Được xem như nút giao lớn nhất ở TP HCM sau khi hoàn thành, nút giao An Phú giúp giảm ùn tắc cho khu vực này vì hiện lượng xe qua đây rất đông; đồng thời nâng cao khả năng khai thác tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành khi sân bay Long Thành đi vào vận hành.
Nút giao thông An Phú có lượng xe cộ lưu thông không hề nhỏ, do đây là điểm giao thoa của ba hướng giao thông vô cùng quan trọng bao gồm: đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây kết nối về miền Đông, miền Trung và miền Bắc; đường Mai Chí Thọ kết nối về miền Tây và đường ra vào cảng biển hàng đầu của cả nước như Cát Lái, Sài Gòn, Bến Nghé, Tân Thuận…
Tại khu vực này, hiện trạng kẹt xe nặng nhất là phía đường Mai Chí Thọ, hướng TP Thủ Đức đi đến hầm sông Sài Gòn. Thời gian đợi đèn đỏ để chạy thẳng theo hướng này vào các giờ cao điểm là khoảng 150 giây.
Theo VEC, dự án công trình đầu tư xây dựng nút giao thông An Phú bao gồm cầu vượt và hầm chui. Chi tiết, thiết kế xây dựng đường hầm chui 2 chiều (4 làn xe) kết nối với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ theo hướng đi về hầm vượt sông Sài Gòn và cầu vượt 2 chiều giữ cao tốc và đường Lương Định Của.
Nút giao An Phú với tổng mức đầu tư 3.926 tỷ đồng dự kiến thực hiện giai đoạn 2021-2025 giúp giải tỏa ùn tắc đoạn đầu tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo phương án thiết kế, nút giao 3 tầng gồm hầm chui hai chiều nối cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống; mặt đất sẽ xây các tiểu đảo, đảo tại các nút giao kết hợp đèn tín hiệu giao thông; trên cao sẽ xây hai cầu vượt.
Một số hình ảnh tiến độ nút giao An Phú:
N. Hiển