“Cá mập” bắt đầu đi săn và nỗi lo doanh nghiệp trong nước phải “bán mình” giá rẻ
Nhiều chỉ báo trên thị trường bất động sản cho thấy trong khi các doanh nghiệp bất động sản trong nước vẫn đang hết sức khó khăn về dòng tiền thì vẫn có những “cá mập”, trong đó đa phần là các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm và sẵn sàng thâu tóm các tài sản giá rẻ.
Mua bán, sáp nhập, hợp tác để mang về dự án
Theo công bố của Batdongsan.com.vn cho thấy thời gian qua, trên thị trường bất động sản có không ít các doanh nghiệp và quỹ đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư nước ngoài… đang tìm kiếm cơ hội để gia nhập thị trường thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A).
Theo đó những “cá mập” này sẽ thông qua nhiều hình thức như hành thu mua quỹ đất, hợp tác phát triển, góp vốn mua cổ phần,… với các doanh nghiệp bất động sản hiện có nhằm hướng đến là các quỹ đất của các doanh nghiệp này.
Có thể điểm qua một số thương vụ nổi bật như việc vừa qua, Kim Oanh Group đã tiến hành ký kết hợp tác cùng Tập đoàn Surbana Jurong đến từ Singapore để phát triển các dự án mà tập đoàn này sẽ đóng vai trò chủ đầu tư.
Theo đó, Kim Oanh Group và Tập đoàn Surbana Jurong sẽ cùng nhau đầu tư phát triển một loạt dự án bất động sản như nhà ở, khu nghỉ dưỡng, tòa nhà văn phòng tại khu vực miền Nam. Trong đó, Tập đoàn Surbana Jurong sẽ đảm nhiệm việc tư vấn quy hoạch khu đô thị và kiến trúc cho các dự án mà Kim Oanh Group thực hiện.
Loan báo về động thái trên, bà Đặng Thị Kim Oanh - Chủ tịch HĐQT của Kim Oanh Group cho biết việc hợp tác chiến lược với Tập đoàn Surbana Jurong sẽ giúp Kim Oanh Group phát triển mô hình nhà ở xã hội "Singapore" tại Việt Nam.
Trước đó, Tập đoàn Keppel (Keppel Corporation Limited) cũng đã công bố kế hoạch cùng quỹ đầu tư Keppel Việt Nam (KVF) đầu tư khoảng 3.180 tỷ đồng để mua cổ phần của hai dự án Emeria (diện tích 6 ha) và Clarita (diện tích 5,8 ha) tại TP. Thủ Đức từ Khang Điền.
Theo các thông tin được công bố, Keppel và Khang Điền sẽ phối hợp phát triển hơn 200 căn nhà liền thổ và 600 căn hộ chung cư trên diện tích tổng khoảng 11,8 ha (tổng chi phí phát triển cả hai dự án bao gồm cả chi phí đất đai, dự kiến là 10.200 tỷ đồng).
Một trường hợp khác cũng có thể kể đến là việc Tập đoàn bất động sản Gamuda (Malaysia) cũng đã thông báo công ty con của họ, Gamuda Land đã đạt thỏa thuận để mua lại toàn bộ cổ phần của 3 cá nhân trong Công ty cổ phần Bất động sản Tâm Lực với tổng giá trị trên 7.200 tỷ đồng. Đồng thời, Gamuda Land cũng trực tiếp sở hữu dự án hỗn hợp nhà cao tầng tại TP.HCM, đó chính là Khu nhà ở Tâm Lực.
Lo ngại các doanh nghiệp phải “bán mình” ngay trên sân nhà
Trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước gặp khó về tài chính nhưng lại là cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài có thể hợp tác, thực hiện chuyển nhượng các quỹ đất dự án một cách thuận lợi hơn. Đây được coi là tín hiệu tích cực đối với thanh khoản thị trường, đồng thời minh chứng cho niềm tin của cả nhà đầu tư trong và ngoài nước vào tiềm năng của thị trường bất động sản nhà ở, cũng như nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, không ít ý kiến chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại việc nếu không có định hướng hợp lý thì các doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ sẽ phải “bán mình” với giá rẻ và thua ngay trên sân nhà.
Theo GS. TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân thì hiện nay, nhiều quỹ đầu tư bên ngoài đang chuẩn bị sẵn tiền chờ cơ hội thâu tóm các dự án này khi các doanh nghiệp bất động sản trong nước gặp khó khăn phải bán.
"Thực tế, hiện nay, nhiều quỹ đầu tư bên ngoài đang chuẩn bị sẵn tiền chờ cơ hội thâu tóm các dự án này khi các doanh nghiệp bất động sản trong nước gặp khó khăn phải bán. Điều này sẽ có nguy cơ gây hệ lụy lâu dài đối với việc kiểm soát thị trường bất động sản và nhiều vấn đề khác của đất nước", ông Cường nhấn mạnh.
Cũng theo GS. TS Hoàng Văn Cường, trong trường hợp này, Chính phủ cần phải can thiệp trực tiếp bằng phát hành trái phiếu Chính phủ mua lại các trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn, thời gian dài hơn để người dân sẽ yên tâm không bị rủi ro đối với tiền vốn đã mua trái phiếu doanh nghiệp; chuyển các khoản nợ này cho các tổ chức quản lý nợ như DATC hoặc VAMC quản lý và kiểm soát hoạt động của các dự án này tiếp tục đầu tư đến khi thu hồi vốn.
"Trong trường hợp này, không nên hình sự hóa đối với doanh nghiệp mà để họ có cơ hội tiếp tục các hoạt động phục hồi dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý nợ của Nhà nước", ông Cường nêu.
Ngoài ra, theo ông Cường, tỷ lệ nợ công đang ở mức khá thấp, là dư địa để thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hỗ trợ cho thị trường và phát triển trong bối cảnh hiện nay. Việc này cũng không làm tăng cung tiền đầu tư nên góp phần kiểm soát lạm phát.