DIFF & cái bắt tay thắp sáng du lịch Đà Nẵng
150 tỷ để đầu tư cho lễ hội pháo hoa, trong khi doanh nghiệp đang đứng trước những khó khăn chất chồng bởi khủng hoảng kinh tế sau đại dịch. Nhưng Sun Group đã chung tay cùng với Đà Nẵng, vì sự hồi sinh rực rỡ của ngành kinh tế trọng điểm của thành phố sông Hàn.
Đằng sau một mùa pháo hoa rực rỡ, là những câu chuyện có đủ thăng và trầm, là tâm huyết và nỗ lực vì điểm đến của một doanh nghiệp.
Hồi hộp ngóng chờ lễ hội pháo hoa
Cuối năm 2022, UBND TP Đà Nẵng công bố sẽ đem Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng – DIFF trở lại sau 3 năm buộc tạm dừng vì dịch bệnh. Kinh phí đầu tư ước tính khoảng 150 tỷ đồng- một con số khiến doanh nghiệp phải “đau đầu”, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trên đà suy thoái.
Nhiều tháng trời sau đó, khán giả ngóng đợi, truyền thông sốt ruột, khi thông tin về việc Đà Nẵng có tổ chức DIFF hay không vẫn im lìm. Người ta đoán già đoán non, rằng khó khăn kinh tế sau dịch rất có thể sẽ khiến pháo hoa một mùa nữa không nổ.
Tháng 5/2023, Đà Nẵng chính thức ra thông báo sẽ đưa DIFF tái xuất, vẫn với sự đồng hành của Tập đoàn Sun Group. Cả thành phố như vỡ òa. Du khách, các đơn vị tổ chức tour tới Đà Nẵng mừng khôn xiết. Người dân và các hộ kinh doanh khấp khởi hy vọng. Có pháo hoa, khách sẽ đông hơn, điều mà 3 năm qua, họ ao ước.
Một mùa pháo vượt kỳ vọng
DIFF 2023 đã hoàn thành sứ mệnh của nó, khi thắp sáng bầu trời Đà Nẵng trong những đêm thi cuối tuần, bằng những màn trình diễn khiến chính Ban giám khảo phải hết sức khó khăn mới đi đến được quyết định đưa Pháp và Ý vào chung kết.
Ông Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Thành viên BGK DIFF 2023 nhận định: “Những màn pháo hoa trình diễn ở DIFF là màn trình diễn nghệ thuật tổng hợp, đầy đủ hội họa, điện ảnh, sân khấu, ánh sáng, âm thanh. Đặc biệt sân khấu là cả một bầu trời khoáng đạt tạo nên sự hoành tráng. Rất nhiều màn bắn ngược từ trên xuống, bắn từ dưới nước lên hay là là mặt nước với tạo hình rất đẹp, rất nhuần nhuyễn. Tôi nghĩ rằng rất nhiều đội xứng đáng để tham gia vào vòng chung kết, song theo quy chế ban giám khảo chỉ có thể lựa chọn 2 đội”.
Còn khán giả tại các khán đài, cả trực tiếp trước sân khấu hay những “khán đài tự do” ven sông Hàn thì không ngớt lời ngợi ca. “Thực sự sởn da gà vì các màn trình diễn pháo hoa đều rất cảm xúc. Các đội bắn rất khớp nhạc, tạo ra hiệu ứng tuyệt vời về cả phần nhìn lẫn phần nghe”, anh Hoàng Thế Việt, du khách Hà Nội, khán giả của đêm thi khai mạc chia sẻ.
Hơn 30.000 chỗ ngồi trên khán đài gồm cả vé bán và vé mời đều đã hết sạch trước đêm chung kết. Khán đài 5.000 chỗ ngồi đã phải mở rộng tới hơn 7.000 chỗ cho đêm thi cuối, bởi nhu cầu khán giả quá lớn.
Lượng khách lưu trú 4 đêm pháo hoa trong tháng 6 đạt gần 240.000 khách, trong đó khách quốc tế khoảng 82.000 và khách nội địa đạt khoảng 158.000 lượt. Công suất buồng phòng của thành phố đạt khoảng 70%, trong đó khối khách sạn 4-5 sao đạt 80-85%. Con số này tăng trưởng so với kỳ DIFF 2019, khi năm đó công suất phòng trên thành phố đạt 65-70%, khối khách sạn 4-5 sao công suất đạt 75-85%.
