VnFinance
Thứ hai, 05/06/2023, 09:00 AM

ĐBQH Lê Thanh Vân: “Đất nước đang rất cần sự dốc sức của lực lượng doanh nhân”

"Không hình sự hóa các quan hệ dân sự và kinh tế là tư tưởng cấp tiến, nhưng phải được hiện thực hóa bằng quy định pháp luật để các doanh nhân sẵn sàng dấn thân mà không phải canh cánh nỗi lo...", ông Vân chia sẻ.

k1

Nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn khôi phục sau những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, vì vậy hơn lúc nào hết đất nước rất cần sự cống hiến của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân. Nhưng cũng trong khoảng thời gian từ sau đại dịch tới nay, cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối diện với vô vàn khó khăn do sự biến động của thế giới và những xáo trộn từ nội tại nền kinh tế. Vì vậy rất cần có sự đổi mới mang tính đột phá từ phía cơ quan quản lý, đặc biệt là hành lang pháp lý phải thật sự minh bạch để các doanh nhân, doanh nghiệp an tâm phát triển, cống hiến cho đất nước.

Trò chuyện với Reatimes, ĐBQH Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhận định, đất nước chỉ có thể mạnh lên khi doanh nghiệp mạnh, doanh nhân chỉ có thể đóng góp cho cộng đồng xã hội nhiều hơn khi họ thực sự được tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh doanh mà không phải canh cánh nỗi lo rằng liệu sự dấn thân ấy rồi tới một ngày nào đó có phải gánh chịu hậu quả từ những vướng mắc pháp lý hay không?

Đánh giá vi phạm một cách quá hà khắc, vô hình trung sẽ triệt tiêu động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

PV: Thưa ĐBQH Lê Thanh Vân, lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân được coi là nhân tố chủ đạo trong xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Nhưng dường như vài năm trở lại đây, họ đang rất bối rối vì những vướng mắc phát sinh ở góc độ pháp lý, thưa ông?

ĐBQH Lê Thanh Vân: Doanh nhân chính là những chiến sĩ trên mặt trận xây dựng kinh tế phát triển đất nước. Thực tế đã chứng minh, trong sự phát triển chung của nền kinh tế quốc gia, các doanh nhân có vai trò đóng góp đặc biệt quan trọng. Một cách khách quan, các hoạt động kinh tế của doanh nhân không chỉ mang lại lợi ích/lợi nhuận cho chính họ, mà quá trình ấy đã góp phần cho sự hình thành và phát triển hạ tầng chung, tạo ra của cải cho xã hội. Không chỉ dừng lại ở đó, trong sự phát triển của các doanh nghiệp còn góp phần giải quyết nhu cầu việc làm, đảm bảo đời sống cho hàng ngàn, hàng triệu người lao động. Các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động cũng luôn hướng tới cộng đồng, luôn sẵn sàng chung tay cùng Nhà nước trong các chương trình xã hội hoá, thiện nguyện. Có thể nói, các chương trình xoá đói giảm nghèo, cứu trợ đồng bào bị lũ lụt, thiên tai hay chương trình phòng chống đại dịch Covid-19… sẽ khó có thể đạt được kết quả trên thực tế nếu thiếu hoặc không có sự đóng góp nhân lực và nguồn lực từ các doanh nghiệp do các doanh nhân làm chủ, điều hành. Các doanh nhân, doanh nghiệp không chỉ tạo lập được những thành tựu nổi bật trong nước mà còn từng bước xây dựng thương hiệu ở nước ngoài, góp phần quan trọng nâng tầm hình ảnh, vị thế của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Thế nhưng, hiện nay không ít doanh nhân trước đây đã từng được “vinh danh” là những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, thậm chí có người được ghi nhận như “người thay đổi bộ mặt du lịch của cả một địa phương” lại đang phải đối mặt với các trách nhiệm hình sự bởi những sai phạm phát sinh trong quá trình thực hiện các hoạt động kinh tế.

Không dừng lại ở những doanh nhân đã bị khởi tố hay truy tố, trên thị trường tồn tại không ít những đồn thổi, những đoán định về doanh nhân A hay doanh nghiệp B sẽ là những người được gọi tên tiếp theo. Cùng với đó, các hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra của các cấp, các ngành được tiến hành liên tiếp, trên phạm vi rộng, trên địa bàn cả nước đã tạo nên tâm lý hoang mang, lo lắng của không chỉ các doanh nhân mà còn dẫn tới sự quan ngại của một bộ phận dân chúng về tính ổn định để phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Với những diễn biến trong thực tế của một số vụ việc liên quan tới một số doanh nhân trong thời gian qua thì hiện vẫn chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng về hành vi sai phạm và nguyên nhân. Tuy nhiên, xem xét dưới góc độ pháp lý, có thể thấy rằng, hệ thống pháp luật chồng chéo chưa hoàn chỉnh còn nhiều mâu thuẫn, nhiều kẽ hở có thể dẫn tới các cách hiểu, cách vận dụng triển khai khác nhau, dẫn tới việc có thể tồn tại hành vi sai phạm từ việc hiểu và vận dụng này.

