Giải bài toán thiếu vốn của HTX bằng cách nào?
Theo thống kê, 40% số hợp tác xã (HTX) trên cả nước hoạt động không hiệu quả, mà nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là bài toán “thiếu vốn”. Góp sức giải bài toán này, ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) mang đến những giải pháp tài chính chuyên biệt, tiếp sức cho các HTX.
Vì sao hợp tác xã khó tiếp cận nguồn vốn?
Theo Liên minh HTX, tính đến giữa năm 2023, tổng số HTX trên cả nước là 30.425 HTX, 120.983 tổ hợp tác và 133 Liên hiệp HTX. Mô hình kinh tế HTX trực tiếp đóng góp 4,8% vào tổng sản phẩm quốc gia (GDP), đồng thời đóng góp gián tiếp hơn 30% GDP thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy chỉ có 60% số HTX hoạt động hiệu quả và đáp ứng đủ yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng này là "thiếu vốn".
Một nghiên cứu tại Việt Nam chỉ ra rằng chưa đến 20% HTX có khả năng tự lực vốn; 0,5% HTX có cơ hội tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các HTX nông nghiệp thì tỷ lệ này thấp hơn nữa. Hơn 80% số HTX phải vay trên thị trường phi chính thức.
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù có nhu cầu vay vốn lớn, các ngân hàng sẵn sàng cho vay, nhưng HTX vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng. Nguyên nhân đầu tiên là tài sản để thế chấp và cầm cố vay vốn của HTX thường không đủ. Một số HTX có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản, nhưng vẫn không thể đảm bảo vay được vốn từ ngân hàng do vấn đề về tính pháp lý. Bởi theo quy định, để vay dự án trung hạn, HTX phải đáp ứng 25% vốn tự có, điều kiện mà nhiều HTX không thể thỏa mãn.
Ngoài ra, nhiều HTX cũng không có khả năng xây dựng phương án kinh doanh và dự án đầu tư hiệu quả, thay vào đó, họ phụ thuộc vào tư vấn và hỗ trợ từ hệ thống Liên minh HTX hoặc thuê dịch vụ. Hệ thống báo cáo tài chính minh bạch và thẩm định tài chính vẫn còn bất cập, và tính trách nhiệm của các thành viên trong HTX vẫn chưa cao và chưa được đảm bảo một cách cứng rắn.
“Muốn HTX phát triển tốt phải có doanh nghiệp ‘đỡ đầu’, ngược lại doanh nghiệp muốn ‘cắm chân’ tại địa bàn nông thôn thì phải có mạng lưới kinh tế tập thể”, Nguyên Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (nay là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam) phát biểu trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và Triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Liên minh HTX Việt Nam. Trong đó, sự liên kết 3 bên giữa ngân hàng tư vấn đầu tư và cấp tín dụng, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn và các HTX vệ tinh “kiểu mới” được đánh giá là mô hình có nhiều tiềm năng và cơ hội nhất.
Tạo động lực phát triển bền vững cho mô hình hợp tác xã
Theo Anh hùng Lao động Thái Hương, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á: “Để làm nông nghiệp 4.0, HTX cần phát triển lên một tầm mới, đó là HTX công nghệ cao - tập trung sản xuất hàng hóa nông nghiệp có giá trị - với sự dẫn lối của doanh nghiệp. HTX như một mắt xích trong chuỗi giá trị sản phẩm do chính doanh nghiệp đưa ra kế hoạch sản xuất, quy chuẩn kỹ thuật cũng như yêu cầu về chất lượng sản phẩm. Tham gia HTX, người nông dân vẫn sở hữu ruộng đất và đóng góp vào chuỗi giá trị qua khâu sản xuất - tất nhiên trên cơ sở tuân thủ hướng dẫn từ doanh nghiệp”.
Ngân hàng TMCP Bắc Á đang nỗ lực thúc đẩy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị HTX. Theo đó, liên minh HTX Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và thiết lập HTX dựa trên yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất. Các HTX này sẽ được quản lý dưới sự kiểm soát của người nông dân, đảm bảo tính hiệu quả và sự liên kết chặt chẽ giữa các bên, từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, HTX đến doanh nghiệp.
Đây cũng chính là mô hình mà Ngân hàng TMCP Bắc Á đang tư vấn và Tập đoàn TH đang định hướng triển khai. BAC A BANK và Tập đoàn TH phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Liên minh HTX Việt Nam thành lập chuỗi HTX theo đơn đặt hàng, tận dụng tối đa các lợi thế về khí hậu, đất đai, sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, từng vùng miền như chăn nuôi bò sữa, trồng thảo dược, rau củ quả sạch hữu cơ để đáp ứng toàn diện thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho nền nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.
Đặc biệt, BAC A BANK cũng nghiên cứu và xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ ngân hàng chuyên biệt cho từng loại hình HTX để cung cấp một cách linh hoạt các ưu đãi về lãi suất và thủ tục, phương thức giải ngân, thanh toán…
Từ hướng đi đó, Ngân hàng TMCP Bắc Á là một trong số ít ngân hàng có riêng sản phẩm cấp tín dụng cho đối tượng bao gồm Hợp tác xã hoạt động trong các ngành mà HTX Việt Nam hoạt động lớn mạnh như: Gạo, Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Cà Phê, sản phẩm tài trợ nhà cung cấp - là sản phẩm hướng tới các Doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung và HTX nói riêng trong chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn TH,…
BAC A BANK cam kết đồng hành với HTX và Liên minh HTX trên toàn quốc, không chỉ bằng việc cung cấp nguồn vốn mà còn bằng việc tư vấn dự án, hỗ trợ kỹ thuật, và thúc đẩy tiếp cận thị trường. Bằng việc hợp tác chặt chẽ, BAC A BANK đóng vai trò quan trọng trong việc giảm áp lực nguồn vốn đối với HTX và Liên minh HTX, góp phần vào phát triển nền kinh tế nông nghiệp và nông thôn của Việt Nam.