“Trong tài chính, hiếm khi nào nhỏ lại đẹp”- Xin mượn câu nói trong cuốn sách “Đồng tiền lên ngôi” của tác giả Niall Ferguson để hình dung về lý do vì sao các nhà băng luôn cần quy mô lớn hơn và đa dạng hoá hơn. Tuy nhiên, với đặc thù của ngành tài chính ngày nay, chỉ lớn thôi là chưa đủ. Áp lực cạnh tranh không chỉ đến từ chuyện “cá lớn nuốt cá bé”, mà đã tới lúc “cá nhanh nuốt cá chậm”. Có thể nhìn thấy rõ 2 xu hướng trong năm qua với ngành ngân hàng, đó là : Lớn hơn và Nhanh hơn
Trong hai năm 2020 - 2021, có thể nhìn thấy quy mô tổng tài sản của hệ thống Ngân hàng thương mại (NHTM) tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp đại dịch Covid.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, khoản mục vốn điều lệ của nhiều Ngân hàng cũng tăng lên đáng kể, thậm chí ghi nhận có ngân hàng tăng gấp rưỡi vốn điều lệ năm vừa qua.
“Trong tài chính, hiếm khi nào nhỏ lại đẹp” nhưng với các nhà băng ngày nay, “lớn” không phải là một sự lựa chọn? Các nhà băng buộc phải “lớn hơn” từ khi Basel ra đời.
Ngược dòng thời gian, trong những nỗ lực tìm cách ngăn chặn sự sụp đổ hàng loạt của các ngân hàng vào thập kỷ 80 thế kỷ trước, Ủy ban giám sát Ngân hàng đã đưa ra Basel, như là một tập hợp những quy định dưới dạng hiệp ước và khuyến cáo tuân thủ để tránh rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro tác nghiệp.
Hiện nay, Ủy ban Basel đã ban hành đến Basel IV, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở khu vực Đông Nam Á đã áp dụng (toàn bộ hoặc một phần) Basel III, còn các NHTM Việt Nam mới đang trong giai đoạn triển khai Basel II.
Một trong ba trụ cột chính của Basel II nằm ở tỷ lệ an toàn vốn (Capital adequacy ratio - CAR). Ở Việt Nam, sau vài lần sửa đổi, các nội dung của Basel II nói chung và CAR nói riêng được quy định chi tiết trong Thông tư 41/2016/TT- NHNN có hiệu lực ngày 01/01/2020 (sau đây gọi tắt là thông tư 41).
Theo thông tư 41, CAR tối thiểu phải bằng 8% và được tính toán dưới dạng một công thức nhìn qua có vẻ phức tạp
Tạm bỏ qua mẫu số phức tạp, phần tử số “Vốn tự có” là một khái niệm thường xuất hiện trong các bài viết phân tích về Ngân hàng.
Về mặt lý thuyết, Vốn tự có được xác định bằng tổng Vốn cấp 1 cộng Vốn cấp 2, trừ đi các khoản giảm trừ theo quy định. Vốn cấp 1 là nguồn vốn cốt lõi trong dự trữ của ngân hàng và được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh cho khách hàng của ngân hàng.
Cơ quan quản lý luôn yêu cầu các ngân hàng phải nắm giữ một số vốn cấp 1 và cấp 2 nhất định dưới dạng dự trữ, để đảm bảo rằng họ có thể hấp thụ các khoản lỗ lớn mà không đe dọa đến sự ổn định của tổ chức.
Để dễ hình dung, hãy tưởng tượng vốn cấp 1 như tấm đệm lớn, rộng và luôn sẵn sàng cho việc sử dụng. Còn vốn cấp 2, cũng là đệm nhưng thay vì trải sẵn trên nền nhà, nó được…. cất trong kho.