Đơn cử như quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, cách đây khoảng chục năm, các địa phương thực hiện chính sách thu hút đầu tư, mời các doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư tại địa phương và hầu như không đặt ra vấn đề đấu giá, đấu thầu. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, vấn đề đấu giá, đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất lại được các cấp, các chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành hết sức quan tâm. Cũng từ sự quan tâm ấy, các dự án đã triển khai trên thực tế, thậm chí là những dự án đã cải tạo hoàn toàn về hạ tầng và giá trị vùng đất (giai đoạn trước đó không mấy doanh nhân, doanh nghiệp quan tâm đầu tư) thì đến nay lại đặt ra vấn đề là có sai phạm trong lựa chọn, giao nhà đầu tư thực hiện dự án hay không?

Bên cạnh đó, quan điểm, tư duy của cán bộ cơ quan nhà nước cũng có những tác động nhất định đến hành vi của doanh nghiệp, doanh nhân. Sự phê duyệt, hay chấp thuận của cán bộ cơ quan nhà nước trong những vụ việc cụ thể (bao gồm cả những phê duyệt chưa đúng) được các doanh nhân xem như “giấy phép” cho các hoạt động trong một thời gian dài. Và rồi đến nay, khi thanh tra kiểm tra phát sinh, kết luận có sai phạm, quyết định sai phạm của cán bộ cơ quan nhà nước là do bị doanh nhân mua chuộc. Thế nhưng nếu những người giữ vị trí quản lý ở các cơ quan nhà nước luôn “vững như bàn thạch” thì làm sao mà doanh nghiệp họ có thể mua chuộc được, nếu như các cơ quan nhà nước luôn kiên quyết hướng dẫn doanh nghiệp, doanh nhân làm đúng thì làm sao có sai phạm được.

lê thanh vân
ĐBQH Lê Thanh Vân: “Nếu chúng ta vẫn cứ đánh giá các vi phạm một cách quá hà khắc thì vô hình trung sẽ triệt tiêu đi động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”. Ảnh: Duy Linh

PV: Quả thực, ông vừa nêu một câu chuyện rất đáng phải suy ngẫm. Còn nhớ ở kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, ông cũng đã thẳng thắn đề cập tại nghị trường là cần khoan dung với các doanh nhân có rất nhiều đóng góp cho đất nước nhưng không may phạm sai lầm. Dường như câu chuyện có thể bất ngờ vướng vào vòng lao lý lại là áp lực lớn nhất với các doanh nhân, doanh nghiệp bây giờ chứ không đơn thuần chỉ là việc thiếu vốn và bị co hẹp thị trường, thưa ông?

ĐBQH Lê Thanh Vân: Sau kỳ họp thứ 4, tôi tiếp tục thể hiện quan điểm của mình tới nhiều đồng chí lãnh đạo và đã nhận được sự chia sẻ, đồng thời trong thực tế cũng có sự ứng xử nhân văn hơn với những vấn đề diễn ra với các doanh nhân, doanh nghiệp trong bối cảnh vô cùng khó khăn hiện nay.

Theo tôi, chúng ta chỉ loại trừ xem xét với những trường hợp chủ đích phá hoại kinh tế, có âm mưu gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị quốc gia hoặc phạm những tội đặc biệt nghiêm trọng mà không thể khắc phục được dẫn tới sự phá hủy các mắt xích kinh tế. Còn nếu là những vi phạm nhất thời do lòng tham hoặc đôi khi là sự hiếu thắng rồi dựa vào kẽ hở của pháp luật để làm sai… thì ở một chừng mực nào đó khi họ nhận ra lỗi lầm, đồng thời có mong muốn được lập công chuộc tội, sẵn sàng cống hiến cho đất nước, cho xã hội thì hãy tạo điều kiện cho họ sửa sai.

