Bộ Công thương vào cuộc vụ Grab thu phụ phí thời tiết nắng nóng
Sau khi Grab triển khai chính sách thu phụ phí thời tiết nắng nóng gay gắt với nhiều dịch vụ bằng xe hai bánh như GrabFood, GrabBike, GrabExpress, Bộ Công thương đã yêu cầu...
Làm rõ căn cứ, cơ sở và lợi nhuận của phụ phí thời tiết nắng nóng
Công ty Grab Việt Nam mới đây ra thông báo bắt đầu triển khai chính sách thu phụ phí thời tiết nắng nóng gay gắt với nhiều dịch vụ bằng xe hai bánh như: GrabFood, GrabBike, GrabExpress bắt đầu từ ngày 6/7.
Cụ thể, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hãng xe này sẽ thu thêm phí nắng nóng là 5.000 đồng với mỗi chuyến xe GrabBike và mỗi đơn hàng GrabFood, GrabMart. Còn mức phụ thu với dịch vụ GrabExpress là 3.000 đồng một đơn hàng.
Các dịch vụ giao hàng công ty, siêu thị, ứng tiền (thuộc dịch vụ Express) tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ không áp dụng mức phí nói trên. Bù lại tài xế được thưởng thêm 2.000 đồng cho mỗi đơn hoàn thành.
Còn các thị trường tỉnh khác như: Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế,… phụ thu thời tiết nắng nóng với các dịch vụ GrabBike và GrabFood đều là 5.000 đồng.
Grab thông báo thu thêm phụ phí "Thời tiết nắng nóng gay gắt" nhằm hỗ trợ các tài xế chạy xe hai bánh của hãng.
Theo đại diện Grab Việt Nam cho biết, việc thu phụ phí là nhằm khuyến khích có nhiều tài xế mở app hơn sau nhiều dịp nắng nóng, cho thấy tình trạng thiếu tài xế rất nhiều và người dùng gặp khó trong việc đặt các cuốc xe. Đồng thời, mức phụ phí thời tiết nắng nóng gay gắt được cộng trực tiếp với giá cước và các shipper thu đúng giá cước hiển thị trên biên nhận chứ không thu thêm từ người dùng.
Tuy nhiên, khi đưa ra loại phụ phí này, các tài xế xe công nghệ hãng này đều không “mặn mà” mong chờ mà ngược lại là không đồng tình với khoản phụ thu này.
“Hiện nay Grab cũng chưa thông báo với chúng tôi là khoản thu phụ phí sẽ căn cứ vào đâu để biết thời tiết nắng nóng. Ví dụ như tại TP Hồ Chí Minh có hai mùa nắng mưa thất thường, rất khó biết khi nào nắng nóng gay gắt để thu phí. Lỡ khách đặt xe ở Gò Vấp thời tiết đang mát mẻ nhưng qua Quận 1 trời nắng hoặc mưa thì sẽ như thế nào. Ngoài thông báo thu phụ phí của hãng gửi thì chúng tôi không nắm được thông tin gì thêm”, anh T.N.H tài xế Grab hoạt động tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
Không chỉ thế, nhiều tài xế cho rằng thời điểm này Grab thu phụ phí nắng nóng gay gắt đã là quá chậm. Vì tại thời điểm này, các khu vực ở phía Nam đang là mùa mưa. Bên cạnh đó là việc phụ phí hỗ trợ tài xế nhưng Grab vẫn lấy chiết khấu như thường.
“Nếu Grab thực sự quan tâm, chăm sóc đến đội ngũ tài xế thì có thể thực hiện những chính sách phúc lợi khác như: thêm điểm thưởng cho tài xế chạy vào các khung giờ cao điểm hay trong thời tiết khắc nghiệt. Chứ không phải tận thu “ví tiền” của khách hàng rồi hưởng ké chi phí này”, anh N.V.L tài xế GrabBike tại TP Hồ Chí Minh nói.
Sau 5 ngày kể từ ngày Grab thực hiện thu phụ phí thời tiết nắng nóng gay gắt, hãng này vẫn chưa có bất cứ hành động giải thích cụ thể nào để giải đáp những nghi vấn từ khách hàng lẫn tài xế.