Qua đó, DIFF đã góp một phần không nhỏ vào thành tích phục hồi du lịch của Đà Nẵng trong quý 1/2023. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 3,5 triệu lượt, tăng 116,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế 930.000 lượt, cao gấp 11,3 lần cùng kỳ; khách trong nước gần 2,6 triệu lượt, tăng 67,7% so với cùng kỳ.
Đà Nẵng đã có một mùa pháo hoa nữa thành công, với những con số tăng trưởng vượt mong đợi.
Biết lỗ sao vẫn làm?
Làm pháo hoa có lãi không? Chúng tôi đem câu hỏi này gửi tới ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Sun Group Vùng Miền Trung. Vị lãnh đạo của Sun Group- Tập đoàn tài trợ và đồng hành tổ chức DIFF suốt từ năm 2017 đến nay cười, nói vui: “Nếu làm pháo hoa có lãi, chắc hẳn không bao giờ đến lượt Sun Group trúng thầu”.
Theo thống kê, suốt 3 năm liền tổ chức DIFF (từ 2027 đến 2019), mỗi năm Sun Group lỗ khoảng 100 tỷ đồng. Năm 2019, tổng kinh phí của DIFF khoảng 140 tỷ đồng, thì phần thu lại từ tài trợ chỉ có 31 tỷ và tiền bán vé là 12 tỷ đồng. Năm 2023, với tổng đầu tư 150 tỷ, lượng vé bán và vé tặng là 30.000, tính nhanh với mức giá cao nhất ở khán đài A là 3 triệu đồng thì cũng biết doanh nghiệp không thể có lãi.
Lãnh đạo Đà Nẵng cũng hết sức ghi nhận nỗ lực của doanh nghiệp. Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ: “Sun Group luôn luôn đồng hành với thành phố trong các kỳ Lễ hội pháo hoa quốc tế và có thể nói rằng là tập đoàn tổ chức sự kiện rất chu đáo, đã huy động nhân lực, tài chính để đảm bảo cho lễ hội này”.
Đây không phải năm đầu tiên mà đã là năm thứ 4 Sun Group nhận ra vai trò của DIFF tới sự phát triển du lịch của Đà Nẵng và đồng hành cùng thành phố. Năm 2017 là cột mốc đầy đáng nhớ khi DIFF chính thức được xã hội hóa, UBND thành phố giao cho Tập đoàn Sun Group tổ chức với kỳ vọng tạo một dấu ấn mạnh mẽ cho thành phố sông Hàn. Kỳ vọng khi ấy là Sun Group phải làm sao để khẳng định DIFF là một “lễ hội phải đến” với bạn bè năm châu.
Và điều đó đã thành hiện thực. Từ một cuộc thi chỉ vỏn vẹn 2 đêm, Sun Group đã biến thành một lễ hội với 5 đêm bắn, với sự đầu tư thay đổi cả về công nghệ lẫn kỹ thuật trình diễn. Sau 3 năm hụt hẫng bởi pháo hoa phải dừng do dịch bệnh, với sự đồng hành của Sun Group, khán giả đã được “hội ngộ” với DIFF, một lần nữa choáng ngợp với những màn trình diễn pháo hoa đẳng cấp và thậm chí nghẹt thở hơn cả những năm trước.
“Lời lãi lớn nhất của doanh nghiệp khi đồng hành cùng Đà Nẵng tổ chức lễ hội chính là khi thấy du khách đổ về Đà Nẵng đông hơn mỗi kỳ pháo hoa. Từ đó, các điểm đến của Sun Group cũng được hưởng lợi, khi có thêm khách. Doanh thu từ hoạt động bán vé không thể bù đắp được số tiền mà doanh nghiệp đầu tư. Nhưng đó là trách nhiệm và vai trò tiên phong của một doanh nghiệp gắn sự phát triển của mình với sự phát triển của thành phố. Thế nên, biết lỗ chúng tôi cũng quyết tâm làm”. Có lẽ những chia sẻ rất thật từ vị lãnh đạo của Sun Group đã lý giải phần nào cho câu hỏi mà nhiều người vẫn thắc mắc: Biết lỗ sao vẫn làm?