Hà Nội đang rộn ràng trong không khí hân hoan và tự hào khi chuẩn bị đón mừng kỉ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Ngày nay là 1 Hà Nội hiện đại, văn minh, vậy Hà Nội 100 năm trước như thế nào?
Chào mừng ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) hàng loạt các hoạt động đặc sắc như triển lãm tranh, chương trình nghệ thuật diễn ra. Từ ngày 20/9 đến 31/10, triển lãm trực tuyến 3D "Hỡi đồng bào Thủ đô!" sẽ mở ra một cánh cửa thời gian, đưa người xem trở về với những trang sử hào hùng của Hà Nội.
Triển lãm sẽ giới thiệu những tài liệu lưu trữ và hình ảnh quý giá, phần nhiều trong số đó lần đầu tiên được công bố về cuộc đấu tranh kiên cường của quân dân Hà Nội chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1954. Với ba phần chính: "Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời", "Hà Nội vùng đứng lên" và "Hà Nội ngày về chiến thắng", triển lãm không chỉ là một hành trình lịch sử mà còn là dịp để mỗi người dân Thủ đô cảm nhận sâu sắc hơn về tinh thần bất khuất của cha ông.
Còn nhớ năm 2023, tại triển lãm “Thành xưa, phố cũ” nhân dịp kỉ niệm 69 năm ngày giải phóng Thủ đô cũng đã triển lãm hàng loạt những bức ảnh về Hà Nội xưa.
Hình ảnh Ga Hà Nội đầu thế kỷ XX. Năm 1897, Hội đồng Tối cao Đông Dương quyết định thông qua kế hoạch tổng thể thiết lập hệ thống đường sắt trên toàn Đông Dương, trong đó có tuyến từ Hà Nội đến biên giới Trung Quốc. Công trình được thiết kế ban đầu năm 1898 bởi Kỹ sư Brorreil. Ga Hà Nội được sửa chữa và cải tạo nhiều lần, nay nằm tại số 120 Lê Duẩn.
Hình ảnh Sở Tài chính Đông Dương đầu thế kỷ XX. Sở Tài chính Đông Dương là một trong những kiến trúc đầu tiên thể nghiệm phong cách Đông Dương, đồng thời đi đầu trào lưu kiến trúc kết hợp Đông - Tây, giai đoạn 1923 - 1936. Trước đây, Toà nhà được dùng cho 2 cơ quan là Sở Tài chính và Sở Trước bạ. Hiện nay công trình đang được dùng cho Trụ sở Bộ Ngoại giao tại số 1 Tôn Thất Đàm.
Hình ảnh Phủ Thống sứ Bắc Kỳ đầu thế kỷ XX. Công trình toạ lạc tại trung tâm Hà Nội, mặt chính hướng về phía đông là đại lộ Henri Rivière (nay là phố Ngô Quyền).
Hình ảnh Sở Bưu điện Hà Nội đầu thế kỷ XX. Sở Bưu điện Hà Nội nằm ở phố Francis Garnier (nay là phố Đinh Tiên Hoàng). Đây là một trong những công trình được xây dựng từ khi Hà Nội bắt đầu được quy hoạch và mở rộng.
Khung cảnh Nhà hát lớn Hà Nội đầu thế kỷ XX. Nhà hát Thành phố được nghiên cứu và xây dựng trong các năm 1908 - 1916 trên phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền). Đây là công trình văn hoá tiêu biểu có giá trị về thẩm mỹ, quy mô xây dựng lớn (khoảng 900 chỗ).
Trường Trung học Albert Sarraut đầu thế kỷ XX. Năm 1923, Trường Trung học Đông Dương ở Hà Nội đổi tên thành Trường Trung học Albert Sarraut. Nay là Trụ sở Đối ngoại và Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Ảnh chụp từ triển lãm:
Quang cảnh phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền) vào đầu thế kỷ XX.
Kỳ Đài (Cột cờ Hà Nội) được chuyển thành tháp canh, năm 1888 - 1891. Thời điểm này, hồ nước phía trước Kỳ Đài vẫn còn.
PV