Tận thu bằng chính sách “hỗ trợ” tài xế?
Tính đến thời điểm hiện tại, Grab đã đưa ra rất nhiều khoản thu phụ phí với danh nghĩa “hỗ trợ” tài xế để khuyến khích các tài xế luôn mở app trong mọi thời điểm. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách chiết khấu cao đã đưa những tài xế lái xe công nghệ này dù chạy nhiều nhưng vẫn phải chật vật kiếm sống.
Theo đó, tỷ lệ chiết khấu của xe công nghệ thường là 7:3, tức doanh thu mỗi cuốc xe tài xế được hưởng là 70%, còn lại là chiết khấu với app. Khi app xe công nghệ tăng giá cước, tăng thêm phụ phí thì tài xế vẫn phải chia như vậy.
Ví dụ, tài xế chạy 1 chuyến xe 100.000 đồng, theo tỷ lệ chia 7:3, Grab sẽ nhận 30.000 đồng. Giờ mỗi cuốc xe được cộng thêm 5.000 đồng. Tức là giá cước từ xe sẽ là 105.000 đồng, Grab hưởng gần 31.500 đồng.
Nhiều lần, các tài xế hãng này đã phải tắt app để phản đối chính sách tăng thuế, phí làm ảnh hưởng đến thu nhập của họ
Dư luận đặt ra câu hỏi tại sao thu thêm phụ phí nhưng Grab lại bỏ túi thêm 1.500 đồng. Nếu tính đến hàng trăm, hàng ngàn đơn hàng thâm chí hàng triệu cuốc xe thì số tiền Grab thu về là rất lớn. Liệu rằng Grab có đang trục lợi dưới danh nghĩa hỗ trợ các tài xế của hãng này?
Trong khi đó, mỗi ngày Grab đều thu về một món lợi nhuận “khủng” thì các tài xế vẫn chật vật kiếm sống với hàng loạt phí, thuế phải chia với hãng. Đây có phải là một cách kinh doanh “khôn lỏi” của Grab với lý do hỗ trợ tài xế để tận thu khách hàng và cũng như “bóc lột” sức lao động của tài xế?
“Thu phụ phí thời tiết nắng nóng gay gắt thì có những tiêu chuẩn như thế nào để thu loại phụ phí này. Thời tiết bao nhiêu độ và quãng đường như thế nào thì sẽ thu các phụ phí này hay chỉ cần trời trưa nắng là có thể thu tiền khách hàng rồi? Tôi ủng hộ chính sách thu phụ phí thời tiết nắng nóng để hỗ trợ các tài xế, nhưng Grab cần phải đưa ra cho chúng tôi biết khi nào thì áp dụng phí này và tài xế có được hưởng trọn tiền hỗ trợ này không”, chị Khánh Phương (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.
“Nếu tăng phụ phí nắng nóng để hỗ trợ tài xế thì ủng hộ nhưng với điều kiện những phí hỗ trợ này họ được lấy hết. Nhưng Grab lại tính vào giá cước, như thế chẳng khác nào đang ăn “ké” công sức làm việc cực khổ của các bác tài. Trong một khoảng thời gian ngắn, Grab lại tạo thêm một khoản phí gắn mác “hỗ trợ” nhưng thức tế các bác tài đều phải chiết khấu lại cho doanh nghiệp này đồng thời cũng phải gánh trên mình các khoản chi phí khác mà Grab đặt ra”, anh Hoàng Việt (TP Hồ Chí Minh) một người thường xuyên sử dụng ứng dụng gọi xe bức xúc nói.
Ngoài việc phí chồng phí hiện nay của Grab thì hãng xe công nghệ này đang phải đối mặt với sự quay lưng của khách hàng và ngay cả các tài xế khi chất lượng dịch vụ ngày càng đi xuống.
Theo đó, nhiều người dùng đã phản ánh tình trạng khó đặt xe công nghệ, thay vì đợi 5 -10 phút như thông thường, thì việc tìm kiếm phương tiện di chuyển kéo dài từ 15-30 phút nhưng vẫn không đặt được chuyến nào.
