Tiền đã rẻ hơn nhưng vì sao nhà đầu tư vẫn ngập ngừng?
Mặc dù thanh khoản dồi dào, lãi suất cũng đã giảm, song trong cả hoạt động sản xuất kinh doanh lẫn đầu tư, dòng tiền vẫn chưa nhập cuộc mạnh mẽ.
Lãi suất giảm nhưng dòng tiền vẫn chờ đợi trên diện rộng
Tại hội thảo tọa đàm “Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh” do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 30/03, Phó Thống Đốc Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết thanh khoản hệ thống đang dư thừa, cơ quan điều hành cũng đã chủ động giảm lãi suất điều hành và đang khuyến khích ngân hàng hạ lãi vay, tăng cường cấp tín dụng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự mặn mà với chủ trương. Các số liệu vừa được tổng cục thống kê công bố cho thấy, quý I/2023, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 2,06%. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước, con số này là 4,03%.
Ở thị trường nhà đất, theo số liệu từ JLL Việt Nam, số lượng giao dịch tại thị trường nhà liền thổ Tp.HCM ghi nhận mức giảm mạnh 91,7% so với quý trước (giảm 98,3% so với cùng kỳ năm trước). Cả quý 1/2023 chỉ có 19 căn bán nhưng chủ yếu là ở dự án cũ, không có nguồn cung mới. Hầu hết người mua và nhà đầu tư áp dụng chiến thuật “chờ và xem” trong bối cảnh thị trường trầm lắng và còn nhiều bất ổn pháp lý.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 31/03, VN-Index đóng cửa ở mức 1.064,64 điểm. Thanh khoản bình quân của VN-Index tháng 3 chỉ hơn 9.260 tỷ/phiên. Trong khi đó, hồi tháng 1 và tháng 2, con số này lần lượt là 10.494 tỷ và 10.014 tỷ đồng.
Đối với tiền gửi, báo cáo tổng cục thống kê mới đây cho thấy, dòng tiền cũng không mặn mà với kênh này. Cụ thể, huy động vốn trong quý I của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 0,77%, trong khi cùng thời điểm năm 2022 con số này là 2,15%.
Vì sao các thị trường chưa khởi sắc?
Tại hội nghị “Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh”, ông Nguyễn Ngọc Hòa, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) chia sẻ , dù lãi suất giảm nhưng vẫn còn cao, doanh nghiệp vẫn chưa dám vay. Bên cạnh đó, tình hình thị trường chưa tích cực cũng khiến doanh nghiệp ngại đẩy mạnh vay vốn. “Điều khách quan là cầu giảm khiến doanh nghiệp không có nhu cầu vay để mở rộng, nhưng vẫn có nhu cầu vay cầm cự qua giai đoạn hiện nay, hy vọng hết năm nay tình hình sẽ sáng hơn”, ông Hòa đánh giá.
Ở thị trường bất động sản, theo JLL, do bối cảnh kinh tế bất ổn và các vấn đề pháp lý kéo dài, các nhà phát triển đã có tâm lý thận trọng hơn. Về phía cầu, những khó khăn trong nền kinh tế sẽ làm ảnh hưởng đến quyết định đầu tư nhà ở. Thời gian tới, đặc biệt là nửa đầu năm 2023, nguồn cầu vẫn sẽ yếu.
Đối với thị trường chứng khoán, tại chương trình Market talk số 30 “Triển vọng ngành Ngân hàng và nhịp đập thị trường” do công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tổ chức hôm 27/03, ông Trương Đắc Nguyên, Trưởng phòng khách hàng trực tuyến VDSC chia sẻ, thị trường đang có dấu hiệu tạo đáy. Tuy nhiên, vẫn thiếu nhiều điều kiện để đi lên.
Cụ thể, trong quá khứ, việc thị trường tạo đáy thường đi kèm với việc chỉ số giảm, thanh khoản giảm sâu. Tuy nhiên, còn một vấn đề khác ảnh hưởng đến khả năng đi lên của thị trường chứng khoán đó là nội tại của nền kinh tế và tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp.
“Quý I/2023 tăng trưởng kinh tế vẫn chưa khả quan. Vì thế, khó kỳ vọng việc thị trường tạo đáy và đi lên. Việc thị trường đi ngang và tích lũy, cộng thêm thanh khoản thấp như hiện tại rất đáng để theo dõi và chúng ta vẫn cần thêm những sự tích cực trong tin tức vĩ mô và kết quả kinh doanh”, ông Nguyên nhận định.
Ở thị trường tiền gửi, các chuyên gia cho rằng, lãi suất huy động thời gian qua đã giảm nhanh, song nhìn chung vẫn đang bảo đảm ở mức thực dương. Lượng tiền tìm đến kênh đầu tư này sẽ vẫn ở mức ổn định. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, tỷ lệ tiết kiệm trên thu nhập có khả năng sẽ ít hơn. Do đó, thời gian tới tiền gửi khó có thể bùng nổ như giai đoạn trước. Khi nền kinh tế phục hồi, lượng tiền gửi có thể sẽ tăng lên mạnh mẽ hơn.