VnFinance
Chủ nhật, 31/12/2023, 18:29 PM

Các tổ chức thế giới dự báo về tài chính kinh tế Việt Nam 2024: Nhiều triển vọng hơn lo ngại

Dự báo tình hình kinh tế năm 2024 còn khó khăn nhưng nhiều tổ chức thế giới nhận định nền tài chính – kinh tế Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng khá hơn năm 2023.

Ngân hàng Thế giới (WB)

Ngân hàng thế giới dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm 2023, trước khi phục hồi về mức 5,5% trong năm 2024 và 6% trong năm 2025.

anh 1
Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng mà nhiều quốc gia trên thế giới mơ ước. (Nguồn: WB)

Ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, chia sẻ với báo chí: “Dù chúng tôi hy vọng rằng nhu cầu xuất khẩu đối với hàng Việt Nam từ phần còn lại của thế giới sẽ phục hồi vào năm 2024, nhưng nó sẽ không mạnh như trước và tình hình đầy thách thức này có thể kéo dài trong một thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, thông điệp của tôi dành cho Việt Nam là tận dụng sức mạnh nội tại và thúc đẩy tăng năng suất của nền kinh tế trong nước để biến những thách thức do suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra thành cơ hội củng cố hơn nữa mô hình tăng trưởng kinh tế của mình".

Ông Coppola nhận định, suy thoái toàn cầu là cú sốc lớn đối với nền kinh tế mở của Việt Nam. Dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng mà nhiều quốc gia trên thế giới mơ ước.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Báo cáo mới nhất do ADB công bố đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam về mức 5,2% trong năm 2023 và tăng trưởng trong năm 2024 được dự báo duy trì ở mức 6,0%. Các chuyên gia ADB đánh giá tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là khá tốt so với nhiều nước trong khu vực.

Anh 2
ADB đánh giá tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là khá tốt so với nhiều nước trong khu vực. (Nguồn: ADB)

ADB cho rằng sự phục hồi yếu hơn dự kiến của nhu cầu bên ngoài tiếp tục cản trở tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, làm chậm quá trình phục hồi của việc làm và tiêu dùng trong nước của Việt Nam.

Tuy nhiên, chính sách tiền tệ thận trọng và chủ động sẽ giúp kiểm soát lạm phát. Dự báo lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức 3,8% cho năm 2023 và 4,0% cho năm 2024.

Trung tâm tư vấn CEBR (Anh)

CEBR đánh giá Việt Nam và Philippines là 2 nền kinh tế Đông Nam Á có năng lực “nhảy vọt” trong bảng xếp hạng World Economic League Table (WELT) trong giai đoạn từ nay đến năm 2038.

Anh 3
Việt Nam được đánh giá trong top những nền kinh tế tăng trưởng tốt trong những năm qua, viễn cảnh những năm tới rất khả quan. (Nguồn: VGP)

Theo CEBR, Việt Nam hiện ở vị trí 34 trên WELT, năm 2024 Việt Nam sẽ tăng 1 hạng lên thứ hạng 33 và sau đó sẽ tiếp tục lên nhanh, lên vị trí 24 vào năm 2033, trước khi trở thành nền kinh tế thứ 21 thế giới vào năm 2038.

CEBR đánh giá Việt Nam là một trong những minh họa nổi bật cho nhóm quốc gia được mong chờ sẽ cải thiện thứ hạng nhờ định vị lại vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, áp dụng cải cách nội bộ, tăng năng suất của lực lượng lao động, những điều có thể đạt được qua cách tích lũy hiệu quả vốn công và tư.

Nhận định của CEBR đề cập tỷ trọng nền kinh tế, chứ không đề cập đến thu nhập bình quân trong một nước, phân chia giàu nghèo hay các vấn đề khác.

Theo CEBR, Việt Nam đứng trước viễn cảnh 15 năm tiếp theo rất khả quan. Với ưu thế dân số có sẵn, nhiều khả năng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Với dân số đông và còn tương đối trẻ, Việt Nam có cơ hội vượt qua gần hết các quốc gia phát triển trong khối ASEAN về kinh tế, như Singapore, Thái Lan, Malaysia, để đến 2038 chỉ đứng sau Indonesia trong top 25 nền kinh tế thế giới.

Các chuyên trang tài chính nhận định về tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Bloomberg Economics, trong một bài viết vào tháng 11/2023, đánh giá nhóm 5 quốc gia bao gồm Việt Nam, Ba Lan, Morocco, Mexico và Indonesia đang nổi lên như những đối tác thương mại và điểm đến đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang trên toàn cầu.

Cụ thể, 5 nước này chiếm 4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, nhưng lại thu hút hơn 10% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tương đương 550 tỷ USD, trong tổng số các dự án mới đầu tư vào lĩnh vực xanh kể từ năm 2017. Trước đó, Bloomberg cũng cho rằng nền kinh tế đang phát triển nhanh đã khiến Việt Nam trở thành mảnh đất hấp dẫn cho các công ty khởi nghiệp. Những thuận lợi này sẽ tạo điều kiện lớn cho nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024.

Trang tin tức thị trường Yahoo!finance nhận định, Việt Nam, Trung Quốc và một số nước châu Á nằm trong số 20 nước có mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới trong 10 năm trở lại đây, dựa trên số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF.

Với mức tăng trưởng GDP thực trung bình là 6,1% trong một thập niên trở lại đây, Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Trong đó, ngành nông nghiệp của Việt Nam là trụ cột quan trọng của nền kinh tế, vừa đóng góp cho GDP, vừa tạo việc làm. Tiếp nối chuỗi tăng trưởng, năm 2024 được xem là một năm có nhiều triển vọng.

Tại kỳ họp cuối năm nay, Quốc hội đã đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 mức 6 - 6,5%. Để đạt được mục tiêu đầy thách thức này, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương phải phát huy tối đa các động lực tăng trưởng trong năm tới.

Nguồn: sohuutritue


VnFinance
vnfinance.vn
VnFinance
VnFinance