Lại nói đến CAR. Hệ số CAR là thước đo vốn khả dụng của ngân hàng được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm của rủi ro tín dụng có trọng số rủi ro của ngân hàng. CAR cho thấy khả năng các ngân hàng có đủ "đệm" để hấp thụ một lượng thiệt hại hợp lý trước khi vỡ nợ dẫn đến mất tiền của người gửi tiền.
Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, một trong những thách thức của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đó là hệ số an toàn vốn (CAR) của các NHTM cải thiện chậm và ở mức tương đối thấp khi so với các nước trong khu vực. Mức đệm vốn của tổ chức tín dụng thấp sẽ làm hệ thống ngân hàng dễ bị tác động tiêu cực từ các cú sốc bất lợi của môi trường kinh doanh.
Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố, nhóm NHTM Nhà nước có hệ số CAR chỉ nhỉnh hơn và đã có những thời điểm xuống dưới 9%, lùi gần tới mức tối thiểu 8% theo quy định.
Trên thực tế, NHTM Nhà nước gặp khó hơn NHTM tư nhân trong việc tăng vốn điều lệ vì nhiều lý do, bao gồm việc tìm kiếm nhà đầu tư ngoại trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới đứng trước áp lực suy thoái, cổ đông Nhà nước không đồng ý phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, khâu phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư tài chính mất nhiều thời gian hoặc không được chấp thuận.
Điều này dẫn tới một thực tế là hệ số CAR của ngân hàng Việt Nam không chỉ thấp hơn các nước trong khu vực mà còn có sự phân hóa khá rõ nét giữa các ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng tư nhân.
Theo thống kê, hệ số CAR của nhóm Ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, Vietinbank và BIDV thấp hơn tương đối so với những Ngân hàng thương mại cổ phần như VPBank hay Techcombank.
Không chỉ có CAR thấp, tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 theo công bố vào 30/06 của BIDV cũng nhỏ hơn 6%, dưới chuẩn Basel III. Trong khi đó, đã có những NHTM tư nhân như SeABank, VPBank, Nam A Bank, ACB,... công bố hoàn thành Basel III.
Trên con đường “chinh phục” nàng công chúa CAR của vương quốc Basel, các vị thương gia sẽ phải tìm cách tăng vốn liếng trong nhà bằng cách giữ lại tiền trong kinh doanh, không tiêu xài cá nhân, huy động thêm từ những người góp vốn hoặc đôi khi là đi vay dài hạn.
Tăng vốn điều lệ để tăng vốn cấp 1
Thông tư 41 quy định, Vốn cấp 1 bao gồm vốn điều lệ, lợi nhuận chưa phân phối, thặng dư vốn cổ phần, các quỹ... loại trừ đi cổ phiếu quỹ, lỗ lũy kế, lợi thế thương mại trên bảng cân đối kế toán.
Do là phần chính yếu cấu thành Vốn cấp 1 nên vốn điều lệ có ý nghĩa rất quan trọng trong CAR. Đó là nguyên nhân tại sao trong năm qua chứng kiến xu hướng tăng vốn điều lệ mạnh mẽ của các NHTM.
Con đường phổ biến nhất để tăng vốn điều lệ là chia cổ tức bằng cổ phiếu như VPBank, HDBank, ACB, MBBank, SHB,... hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, cổ đông nước ngoài.
TOP 10 Ngân hàng TMCP có vốn điều lệ lớn nhất tính đến cuối năm 2022 (đvt: tỷ đồng)
Cuối tháng 11/2022, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định về việc sửa đổi giấy phép thành lập và hoạt động của VPBank, theo đó vốn điều lệ của VPBank tăng lên 67.434 tỷ đồng, trở thành Ngân hàng TMCP có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
So với thời điểm đầu năm, vốn điều lệ của VPBank đã tăng tới 50%, đồng thời dẫn đầu về tốc độ tăng vốn điều lệ trong ngành ngân hàng.
