Các khu vực nuôi trồng và cung cấp cá chép lớn nhất cả nước phục vụ cho ngày Tết ông Công ông Táo năm 2023

Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, khi không khí mùa xuân đang tràn về trên mọi nẻo đường, mỗi gia đình lại chuẩn bị lễ tiễn ông Công ông Táo về trời. Đây là một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam được lưu truyền trong dân gian từ nhiều đời nay.

Phóng sinh cá chép ngày 23 tháng Chạp là tục lệ dân gian đã có từ rất lâu. Mọi người quan niệm rằng, ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép về trời để báo cáo lại tất cả việc làm trong một năm qua. Từ đó, tục lệ phóng sinh cá chép vào ngày Tết ông Công ông Táo cũng ra đời.

Tập quán này của người dân đã tạo ra thu nhập đáng kể cho các làng nghề nuôi trồng cá chép đỏ và tiểu thương.

Cùng tham khảo một số địa điểm nuôi trồng và cung cấp cá chép đỏ lớn nhất nước ta, nơi không chỉ cung cấp nguồn cá chép đỏ phục vụ lễ ông Công, ông Táo trên địa bàn, ngoài ra còn cung cấp cho cả các đô thị lớn. 

Làng nghề Vũ Đoài tỉnh Thái Bình

Đến xã Vũ Đoài (Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) những ngày này, từ đầu làng tới cuối xóm đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh người dân đang tất bật bơm nước, tát ao, thả lưới bắt cá chép đỏ. Nhiều ô tô, xe máy của thương lái ra vào tấp nập thu mua cá chép đỏ mang đi bán cho dân cúng ông Công ông Táo.

Tại gia đình ông Phạm Xuân Doanh ở thôn 2, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) những mẻ cá chép đỏ rực rỡ đang được thương lái thu mua chuyển lên thùng xe tải. Ông chia sẻ: “Nhà tôi có 7 sào ao, đầu năm thả cá trắm, cá trôi và nuôi thêm các cặp cá chép đỏ bố mẹ để gây giống, đến tháng 7 âm lịch thì bắt đầu thả đại trà 3 vạn cá chép đỏ giống xuống ao nuôi kết hợp. Cũng nhờ thời tiết năm nay thuận lợi thế nên cá sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, không mắc dịch bệnh. Dự kiến sẽ mang đến thu nhập cao.”

Ông Nguyễn Thanh Năm - thôn 6 xã Vũ Đoài, Vũ Thư: "Nhà tôi 2 sào ao, từ đầu tháng 7 tôi đầu tư nuôi 3kg cá giống đến nay đã cho thu hoạch. Tôi rất vui vì xu hướng năm nay giá cả tăng cao so với mọi năm”.

Screen Shot 2023-01-08 at 01.27.13
Ảnh minh hoạ

 Xã Vũ Đoài hiện có gần 100ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản với khu chuyển đổi tập trung khoảng 34ha. Với lợi thế về nguồn nước sạch thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản nên chép đỏ của Vũ Đoài có màu sắc đẹp, sức đề kháng tốt vì vậy đã tạo nên thương hiệu cho "cá Ông Công, Ông Táo" của địa phương.

Làng Thủy Trầm tỉnh Phú Thọ

Những ngày giáp Tết Quý Mão, người dân làng nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đang hối hả cung cấp cá ra thị trường Tết ông Công ông Táo.

Gia đình bà Nguyễn Minh Thu - khu 3 Thủy Trầm, Cẩm Khê chia sẻ: “Trước kia nuôi cá đỏ khó khăn, bây giờ được làm mương máng, nước sạch về tận ao nên nuôi cá thuận lợi, sản lượng cá thu được cao hơn, thu nhập cũng tăng đáng kể.”

Nghề ươm nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm bắt đầu từ những năm 1960 và phát triển cho đến bây giờ. Năm 2011, UBND tỉnh Phú Thọ đã công nhận làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm và đầu tư cơ sở vật chất phát triển làng nghề.

Hiện nay cả làng có trên 30 ha nuôi cá chép đỏ của 250 hộ dân, trong đó sử dụng trên 1.140 lao động tại chỗ, cung cấp ra thị trường trên dưới 50 tấn cá mỗi năm.

Nghề nuôi cá chép truyền thống Hội Am, Hải Phòng

Trước đây, người dân tại làng Hội Am (xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Tp Hải Phòng) nuôi cá chép chủ yếu chỉ để phục vụ nhu cầu tại địa phương. Sau này, nhận thấy tiềm năng từ các thị trường lớn bên ngoài, nhiều hộ nông dân đã đầu tư trang trại, mở rộng quy mô nuôi cá để phục vụ ca Tết cho khắp các vùng miền.

Dự kiến Tết ông Công, ông Táo năm nay, làng Hội Am sẽ cung cấp ra thị trường hơn 7 tấn cá chép trắng, chép vàng, chép tam dương. Với giá bán cao hơn nhiều lần so với giá năm 2020 và 2022, mỗi sào ao đem lại cho người làm nghề khoản thu nhập lên tới vài chục triệu đồng. 

