VN-Index lội ngược dòng, cổ phiếu ngân hàng tỏa sáng
VN-Index tăng 17,62 điểm (+1,42%) trong phiên gioa dịch ngày 20/3, sắc xanh quay trở lại kéo hơn 900 triệu cổ phiếu được giao dịch, tổng khối lượng khớp lệnh trên toàn sàn đạt mức hơn 22 nghìn tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/3, VN-Index tăng 17,62 điểm (+1,42%), lên 1.260,08 điểm với 339 mã tăng, trong khi chỉ có 139 mã giảm. HNX-Index tăng 1,86 điểm (+0,79%), lên 238,03 điểm với 108 mã tăng và 69 mã giảm. UPCoM-Index giảm nhẹ 0,06 điểm (-0,07%), xuống 90,54 điểm với 192 mã tăng và 99 mã giảm.
Thanh khoản có sự cải thiện nhẹ so với phiên trước đó khi có hơn 900 triệu cổ phiếu được giao dịch, tổng khối lượng khớp lệnh trên toàn sàn đạt mức hơn 22 nghìn tỷ đồng. Sắc xanh cũng tỏ ra vượt trội hoàn toàn khi có đến 339 mã tăng điểm, trong khi đó số mã giảm điểm chỉ là 139, còn lại là 70 mã đóng cửa ở mốc tham chiếu.
VN30 hôm nay thậm chí còn có phần tích cực hơn khi có cho mình mức tăng 24.32 điểm (+1.97%). Toàn nhóm hôm nay có đến 24/30 mã tăng điểm. Nổi bật hơn cả trong số đó là VIB (+6.79%) khi có cho mình mức tăng trần. Bên cạnh đó còn có một số cái tên đáng chú ý khác như MWG (+5.49%), TCB (+4.69%) hay MBB (+4.09%). Ở chiều hướng ngược lại, họ nhà Vingroup với ba cổ phiếu là VRE (-1.50%), VIC (-1.06%) và VHM (-0.93%) là những cái tên duy nhất đóng cửa trong sắc đỏ.
Ngoài nhóm cổ phiếu trụ trong VN30 có đóng góp lớn về mặt điểm số thì chứng khoán cũng là một nhóm có mức tăng khá ấn tượng trong ngày hôm nay. Rất nhiều cổ phiếu lớn trong nhóm có đóng góp đáng kể trong phiên hôm nay, điển hình như VCI (+4.93%), VIX (+3.63%) hay SSI (+2.90%).
Đáng chú ý, nhiều cổ phiếu riêng lẻ tăng điểm tốt trong ngày hôm nay. Một số cái tên đáng chú ý có thể kể đến như HAG (+6.75%), TCH (+5.65%) hay GEX (+3.33%).
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng bất ngờ bật mạnh trở lại. VIB tăng kịch trần, kế đó là LPB tăng 6,26%, TCB tăng 4,96%, MBB tăng 4,09%, CTG tăng 3,15%, MSB tăng 3,14%, VPB tăng 2,75%, STB tăng 2,47%, ACB tăng 2,42%...
Ở nhóm bất động sản, cổ phiếu "họ Vingroup" bị bao phủ bởi sắc đỏ khi VHM giảm 0,93%, VIC giảm 1,06%, VRE giảm 1,5%. Tuy nhiên, sắc xanh vẫn là chủ đạo ở nhóm này, dẫu cho có ít mã tăng mạnh. Một số mã có thêm từ 1% giá trị trở lên gồm KBC, DIG, NLG, VPI, DXG. Gây ấn tượng hàng đầu là TCH tăng 5,65% và LGC tăng 6,64%.
Nhóm sản xuất phân hoá hơn, nhưng mức độ biến động nhìn chung không lớn. Chẳng hạn các cổ phiếu vốn hoá hàng đầu trong nhóm như HPG, VNM, GVR, MSN, SAB đều biến động không tới 1%. Số ít mã tăng tốt có thể kể đến DGC tăng 3,19%, VGC tăng 2,46%, GEX tăng 3,33%.
Cổ phiếu năng lượng và hàng không diễn biến tương đối khả quan khi GAS tăng 1,63%, POW tăng 1,33% còn PGV và PLX cùng đứng giá tham chiếu; VJC và HVN lần lượt có thêm 0,2% và 0,75% giá trị.
MWG của nhóm bán lẻ gây sốt với mức tăng 5,49%, trong khi đó, PNJ tăng 1,76%, FRT tăng 0,2% và DGW tăng 2,49%.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 hôm nay đều tăng tốt hơn thị trường cơ sở (VN30 tăng 24,32 điểm, tương ứng tăng 1,97% lên 1.259,06 điểm) , ngoại trừ hợp đồng đáo hạn tháng 9/2024. Trong đó, hợp đồng đáo hạn ngày mai là VN30F2403 tăng 25,5 điểm (+2,07%), lên 1.255,5 điểm với 289.691 hợp đồng được chuyển nhượng, tương đương giá trị 36.077,9 tỷ đồng; khối lượng mở 39.565 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, hôm nay cũng có thanh khoản khá tốt với 4 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị, cùng 14 mã khác có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. Trong 4 mã có thanh khoản tốt nhất, có 3 mã do SSI phát hành, mã còn lại do ACBS phát hành. Trong đó, có 2 mã là chứng quyền của MWG, 1 mã là chứng quyền của STB và 1 mã là chứng quyền của VRE.
Cụ thể, CSTB2322 tăng 19,61% lên 610 đồng, thanh khoản 4,9 triệu đơn vị; CMWG2316 tăng 55,84% lên 1.200 đồng, thanh khoản 3,88 triệu đơn vị; CVRE2315 đứng tham chiếu 350 đồng, thanh khoản 3,05 triệu đơn vị; CMWG2313 tăng 33,33% lên 1.000 đồng, thanh khoản 2,45 triệu đơn vị.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hôm nay cũng có giao dịch khá sôi động với tổng khối lượng 7,24 triệu đơn vị, giá trị 4.071,7 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch tốt nhất là RHG12101 của Tập đoàn R&H với gần 1,42 triệu đơn vị, giá trị 144,9 tỷ đồng.