Hai bên non cao và thung sâu của con đèo Khau Phạ (tiếng Thái Khau Phạ nghĩa là Sừng Trời) vắt ngang qua huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) là những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp vào mùa nước đổ. Bắt đầu từ đầu tháng 6, mùa mưa rừng đến, nước từ Sừng Trời len lỏi qua cánh rừng, con suối đổ xuống ruộng bậc thang từ cao xuống thấp, tạo nên bức tranh thiên nhiên và lao động vô cùng hùng vĩ.
Tháng 6, đi ngược con đèo Khau Phạ lên huyện Mù Cang Chải có cảm giác bồng bềnh huyền ảo, mây vờn núi, núi che mây. Sáng, khi sương mờ còn bảng lảng giữa bản làng nằm chênh vênh lưng chừng núi, người Mông, Thái, Dao ở các xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Lìm Mông… gọi nhau lên nương.
Năm 2007, ruộng bậc thang ở 3 xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và Chế Cu Nha - thiên đường ruộng bậc thang Việt Nam - đã được Nhà nước công nhận Danh thắng quốc gia. Không chỉ vậy, Mù Cang Chải còn được tờ báo Anh Telegraph bầu chọn vào Top 7 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới.
Họ tận dụng những cơn mưa đầu tiên của mùa hạ và nắng chưa kịp gay gắt để dẫn nước về các thửa ruộng, đồng thời đón thêm nước từ những khe suối để cấy cày.
Nước chảy từ khe núi xuống, qua những ống nứa, tràn xăm xắp mặt ruộng. Nước đổ đến đâu, người dân tranh thủ cày xới, đánh lại bờ ruộng giữ nước đến đó. Nước từ bậc ruộng này đổ xuống bậc ruộng khác, lênh láng cuộn trong mình màu của phù sa. Sự sinh sôi của một mùa mới lại được bắt đầu.
Đứng trên lưng chừng đèo Khau Phạ, nhìn bốn hướng, thấy mặt ruộng khi đã “no” nước, lấp lánh chuyển màu theo từng khoảng thời gian trong ngày, thửa ruộng này thì pha lẫn với màu vàng của phù sa, thửa ruộng khác thì nhuộm sắc xanh của mạ non, nơi phản chiếu đất trời tím biêng biếc. Cứ thế, từ lớp này đến lớp khác, những thửa ruộng nối nhau “bắc thang” lên trời xanh để soi bóng mây vờn.
Người dân nơi đây không chỉ “vẽ” nên một bức tranh kỳ vĩ giữa núi rừng, mà còn ghi dấu sự tồn tại, sống hòa hợp với thiên nhiên. Ông Cứ A Giàng, người Mông ở xã La Pán Tẩn cho biết, theo kinh nghiệm của cha ông để lại, việc khai khẩn ruộng bậc thang được tiến hành vào mùa nước đổ, thường vào khoảng tháng 5-6 là có thể kịp lấy nước phục vụ canh tác. Công đoạn khó khăn nhất trong quy trình khai khẩn ruộng bậc thang là san mặt bằng ruộng và làm bờ ruộng, vì nó liên quan đến việc giữ nước và chia đều nước cho toàn ruộng.
Ông Giàng A Tông, từng làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái, người sinh ra và lớn lên trên lưng dãy núi Khau Phạ tự hào về danh thắng quê mình: “Công việc khai khẩn được làm được vào mùa nước đổ và nối tiếp từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên các triền ruộng tựa như những bức tranh nghệ thuật hoành tráng “treo” trên các sườn non”.
Những thửa ruộng bậc thang nằm trên địa bàn Mù Cang Chải đang là địa điểm thu hút du khách lên chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ vào mùa nước đổ. Hằng năm, huyện Mù Cang Chải tổ chức Lễ hội ruộng bậc thang vào đúng mùa nước đổ và mùa gặt để quảng bá du lịch. “Lễ hội ruộng bậc thang mùa nước đổ năm nay thực chất là lễ hội tôn vinh những cư dân đã đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu, để tạo nên những nấc thang hạnh phúc, ấm no cho mảnh đất vùng cao này”, ông Giàng A Tông tự hào nói.
Chúng tôi lên đến tận đỉnh Khau Phạ cao 2.100m, nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Yên Bái và Lai Châu, thì thấy một màu trắng xóa, mù quá hóa mưa. Những giọt nước mưa từ đây, cứ thế ngấm vào đất, thấm trong đá, theo các con suối đổ về các ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải. Những giọt nước kết tinh của đất trời và sức lao động bền bỉ, sáng tạo của con người vùng đất Sừng Trời đã hiển hiện trong những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải nằm trải rộng trên diện tích hơn 2.300 ha, nhưng tập trung nhiều nhất ở 3 xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và Chế Cu Nha. Đây là nơi canh tác lúa nước của người Mông và cũng là minh chứng cho sự sáng tạo trong việc canh tác lúa nước thích ứng với điều kiện khí hậu, đất đai và thủy lợi của đồng bào dân tộc miền núi.
Trịnh Thông Thiện