Thường là với những người mà được khoan dung thì sau đó họ sẽ vô cùng biết ơn chế độ và có những cống hiến tận lực cho đất nước, nỗ lực cao hơn so với bình thường. Nếu như chúng ta có cái nhìn nhân văn hơn thì nhiều vấn đề sẽ được giải quyết hài hòa, tránh đi những đổ vỡ, hậu quả đáng tiếc với người lao động và các đối tác của doanh nghiệp, không chỉ về mặt kinh tế mà còn là những ảnh hưởng nặng nề về tâm lý.

Thật khó để đòi hỏi bất kỳ ai trong cả sự nghiệp đều làm được đúng hoàn toàn, không mắc sai sót nào mà lại có đóng góp lớn cho xã hội, bởi vì bên cạnh những thương vụ thành công thì các doanh nhân cũng phải chịu không ít thua thiệt, thậm chí có thương vụ thất bại. Đôi khi ẩn chứa trong mỗi con người là khát khao thành công tới mức độ hiếu thắng và có một quyết định đưa ra ở hoàn cảnh này thì đúng nhưng khi mọi thứ trượt sang một bối cảnh khác thì lại thất bại, thậm chí đơn giản là tới thời hạn mà chưa có sản phẩm, chưa trả được tiền đã có thể thành kẻ có tội. Ranh giới giữa anh hùng và tội đồ đôi khi rất mong manh, vì vậy tôi cho rằng hãy tạo điều kiện cho họ có cơ hội được chuộc tội, vừa là để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng, duy trì sự ổn định của doanh nghiệp mà trong đó có người lao động và cũng là để họ cống hiến nhiều hơn cho đất nước. Tất nhiên nếu như sau này họ tiếp tục vi phạm thì sẽ phải chấp nhận bị xử lý với một hình thức cao hơn.

Lúc này, đất nước đang rất cần sự dốc sức của lực lượng doanh nhân làm ra của cải vật chất. Giai đoạn khó khăn này được dự báo sẽ còn dài với những biến động khó lường của thế giới, nếu chúng ta vẫn cứ đánh giá các vi phạm một cách quá hà khắc thì vô hình trung sẽ triệt tiêu đi động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tôi nêu một thí dụ rất thời sự, đó là vừa rồi ở Hàn Quốc đã ân xá cho một lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn Samsung, điểm mấu chốt là vì người này có tài năng nổi trội và đã có đóng góp rất lớn cho kinh tế Hàn Quốc. Câu chuyện ấy rất đáng để chúng ta suy ngẫm và ứng xử với các doanh nhân, đặc biệt là trong bối cảnh vô cùng khó khăn hiện nay.

Tiếp tục cải cách thể chế để doanh nhân an tâm cống hiến, cán bộ không sợ trách nhiệm

PV: Ông có suy nghĩ gì về những chính sách ban hành với tư tưởng rất tốt đẹp nhưng khó đi vào đời sống và cả những vướng mắc pháp lý kéo dài khiến doanh nghiệp không thể triển khai dự án và rơi vào cảnh “nợ chồng nợ”?

ĐBQH Lê Thanh Vân: Câu chuyện chính sách ban hành nhưng khó đi vào được đời sống đã diễn ra không ít mà gần đây nhất việc giảm 2% lãi suất từ gói 40.000 tỷ đồng, về lý thuyết thì rất tốt, nhưng cho tới nay mới chỉ giải ngân được khoảng gần 1%  vì các doanh nghiệp lo sợ vướng sai phạm khi có thanh tra hậu kiểm. Họ chấp nhận tìm nguồn vốn khác và không cần ưu đãi lãi suất dù đang rất khó khăn, đó là thực tế đáng buồn mà cơ quan quản lý đang phải báo cáo để xem xét sửa đổi, dẫu vậy vẫn là hành động quá chậm chạp cho thấy cả năng lực của cán bộ và quy trình giải quyết có vấn đề không ổn.

Chúng ta cũng thấy một câu chuyện rất thực tế là thời gian vừa qua có hàng trăm dự án bất động sản trên cả nước chưa thể triển khai được do vướng mắc pháp lý, trong đó riêng TP.HCM có hơn 70 dự án và Hà Nội là hơn 50 dự án. Chính phủ đã lập tổ công tác làm việc với các địa phương, nhưng tới khi nào mới xử lý dứt điểm được để dự án triển khai thì vẫn còn là dấu hỏi.

