Chuẩn bị được cấp sổ đỏ, condotel vẫn bị rao bán “cắt lỗ” rầm rộ
Nghị định 10/2023/NĐ-CP, bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ cho công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú, du lịch. Theo đó, các sản phẩm căn hộ du lịch nghỉ dưỡng sẽ được cấp sổ đỏ. Song gần đây loại hình sản phẩm này vẫn được rao bán cắt lỗ rầm rộ.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Trong đó, bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ cho công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú, du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch trên đất thương mại dịch vụ.
Để được cấp giấy chứng nhận, các công trình này phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản. Theo đó, các căn hộ khách sạn, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (condotel), văn phòng lưu trú (officetel), biệt thự du lịch nghỉ dưỡng và những công trình khác phục vụ lưu trú, du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nếu đủ điều kiện sẽ được cấp sổ đỏ.
Dù vậy, sau khi Nghị định 10 được ban hành thì các căn hộ condotel tại nhiều khu vực vẫn đang bị rao bán cắt lỗ nhưng vẫn khó tìm người mua.
Đơn cử, trường hợp của anh Tuấn Phương, nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, cách đây 4 năm, gia đình anh bỏ ra 1,9 tỷ đồng mua một căn hộ condotel tại Đà Nẵng với diện tích 40m2, tương đương 47,5 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư cam kết sẽ trả 80% mức lợi nhuận từ việc cho thuê thực tế và gia đình sẽ được hưởng 15 đêm nghỉ dưỡng miễn phí tại dự án. Theo đó, anh Phương kỳ vọng sẽ thu về khoảng hơn 20 triệu đồng/tháng.
“Khi đó, du lịch Đà Nẵng rất sôi động nên trong mấy tháng đầu tiên tôi nhận được trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, dịch bệnh tới bất ngờ khiến du lịch bị ảnh hưởng nên trong suốt thời gian đó gần như tôi không nhận được tiền cam kết thuê lại. Từ khi dịch bệnh được kiểm soát tới nay mỗi tháng tôi cũng chỉ còn nhận được 5 - 6 triệu đồng. Thấy tình hình không khả quan nên tôi quyết định rao bán với mức giá 1,5 tỷ đồng, lỗ 400 triệu đồng”, anh Phương nói.
Mặc dù rao bán suốt 4 tháng nay, song căn condotel của anh Phương vẫn chưa tìm được chủ mới.
Một căn condotel có diện tích 31m2, được giới thiệu view biển đẹp nhất tại Nha Trang (Khánh Hòa) đang được rao bán với mức giá 1,3 tỷ đồng, tương đương gần 42 triệu đồng/m2. Người bán cho biết, với mức giá này chủ sở hữu đã chấp nhận cắt lỗ 350 triệu đồng so với lúc mua.
“Thời điểm trước dịch, giá thuê căn condotel này mỗi đêm là 1,5 triệu đồng, nhưng hiện nay giá thuê giảm còn khoảng 1 triệu đồng/đêm. Hiện khách du lịch chưa quá đông nên mỗi tháng sẽ thu về được 10 triệu đồng từ việc cho thuê, nếu du lịch đông đúc trở lại sẽ được trả nhiều hơn. Căn này có giá trị sử dụng đến 2055, như vậy nếu anh mua sẽ còn 32 năm để kinh doanh. Mỗi năm chủ sở hữu sẽ được hưởng 15 đêm nghỉ dưỡng miễn phí”, người bán nói với chúng tôi.
Theo anh Nguyễn Quang, chủ một đơn vị mua bán bất động sản tại Khánh Hòa, hiện nay trong giỏ hàng của anh có khoảng gần 30 căn condotel từ 1 - 2 phòng ngủ đang được rao bán với mức giá từ 1,2 - 1,9 tỷ đồng.
“Hiện tại, lượng condotel đang gửi tại văn phòng tôi rao bán còn nhiều hơn khi dịch bệnh đang diễn ra. Đa phần các chủ sở hữu đã đều chấp nhận giảm giá từ 10 - 25% so với thời điểm mua. Tuy nhiên, loại hình bất động sản này hiện nay cũng khó tìm khách mua”, anh Quang nói.
Mặc dù các dự án condotel đủ điều kiện sẽ được cấp sổ đỏ, song thời gian gần đây việc rao bán lỗ loại hình bất động sản này vẫn đang được diễn ra rầm rộ. Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, do thời gian qua pháp lý của bất động sản nghỉ dưỡng bị trục trặc và còn nhiều vướng mắc. Do đó, khi nhà đầu tư bỏ vào phân khúc này họ cảm thấy không yên tâm và không còn mặn mà.
“Việc chuyển nhượng của loại hình condotel đang rất khó khăn vì chưa có pháp lý rõ ràng. Bên cạnh đó, từ khi Covid-19 xảy ra, ngành du lịch bị ảnh hưởng dẫn tới hiệu quả đầu tư thấp dẫn tới việc niềm tin của nhà đầu tư vào phân khúc này xuống thấp. Đồng thời, bất động sản du lịch không phải sản phẩm thiết yếu như nhà ở, căn hộ chung cư trong khi thị trường đang diễn biến trầm lắng. Do đó, việc thanh khoản của các sản phẩm này rất khó khăn hơn”, ông Đính nói.
Song, ông Đính cho biết, hiện Chính phủ đang định hướng kinh tế du lịch là ngành mũi nhọn chiếm 60 - 70% GDP của nền kinh tế. Theo đó, về tương lai bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có nhiều cơ hội để phát triển.
Chủ tịch VARS cho rằng, để thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sớm hồi phục, sau khi có Nghị định 10, Chính phủ cần có chỉ đạo để các địa phương khẩn trương cùng với chủ đầu tư triển khai quy định mới vào thực tế.
Trong quá trình thực tế cấp sổ đỏ cho các sản phẩm này cần linh hoạt, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính để sớm có đủ tính pháp lý, giúp đưa vào thị trường lưu thông, tạo thanh khoản cho nền kinh tế, giúp giảm nợ xấu.
Thực tế, sau giai đoạn 2016 - 2018 thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phát triển nóng, loại hình này đã rơi vào trầm lắng suốt một thời gian dài. Theo báo cáo mới nhất của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong quý I/2023 có 20 dự án du lịch nghỉ dưỡng mở bán giai đoạn mới, đưa ra thị trường 826 sản phẩm, chủ yếu đến từ các dự án tại Phú Quốc.
VARS cho biết, trong quý vừa qua, nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm trước, sản phẩm căn hộ du lịch gần như vắng bóng trên thị trường. Hàng loạt dự án đóng giỏ hàng, rời hoạt động mở bán và đưa vào khai thác theo kế hoạch để chờ đợi, quan sát thêm trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn. Theo đó, lượng thanh khoản trên thị trường ở mức rất thấp, hấp thủ chỉ đạt khoảng 7%, tương đương 58 sản phẩm.