Năm qua cũng chứng kiến sự nỗ lực của Vietcombank (VCB) trong việc tăng vốn điều lệ. Đến cuối năm 2022, vốn điều lệ của VCB đã tăng 28% so với đầu năm, đạt 47.325 tỷ đồng, qua đó vượt MBBank và trở thành NHTM có vốn điều lệ lớn thứ 4 trong ngành.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, VCB đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng bằng phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 nhưng chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2
Bên cạnh tăng vốn điều lệ, các nhà băng còn tích cực phát hành trái phiếu ra công chúng nhằm bổ sung nguồn vốn dài hạn, tăng vốn cấp 2.
Theo quy định, vốn cấp 2 bao gồm chênh lệch tăng do đánh giá lại tài sản cố định; chênh lệch tăng do đánh giá lại các khoản góp vốn đầu tư dài hạn; dự phòng chung; công cụ vốn chủ sở hữu có tính chất nợ do Ngân hàng phát hành; nợ thứ cấp do ngân hàng phát hành có kỳ hạn tối thiểu 5 năm và thoả mãn một số quy định khác.
Giữa tháng 12, Agribank chào bán 100 triệu trái phiếu kỳ hạn 8 năm với tổng giá trị phát hành 10.000 tỷ đồng.
Agribank cho biết, mục đích chào bán trái phiếu là sử dụng để tăng vốn cấp 2, tạo thêm nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu vay vốn của các khách hàng cá nhân và tổ chức, bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Cùng khoảng thời gian này, LienVietPostbank cũng đang chào bán lượng lớn trái phiếu nhằm tăng vốn cấp 2. Cụ thể, ngân hàng muốn phát hành 40 triệu trái phiếu với tổng giá trị là 4.000 tỷ đồng.
Lượng trái phiếu này không chuyển đổi, không có bảo đảm, không kèm chứng quyền và là nợ thứ cấp, thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2.
Trước đó, hồi cuối tháng 11, VietinBank cũng đã thông qua việc sửa đổi phương án phát hành trái phiếu ra công chúng năm 2022. Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành tối đa 9.000 tỷ đồng trái phiếu thay vì 8.000 tỷ đồng như kế hoạch cũ.
Số tiền này được dùng để tăng quy mô vốn hoạt động, tăng vốn cấp 2 và đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của NHNN, đồng thời thực hiện cho vay nền kinh tế với một số ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên.
Một nhà băng khác khá “năng nổ” trong năm nay khi vừa tăng tới 26% vốn điều lệ vừa có kế hoạch phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư quốc tế chính là HDBank. Theo thông tin công bố, ngân hàng đang lấy ý kiến cổ đông để phát hành thêm 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi. Số trái phiếu này sẽ bổ sung vốn tự có cấp 2 và có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của nhà băng.
Trước đó HDBank đã phát hành thành công 325 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế cho các định chế tài chính uy tín hàng đầu thế giới.
Như đã đề cập ở phần đầu bài viết, với đặc thù của ngành tài chính hiện nay, việc tăng quy mô “vật lý” của một nhà băng là chưa đủ để tạo ra sức mạnh cạnh tranh.
Trước đây, ngân hàng truyền thống phải mất từ 20-30 năm để có được từ 1 đến 2 triệu khách hàng nhưng ngày nay một ngân hàng số như Cake by VPbank của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng chỉ mất 20 tháng để có được hơn 2,3 triệu khách hàng.
Điều này cho thấy, hiện nay tốc độ phát triển của các Nhà băng đã nhanh hơn trước rất nhiều nhờ vào công nghệ mà trong đó chuyển đổi số là một yêu cầu không thể khước từ.
Những “trái ngọt” ban đầu
Tại một hội thảo về Ngân hàng số vào đầu năm ngoái, PGS - TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá, Bộ Tài chính đã khẳng định số hóa là xu thế tất yếu, là cuộc chiến "sống còn" của ngành ngân hàng và bối cảnh dịch COVID-19 đã góp phần cộng hưởng, đẩy nhanh quá trình này.