Rõ ràng là dù có giải thích như thế nào thì thực tế là doanh nghiệp cũng đang phải gánh chịu hậu quả từ những vướng mắc pháp lý ấy, tức là trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước. Hàng trăm dự án “treo” vì vướng mắc pháp lý khiến cho doanh nghiệp bị thiệt hại rất nặng, đồng thời thị trường không có hành hóa khiến giá nhà tiếp tục leo cao, người dân thì chật vật tìm nơi an cư. Dự án bị “treo” còn khiến hàng vạn lao động không có việc làm, nhìn xa hơn đó là sự bất ổn an sinh xã hội và tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Vừa rồi phát biểu tại Quốc hội, tôi cũng đã nói rõ những vấn đề này là do thể chế, pháp luật không ổn định và chất lượng cán bộ yếu kém. Cái nguy hiểm là cán bộ yếu kém năng lực nhưng lại cứ án ngữ ở những vị trí quan trọng, kéo chậm sự phát triển chung, bởi vì họ không hành động, vô trách nhiệm, vô cảm với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp. Tôi tóm lại có ba trường hợp với những cán bộ nhà nước không chịu hành động, đó là: Thiếu hiểu biết, non kém trình độ; Không có lợi ích cá nhân; Biết nhưng sợ đụng chạm nên vờ như không biết.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đã nhiều lần phê phán hành vi của những cán bộ kiểu này và tôi mong rằng trong thời gian tới cần phải có những biện pháp mạnh để loại bỏ những kẻ cơ hội, lựa chọn cán bộ thực sự có đức có tài phụng sự tổ quốc.

doanh nhân việt nam
Các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động cũng luôn hướng tới cộng đồng, luôn sẵn sàng chung tay cùng Nhà nước trong các chương trình xã hội hoá, thiện nguyện. Ảnh minh họa: Công Tiến

PV: Từ câu chuyện đánh giá và xem xét trách nhiệm, ông có suy nghĩ gì về vấn đề bảo vệ người tài để họ an tâm cống hiến xây dựng đất nước, đồng thời qua đó cũng gián tiếp bảo vệ các doanh nhân, doanh nghiệp, tránh hình sự hóa các quan hệ dân sự và kinh tế?

ĐBQH Lê Thanh Vân: Chúng ta phải tiếp tục cải cách thể chế để doanh nhân an tâm cống hiến, cán bộ không sợ trách nhiệm. Không hình sự hóa các quan hệ dân sự và kinh tế là tư tưởng cấp tiến, nhưng phải được hiện thực hóa bằng quy định pháp luật để các doanh nhân sẵn sàng dấn thân mà không phải cánh cánh nỗi lo một ngày nào đó bỗng nhiên bị quy kết là có tội.

Còn về phía cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là với những nhân sự đứng đầu địa phương và các bộ ngành cũng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy, khích lệ doanh nghiệp phát triển. Doanh nhân dù có giỏi đến mấy trong chiến lược phát triển thị trường, nhưng nếu như chính sách pháp luật mà không rõ, như chúng ta hay nói là “khoảng mờ” hoặc có những vấn đề phát sinh mà lãnh đạo địa phương, bộ ngành không dám hành động, giải quyết khiến cho dự án đình trệ thì doanh nghiệp gánh hậu quả thua lỗ và có thể phá sản.

Muốn ngăn chặn điều đó thì phải tìm được người tài thật sự gánh vác trách nhiệm ở các bộ ngành và địa phương. Nói đến nhân tài một cách toàn diện thì phải gọi là hiền tài, tức là người vừa có tài vừa có đức, cho nên trên văn bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám có ghi “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Để tìm được người hiền tài đích thực thì chúng ta phải có cơ chế thật là tốt, phát huy được khả năng, sở trường của họ, tạo ra thành quả có tính đột phá.

Đã là nhân tài thì khi phát hiện ra phải được trọng dụng ngay mà không cần quan tâm tới độ tuổi hay quy trình tuyển dụng, bằng cấp… Thời xưa, nhà vua còn xuống chiếu để tìm người tài ra gánh vác trọng trách cho đất nước. Vì vậy, tôi cho rằng phải có cơ chế để khen thưởng xứng đáng những người giới thiệu được nhân tài thực sự cho Đảng, Nhà nước và xử lý nghiêm minh đối với những kẻ lợi dụng cơ chế, lợi dụng quy trình để đưa vào bộ máy “nhân tài dởm”. Làm được như vậy tức là gián tiếp giải quyết được bài toán khó khăn cho chính các doanh nghiệp. Những cán bộ tài năng và đạo đức tốt thì họ sẽ biết lắng nghe, luôn tìm ra giải pháp tích cực và có cái nhìn nhân văn, ứng xử phù hợp với các doanh nhân, doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!


VnFinance
vnfinance.vn
VnFinance
VnFinance