điểm thú vị đang chờ bạn khám phá.
Thác Voi hay có tên là thác Liêng Rơwoa, thuộc thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng, nằm trên dòng sông Cam Ly. Thác nằm cách Đà Lạt chừng 25 km, có chiều rộng khoảng 40m, chiều cao hơn 30m.
Bên thác có những tảng đá như chú voi con nên có tên gọi là thác Voi. Thác Voi ngày đêm ầm ầm đổ nước tạo nên những âm thanh như tiếng gầm của thú rừng.
Đây là một trong số ít thác còn giữ được nét hoang sơ của miền đất Tây Nguyên. Năm 2001 thác Voi đã được công nhận là di tích - thắng cảnh quốc gia.
Từ chân lên tới đỉnh thác được nối liền với nhau bằng 145 bậc tam cấp uốn lượn. Từ trên cao, bạn có thể phóng tầm mắt của mình ra xa để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng cây xanh mát, nơi có những cây cổ thụ cả trăm năm tuổi với dây leo chẳng chịt cuốn quanh càng tạo thêm phần huyền bí và kỳ ảo cho thắng cảnh nơi đây.
Cứ theo những bậc thang đó, dẫn dần xuống chân thác nơi có những tảng đá khổng lồ, nằm ngổn ngang, được bao phủ bởi một lớp rêu xanh mướt, khiến nhiều người liên tưởng tới những con voi khổng lồ.
Trái ngược với chốn đô thị náo nhiệt ngoài kia, tới thác Voi bạn cảm thấy hoang dã, thích thú. Đứng trên cao nhìn xuống bạn có thể thấy được quang cảnh núi rừng, những cây cổ thụ sừng sững, những cây leo bao quanh, uốn lượn chằng chịt.
Từ trên cao thác nước như một thiếu nữ mềm mại đang đung đưa theo những bước chân cùng điệu múa nhạc. Phong cảnh thiên nhiên hài hòa, đan xen là tiếng thác nước, tiếng chim hót cùng tiếng cây rừng.
Đặc biệt những tảng đá lớn nhấp nhô phủ đầy cỏ dại có hình thù như một đàn voi. Những “chú voi” đang nghịch dưới dòng thác trắng, nằm cạnh cánh rừng xanh ngát.
Thác Voi mang đậm vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ. Khi ánh nắng rọi vào dòng thác, tạo nên bức họa muôn màu sắc vô cùng huyền ảo, lung linh. Phía sau dòng thác còn có một hang động nhỏ kỳ bí. Hang ăn sâu xuống lòng đất chừng 50m với những vách đá có các hình thù, màu sắc rất lạ mắt mà người dân địa phương gọi là hang Dơi, hang Gió.
L.Tường (t/h)