Tin doanh nghiệp nổi bật (ngày 20/10): VIX bổ nhiệm nhân sự cấp cao, VEAM sắp chi gần 6.000 tỷ đồng trả cổ tức

Tin doanh nghiệp nổi bật trên sàn (ngày 20/10): VIX bổ nhiệm nhân sự cấp cao; FPT lãi sau thuế gần 4.900 tỷ đồng trong 9 tháng đầu 2022, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ năm trước; VEAM sắp chi gần 6.000 tỷ đồng trả cổ tức năm 2021; MBS báo lãi quý III giảm 34% khi doanh thu đi xuống quý thứ tư, cho vay margin tăng gần 1.000 tỷ đồng là những thông tin đáng chú ý hôm nay, ngày 19/10.

Bà Nguyễn Thị Tuyết giữ chức Chủ tịch HĐQT Chứng khoán VIX

Ngày 19/10/2022, Công ty cổ phần Chứng khoán VIX (HoSE:VIX) vừa có thông báo liên quan tới việc bổ nhiệm các chức danh Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc và Phó Tổng Giám đốc.

Cụ thể, Hội đồng quản trị đã nhất trí bầu bà Nguyễn Thị Tuyết làm Chủ tịch HĐQT từ ngày 2/11/2022 cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2021- 2026. Hiện bà Tuyết đang là Phó chủ tịch VIX. 

Nguyen-Thi-Tuyet_e1c7ae0a-1533-470b-b180-10cf935029e4
Bà Nguyễn Thị Tuyết Phó Chủ tịch HĐQT Chứng khoán VIX

Ông Trương Ngọc Lân được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Chứng khoán VIX từ 19/10/2022. Ông Lân tốt nghiệp sau Đại học trường City University London, UK chuyên ngành Toán – Thống kê – Định phí bảo hiểm, tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành Quản trị kinh doanh của trường Đại học Western Pacific University, USA. Ông Lân đã có nhiều năm kinh nghiệm quản lý tại các công ty tài chính, chứng khoán. Ông từng là Phó Tổng Giám đốc Công ty quản lý quỹ An Bình và Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán An Bình, trước khi về VIX.

Thông báo từ VIX cũng cho biết, người đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc Chứng khoán VIX từ ngày 19/10/2022 là ông Thái Hoàng Long. Ông Long đã có 15 năm kinh nghiệm công tác ở các công ty trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán. Ông từng là Tổng Giám đốc của Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt, Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Ngân hàng VietinBank.

FPT lãi sau thuế gần 4.900 tỷ đồng trong 9 tháng đầu 2022, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ năm trước

Tập đoàn FPT (mã chứng khoán: FPT) vừa công bố KQKD 9 tháng đầu năm 2022, ghi nhận tiếp tục đạt mức tăng trưởng trên 20%, vượt kế hoạch đã đề ra từ đầu năm.

Theo đó, tổng doanh thu 30.975 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.665 tỷ đồng, đồng loạt tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ chi phí, FPT lãi sau thuế 9 tháng 4.856 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với thực hiện trong cùng kỳ năm 2021. Trong đó, LNST thuộc về Cổ đông Công ty mẹ tăng 30% lên 3.943 tỷ đồng. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 9 tháng tăng 30% lên 3.605 đồng.

FPT_Tower_so_10_Pham_Van_Bach_phuong_Dich_Vong_quan_Cau_Giay_Ha_Noi
Ảnh minh hoạ

Chi tiết cơ cấu doanh thu, bao gồm:

Thứ nhất, khối Công nghệ ghi nhận 17.742 tỷ đồng doanh thu, LNTT tăng 26% lên 2.635 tỷ đồng, chiếm 47% cơ cấu lợi nhuận cả tập đoàn.

Thứ hai, doanh thu Dịch vụ Viễn tăng trưởng 2 con số 16%, đạt 10.243 tỷ đồng. Biên lợi nhuận được mở rộng từ 18.1% lên 18.8% nhờ tăng trưởng lợi nhuận từ mảng PayTV.

Thứ ba, mảng giáo dục tiếp tục mức tăng trưởng doanh thu cao 47%, đạt 3.104 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2022.

VEAM sắp chi gần 6.000 tỷ đồng trả cổ tức năm 2021

Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM - Mã: VEA) chuẩn bị trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 44,937% (1 cổ phiếu sẽ được nhận 4.493,7 đồng).

Ngày 31/10 là ngày thanh toán cuối cùng, tương ứng với ngày giao dịch không hưởng quyền là 28/10. Ngày thanh toán là 30/11.

Với hơn 1,32 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, VEAM cần chi 5.968 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức. Trong đó, cổ đông lớn nhất là Bộ Công Thương nắm 88,47% vốn tại VEAM có thể nhận về 5.279 tỷ đồng.

Đây không phải là lần đầu tiên VEAM trả cổ tức với tỷ lệ tiền mặt cao. Năm 2020, tỷ lệ là 54,527%, năm 2019 là 52,529%, năm 2018 là 38,84%.

Về tình hình kinh doanh, 6 tháng đầu năm, VEAM ghi nhận doanh thu thuần là 2.248 tỷ đồng tăng 9,9% so với cùng kỳ, đạt 23% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế là 3.222 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ, đạt 63% kế hoạch năm.

Tại ngày 30/6, tổng tài sản của VEAM là 28.092 tỷ đồng, vốn điều lệ của doanh nghiệp là 13.288 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Khoản tiền, tương đương với tiền, tiền gửi có kỳ hạn là là 14.576 tỷ đồng. Cuối quý II, vốn chủ sở hữu của VEAM đạt 26.790 tỷ đồng bao gồm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 13.310 tỷ đồng.

VEAM tiền thân là Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con thuộc Bộ Công thương được thành lập năm 1990. Năm 2017, VEAM chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP.

MBS báo lãi quý III giảm 34% khi doanh thu đi xuống quý thứ tư, cho vay margin tăng gần 1.000 tỷ đồng

CTCP Chứng khoán MB (Mã: MBS) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với sự đi xuống về doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, doanh thu hoạt động trong quý III của MBS đạt 430 tỷ đồng, giảm 16,5% so với cùng kỳ.

Lãi từ cho vay và phải thu là lớn nhất trong cơ cấu doanh thu, đạt 189,7 tỷ đồng trong quý III, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Nguồn thu từ hoạt động môi giới chứng khoán đạt 151,3 tỷ đồng, giảm 38,1%.

Lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 28,1 tỷ đồng, tăng 54,7%. Lãi từ các tài sản tài chính FVTPL là 31,9 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ.

Cùng chiều doanh thu, chi phí hoạt động của Chứng khoán MBS là 152,1 tỷ đồng trong quý III, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí lãi vay của công ty tăng 16% lên 96 tỷ đồng.

Kết quả là, lợi nhuận trước thuế của Chứng khoán MB giảm 34% so với cùng kỳ, đạt gần 152 tỷ đồng. Tương tự, lãi sau thuế của công ty trong quý III đạt 121 tỷ đồng, giảm 34,1%.

Trong quý III, Chứng khoán MB đẩy mạnh hoạt động cho vay ký quỹ, đưa tổng quy mô cho vay margin lên 6.607 tỷ đồng, cao hơn gần 1.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 6. Đây cũng là quy mô cho vay margin lớn nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.