Screen Shot 2023-01-08 at 01.31.32
Ảnh minh hoạ

Làng Hội Am có hơn 400 hộ theo nghề với tổng diện tích gần 80ha. Gia đình ít có chừng 2-3 sào ao, nhiều lên tới gần 10 mẫu. Khác với những làng nghề nuôi trồng khác thường bắt đầu thả giống từ tháng 7, tháng 8 âm lịch; ở Hội Am người làm nghề không đánh bắt tự nhiên mà mua cá bột to cỡ hơn đầu tăm một chút, sau 2-3 tháng nuôi đã được thu hoạch với kích cỡ ngón tay người trưởng thành.

Bên cạnh đó, làng Hội Am hiện có nhiều hộ tự sản xuất được cá giống. Ngoài các giống cá truyền thống như trôi, trắm, chép, mè, rô phi, hiện người làm nghề ở Hội Am nuôi nhiều loại cá mới được thị trường ưa chuộng như cá lăng, trắm giòn, chép giòn, cá quả… Năm 2001, thành phố công nhận làng nghề truyền thống nuôi cá giống Hội Am.

Cá chép đỏ nổi tiếng xứ Thanh 

Người dân các thôn Tân Cổ, Bái Trúc... (thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, từ 20 đến 22/12 Âm lịch, họ bắt đầu hút ao, kéo cá, bắt cá để phục vụ cho người dân địa phương cũng như cho các thương lái trong và ngoài tỉnh.

Cá sau khi đánh khỏi ao được cho vào các bể tạm chờ khách đến chọn. Cá có đủ các kích cỡ, từ 30 - 40 con/kg đến 100 con/kg cho khách thoải mái chọn lựa.

Screen Shot 2023-01-08 at 01.27.44
Ảnh minh hoạ

Theo người nuôi cá ở đây, ngay khi cá bắt đầu được bà con xuống giống, nhiều thương lái đã đến tận nơi đặt cọc. Đến cận ngày, thương lái chỉ việc đánh xe đến lấy hàng, vận chuyển cá đi tiêu thụ.

Các lái thương cho biết, cá chép ở thị trấn Tân Phong, (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) được người dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng vì cá sống khỏe, to đều nhau, màu đỏ au, bóng đẹp.

Hiện tại, việc nuôi trồng cá chép đỏ phục vụ Tết Ông Công, Ông Táo chủ yếu ở thôn Bái Trúc và 2 tổ dân phố liền kề Tân Cổ, Tân Hậu với tổng diện tích khoảng 10ha, hàng năm cung cấp ra thị trường sản lượng lớn cá chép đỏ.

Chợ cá Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội

Đối với những người dân Thủ đô, chợ cá Yên Sở (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) là một địa điểm cung cấp sản lượng lớn cá đạt chất lượng cao phục vụ nhu cầu cúng ông Công ông Táo của người dân. 

Chợ đầu mối Yên Sở vốn là chợ làng nghề tồn tại từ xa xưa với các sản phẩm cá, được biết đến là chợ cá lớn nhất Hà Nội. 

Hằng năm, cứ đến giáp Tết ông Công ông Táo nhất là đêm 22, rạng sáng 23 tháng Chạp khu chợ này lại tấp nập cảnh mua bán, vận chuyển cá chép đỏ. Hàng tấn cá chép từ những làng nghề nuôi trồng nổi tiếng (Thanh Hoá, Phú Thọ, Hải Phòng,..) được vận chuyển về đây để phục vụ nhu cầu phóng sinh cho toàn Thủ đô, mỗi ngày họ thu cả trăm triệu đồng tiền cá.

Screen Shot 2023-01-08 at 01.26.51
Ảnh minh hoạ

Phiên chợ sớm ngày ông Công ông Táo thường đặc biệt hơn với hàng triệu con cá chép với màu sắc đỏ, vàng rực rỡ xuất hiện ở khắp mọi nơi. Những chú cá khỏe mạnh được các tiểu thương lựa chọn theo kích cỡ, nhu cầu để cung ứng ra ngoài thị trường phục vụ người dân trong ngày tiễn ông Táo về trời. 

Cá phân chia khá nhiều cỡ, phổ biến hai loại nhỏ từ 20-25 con/kg, loại vừa 10-15 con/kg và còn cả các loại rất nhỏ, cỡ lớn, rất lớn. Cá chép ở đây có nhiều loại, giá cả tương đối hợp lý, tuỳ theo màu sắc, cân nặng, chủng loại cà mà giá cả thay đổi. Ở đây, mặt hàng phổ biến nhất là cá chép đỏ. Trong đó cá chép đỏ được phân chia thành nhiều loại như cá chép tam dương, cá vàng chanh, chép đỏ ớt.

Hương Giang (T/h)