Ngày càng nhiều ngân hàng truyền thống nhận ra được những lợi thế nổi trội từ ngân hàng số bao gồm phát triển thị trường thông qua sự nhanh nhạy, đa dạng sản phẩm, trải nghiệm khách hàng vượt trội và hiệu quả chi phí cao.
Ngân hàng số (Digital Banking) là một hình thức ngân hàng số hóa tất cả những hoạt động và dịch vụ ngân hàng truyền thống. Theo đó mọi giao dịch ngân hàng đều được thực hiện qua Internet thông qua các hình thức như GPRS/3G/4G/Wifi, diễn ra mọi lúc mọi nơi.
Năm 2021, ngành ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, tăng từ 41% năm 2015 lên đến 82% vào năm 2021, cao hơn mức tăng bình quân 23% của toàn khu vực và thậm chí cao hơn mức tăng bình quân 33% của thị trường mới nổi.
Giới phân tích vẫn thường nhắc đến TPBank như một ví dụ về sự thành công của chuyển đổi số. Hẳn nhiều người còn nhớ, năm 2011, TPBank - một ngân hàng kinh doanh với hàng nghìn tỷ đồng lỗ lũy kế trên bảng cân đối và mạng lưới hệ thống với vẻn vẹn 10 chi nhánh, 15 phòng giao dịch bị đưa vào danh sách những ngân hàng phải tái cơ cấu bắt buộc.
TPBank khi ấy, theo lời ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT TPBank mô tả, là một ngân hàng 3 “không”: Không có bộ máy quản lý điều hành đủ năng lực và tâm huyết; không có hệ thống quản trị rủi ro và không có nền tảng hệ thống quy trình và cơ sở dữ liệu khách hàng.
Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, vừa thiếu vốn, vừa thiếu nền tảng, lại bị NHNN hạn chế lập chi nhánh mới vì sợ “vỡ trận”, Chủ tịch TPBank và các cộng sự buộc phải tìm hướng đi riêng biệt so với các ngân hàng thời bấy giờ.
Thay vì cố gắng mở thêm chi nhánh, TPBank quyết định tập trung vào công nghệ với trọng tâm là ngân hàng số, triển khai các tính năng ngân hàng điện tử, internet banking, mobile banking.
“Ngay khi chúng tôi tái cơ cấu, một trong những ưu tiên là ngân hàng điện tử, vì đó là bắt buộc, nếu không thì không tồn tại”, ông Phú chia sẻ trong bài phỏng vấn với tạp chí điện tử Nhà quản trị.
Ngay từ báo cáo thường niên của TPBank năm 2013, thời còn chưa phổ biến khái niệm Ngân hàng số, TPBank đã có mục tiêu xây dựng thương hiệu là một “Ngân hàng Công nghệ”. Trong suốt các năm sau đó, TPBank tiếp tục khẳng định họ vẫn, đang và luôn giữ vững mục tiêu trở thành Ngân hàng số hàng đầu Việt Nam.
Năm 2017, TPBank cho ra đời ngân hàng tự động Livebank. Mô hình Livebank cho phép khách hàng của TPBank có thể thực hiện nhiều dịch vụ như mở tài khoản, gửi tiền, rút tiền,… mà không cần phải tới tận chi nhánh giao dịch cũng không cần nhân viên phải thao tác, thực hiện các giao dịch.
Đến nay, Livebank đã đáp ứng được từ 70 – 80% dịch vụ của một chi nhánh giao dịch truyền thống trong khi chi phí hoạt động của Livebank chỉ bằng ¼ so với ngân hàng truyền thống. Đến hết năm 2021, TPBank có gần 500 điểm giao dịch thì trong đó số lượng Livebank đã lên tới 380 điểm, chiếm tỷ lệ áp đảo so với chi nhánh và phòng giao dịch ngân hàng truyền thống.