Bên cạnh đó việc giá xăng tăng cao, khiến các tài xế xe công nghệ phải tìm mọi cách giảm thiểu chi phí. Hiện nay, có nhiều trường hợp, ứng dụng Grab gán những đơn hàng có điểm đón khách hay lấy hàng xa khiến các tài xế xe công nghệ không khỏi bức xúc.
Cần thanh tra việc thu phụ phí của Grab
Hiện nay Nhà nước không định giá dịch vụ vận tải, vì vậy khi thu phụ phí Grab phải kê khai giá cước với cơ quan quản lý và triển khai đúng chính sách đặt ra.
Tuy nhiên, trong trường hợp giá kê khai có bất thường, cơ quan quản lý có quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình.
Trả lời báo chí, Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, với tỉ lệ chiết khấu thông thường của xe công nghệ là 7/3, tức 70% doanh thu mỗi cuốc xe tài xế được hưởng và 30% còn lại chiết khấu với app.
Khi app xe công nghệ tăng giá cước, tăng thêm phụ phí thì họ vẫn hưởng lợi với phần trăm tăng thêm, trong khi chi phí tài xế và khách hàng gánh hết. Chưa kể, việc tăng giá cước, thêm các loại phí để tăng giá cước của doanh nghiệp trong giai đoạn này cần phải được cơ quan chức năng tăng cường giám sát, thanh tra với những khoản tăng không minh bạch, có dấu hiệu trục lợi.
Trước tình hình trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa có công văn số 785 yêu cầu Công ty TNHH Grab phối hợp về việc cung cấp thông tin liên quan các mức phí và phụ phí công ty này thu thêm gần đây khi áp dụng thu phụ phí thời tiết nắng nóng gay gắt đối với nhiều tỉnh, thành phố.
Công văn của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nêu rõ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Cạnh đề nghị Grab phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu cụ thể: Cung cấp danh mục và làm rõ các loại hình, mức phí và phụ phí hiện nay được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị.
Cùng đó, Grab phải cung cấp thông tin chi tiết về việc áp dụng thu thêm các loại phí và phụ phí hiện nay (căn cứ, cơ sở và tiêu chí để áp dụng, thời gian áp dụng, việc phân chia lợi nhuận của các loại phí và phụ phí giữa Grab và lái xe, ...), và các thông tin, tài liệu liên quan khác.
Được biết, đây không phải lần đầu Grab có hoạt động điều chỉnh giá cước, phụ thu các chi phí. Theo đó ngày 10/3/2022, Grab cũng điều chỉnh giá cước dịch vụ tài nhiều tỉnh, thành phố để bù đắp chi phí vận hành trước áp lực của việc tăng giá xăng dầu.
Cụ thể, giá 2km đầu tiên của dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lên 29.000 đồng, 7 chỗ lên 34.000 đồng, đối với các tỉnh, thành khác tăng 2.000 đồng. Cả nước mức tăng thêm từ 2.000 đồng mỗi cuốc. Dịch vụ GrabBike tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng được điều chỉnh tăng lên lần lượt 12.500 và 13.5000 đồng cho 2km đầu tiên, 4.300 đồng mỗi km tiếp theo,…
Ngoài ra, dịch vụ giao hàng GrabExpress, GrabFood cũng được hãng này điều chỉnh tăng lên quanh mức 16.000 đồng cho 2km đầu tiên và 5.000 đến 5.500 đồng cho mỗi km tiếp theo. Và GrabMart có giá cước lên mức 17.000 đồng cho 2km đầu tiên và 6.000 đồng mỗi km tiếp theo.
Bên cạnh đó, Grab cũng quy định khoản thu 2.000 đồng/cuốc xe gọi là phí sử dụng ứng dụng. Nếu chờ quá 5 phút, khách hàng lại bị thu thêm 2.000 đồng phí chờ đợi.
Trước đó, danh sách phụ thu của Grab còn nối dài với hàng loạt loại phí khác nhau như: cuốc xe giờ cao điểm, cuốc xe đêm, kẹt xe, ngập, Tết,…
Đây đều là những khoản phí được Grab đưa ra nhằm mục đích hỗ trợ, bảo vệ các quyền lợi của tài xế. Tuy nhiên, các tài xế chạy xe công nghệ vẫn phải chia một phần ra để đưa lại cho Grab chứ không được hưởng trọn.