VnFinance
Thứ ba, 13/06/2023, 08:16 AM

Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, có giải pháp phục hồi thị trường BĐS

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng liên quan đến phản ánh của báo chí về tình trạng hiện nay chỉ còn 30-40% môi giới bất động sản (BĐS hoạt động. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng nghiên cứu, có giải pháp phục hồi thị trường bất động sản.

Trước những phản ánh của báo chí về việc tỷ lệ môi giới bất động sản, Văn phòng Chính phủ vừa phát đi văn bản số 4245/VPCP-CN. Theo đó, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng về thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó đề cập đến việc báo chí có phản ánh chỉ còn 30 - 40% môi giới bất động sản làm việc. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng nghiên cứu, có giải pháp phục hồi thị trường bất động sản.

Trước tình hình thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo liên quan tới việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường như: Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Công văn số 178/TTg-CN về việc thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản; Nghị định 10/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai chính thức được ban hành...

Từ giữa năm 2022 tới nay, thị trường bất động sản Việt Nam nói chung đã có nhiều diễn biến phức tạp và khó khăn chưa từng có trong khoảng 10 năm trở lại đây. Với việc thị trường khan hiếm sản phẩm, thiếu hụt khách hàng đã khiến các sàn giao dịch, nhà môi giới bất động sản bị đặt vào thế khó.

Theo khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hoạt động môi giới suy yếu có nguyên nhân từ sụt giảm giao dịch. Ngoài ra, do mất thị trường khi thị trường truyền thống là các dự án khu đô thị và khu du lịch nghỉ dưỡng đều trong tình trạng vướng mắc về thủ tục nên không thể triển khai. Cùng với tình hình kinh tế suy giảm, hiệu quả sử dụng và kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng rất thấp.

Trong bối cảnh trên, trong 5 tháng đầu năm 2023, đã có 554 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp thành lập mới giảm hơn 61% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I/2023, doanh thu của doanh nghiệp bất động sản giảm gần 65% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế giảm trên 38% so với cùng kỳ năm 2022. Hơn 90% doanh nghiệp môi giới bất động sản ghi nhận doanh thu sụt giảm mạnh, trên 95% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động.

Riêng trong 5 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp môi giới tiếp tục sa thải thêm nhiều nhân sự và chắc chắn còn tiếp tục sa thải nhiều. Có tới hơn 40% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản trong khảo sát buộc phải cắt giảm lương nhân sự từ 10% - 20%. Thậm chí, hơn 44% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ phải thực hiện biện pháp sa thải nhân viên để không phải cắt giảm lương những người còn lại.

Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng có giải pháp phục hồi thị trường bất động sản. Ảnh minh họa
Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng có giải pháp phục hồi thị trường bất động sản. Ảnh minh họa
 

Làn sóng nghỉ việc của môi giới viên đã càn quét trên quy mô rộng khắp cả nước. Theo khảo sát của VARS, số lượng nhân viên hiện còn hoạt động trên thị trường chỉ bằng khoảng 30 - 40% so với thời điểm cuối năm 2022. Theo đó, thị trường ghi nhận một lượng lớn môi giới viên phải nghỉ việc do chủ động (thu nhập không đủ sống) và bị động (doanh nghiệp sa thải, tạm dừng hoạt động hoặc phá sản...).

Nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn sẽ có tới 23% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được tới hết quý III/2023, 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm 2023. Đây thực sự là một kịch bản hết sức tiêu cực.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng dự đoán, trong thời gian tới thị trường sẽ dần hồi phục từng bước nhưng tốc độ phục hồi chậm, khó có sự đột phá cho đến cuối năm 2023.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Thị trường (Công ty Bất động sản Savills Việt Nam) cho biết, một trong những tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản TP HCM là việc Chính phủ đã có nhiều cuộc họp bàn và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cả nước từ cuối năm 2022 cho đến quý 1/2023, qua đó giúp ngành bất động sản TP HCM có giải pháp để vượt qua khó khăn trước mắt.

Điển hình là việc nhiều dự án bất động sản trên địa bàn của các doanh nghiệp lớn như Novaland, Hưng Thịnh, Gotec Land, CapitaLand, Gamuda Land, Son Kim Land... trong thời gian qua được gỡ vướng pháp lý và hỗ trợ cho phép huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cũng đang có kế hoạch thực hiện các giải pháp gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận (sổ hồng) cho 81.085 căn nhà trên địa bàn thành phố thuộc các dự án của chủ đầu tư lớn như Vinhomes, Novaland, Hưng Thịnh, Him Lam, Khang Điền, Đất Xanh...

Việc được tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục và tiến hành huy động vốn đã giúp các doanh nghiệp tái khởi động nhiều dự án sau thời gian dài đình trệ vì thủ tục; khách hàng cũng bắt đầu quay lại tìm hiểu nhiều dự án, sản phẩm bất động sản của các doanh nghiệp.


VnFinance
vnfinance.vn
VnFinance
VnFinance