Có thể nói, chuyển đổi số đã chuyển đổi số… phận của TPbank, giúp nhà băng từ một ngân hàng phải tái cơ cấu với khoản lỗ lũy kế hàng ngàn tỷ vươn lên trở thành một ngân hàng hoạt động hiệu quả với ROE hai năm gần nhất lần lượt là 23,54% và 22,61%, thuộc TOP cao trong hệ thống NHTM.
Mới đây, trong bảng xếp hạng 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương do The Asian Banker công bố, TPBank đứng thứ 61, vượt 143 bậc so với năm ngoái và vượt lên cả những tên tuổi như Vietcombank (đứng thứ 66), MB (đứng thứ 72), Vietinbank (đứng thứ 129), BIDV (đứng thứ 127), Techcombank (đứng thứ 101),....
Không chỉ có TPBank, nhìn chung các NHTM đều đã và đang tiến những bước vững chắc trên con đường chuyển đổi số. Những ngân hàng lớn như: VP Bank, Techcombank, MB, HDBank… đã chuyển đổi số sớm và thu được kết quả rất khích lệ khi CASA lên đến 40-50% góp phần tăng lợi nhuận của các ngân hàng.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số và đã thu được những thành quả rất tích cực.
Đến nay, Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu, khi tỷ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn.
Trong 8 tháng đầu năm, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 7,24% về số lượng và tăng 33,21% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị bình quân 900 nghìn tỷ đồng/ngày.
Con đường còn ở phía trước
Quá trình chuyển đổi số không chỉ đơn giản là ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain... mà là quá trình chuyển đổi toàn bộ mô hình, chiến lược và văn hóa kinh doanh của ngân hàng trên nền tảng đổi mới công nghệ.
Dẫu cho đã thu được những kết quả ấn tượng bước đầu, nhưng quá trình chuyển đổi số của các nhà băng ở Việt Nam vẫn chưa đi đến bước cuối cùng và còn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Theo các chuyên gia, hành trình chuyển đổi số của ngân hàng gồm 3 bước. Đầu tiên là số hóa - chuyển đổi quy trình truyền thống sang quy trình số. Bước thứ hai là chuyển đổi kỹ thuật số - số hóa từng phần nghiệp vụ, gia tăng trải nghiệm của khách hàng. Cuối cùng là tái tạo số - kết hợp công nghệ, nền tảng kỹ thuật số để tạo doanh thu, kết quả thông qua các chiến lược, sản phẩm và dịch vụ sáng tạo.
Phần lớn ngân hàng ở Việt Nam đang ở bước thứ 3 nên đã có nhiều kế hoạch để tiến xa hơn về chuyển đổi số. Tới đây, các ngân hàng sẽ áp dụng các công nghệ mới cập nhật hơn với việc gia tăng ứng dụng trí tuệ nhân tạo/Máy học, ứng dụng Blockchain, tự động hóa quy trình bằng robot (RPA), kết nối dữ liệu mở qua Open API... tận dụng sức mạnh của Big Data ngày càng nhiều hơn.
Những thách thức trên con đường chuyển đổi số có thể kể đến như:
Ngoài những khó khăn nội tại mà các Ngân hàng phải đối mặt thì đại diện của nhiều tổ chức như ngân hàng, đơn vị tư vấn, hiệp hội đều cho rằng hành lang pháp lý là một trong những vấn đề trong quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng.
TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết việc chuyển đổi số trong ngành ngân hàng mới chỉ thực hiện được 50% vì thiếu hành lang pháp lý cho các giao dịch như cho vay, bảo lãnh,… 50% còn lại muốn làm được cần phải có hành lang pháp lý, từ các văn bản luật như nghị định, thông tư đến các bộ luật liên quan khác.
Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định trong sự kiện Smart Banking 2022 rằng pháp luật, cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng cần phải đẩy nhanh và cập nhật kịp thời, hoàn thiện để phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.
"Cần sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư", ông Tuấn Anh nói.
An Vũ, thiết kế: Hà Mĩ