VnFinance
Thứ tư, 16/11/2022, 11:55 AM

Ngân hàng và doanh nghiệp ồ ạt huy động vốn từ thị trường quốc tế để giải quyết cơn khát vốn

Để giải quyết khó khăn về dòng tiền, ngân hàng và doanh nghiệp dồn dập huy động vốn từ thị trường quốc tế trong bối cảnh nguồn vốn trong nước khan hiếm, đắt đỏ.

Thời gian gần đây, huy động vốn từ thị trường quốc tế của các ngân hàng và doanh nghiệp có xu hướng tăng trong bối cảnh nguồn vốn trong nước khan hiếm, đắt đỏ. Do đó, việc doanh nghiệp, ngân hàng đa dạng hóa kênh huy động vốn là cách tốt nhất để giải quyết khó khăn về dòng tiền.

Cụ thể tại ngân hàng VIB vừa hoàn tất rút vốn khoản vay trị giá 150 triệu USD, tương đương 3.700 tỷ đồng từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Khoản vay 150 triệu USD từ IFC có kỳ hạn 5 năm nhằm hỗ trợ VIB đẩy mạnh danh mục cho vay khách hàng cá nhân có nhu cầu mua, xây dựng, sửa chữa nhà để ở. Trong đó, Ngân hàng VIB sẽ dành 1.100 tỷ đồng để tài trợ cho các khoản mua nhà có giá trị dưới 870 triệu đồng. Được biết, IFC đã cung cấp cho VIB nhiều gói tín dụng trực tiếp trung và dài hạn cùng nhiều khoản tín dụng hợp vốn trị giá hàng trăm triệu USD.

VIB-vay-von-nuoc-ngoai

Mới đây nhất, ngân hàng VPBank huy động thành công thêm 500 triệu USD từ thị trường quốc tế.

Theo đó, ngày 11/11, VPBank đã ký kết thành công thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD, tương đương gần 12,5 nghìn tỷ đồng từ 5 định chế tài chính lớn bao gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd. – thành viên của Tập đoàn Ngân hàng đầu tư Maybank.

“Các nguồn vốn này sẽ giúp VPBank thúc đẩy các chương trình tín dụng cho nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vệ sinh, giao thông và xây dựng nhà ở xã hội, cho phép các doanh nghiệp này tiếp cận với nguồn vốn chi phí tương đối thấp để phát triển”, CEO VPBank Nguyễn Đức Vinh cho biết.

Ngoài nguồn vốn nói trên, thông qua quan hệ đối tác trong Sáng kiến Tài chính Doanh nhân Nữ (We-Fi), ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ VPBank để giúp nâng cao năng lực tiếp cận tài chính cho nhóm khách hàng nữ. Đặc biệt, khoản tài trợ 750.000 USD dựa trên kết quả hoạt động thực tế sẽ được We-Fi tài trợ cho VPBank để mở rộng dịch vụ cho nhóm khách hàng nữ và thực hiện một nghiên cứu thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên đầu tiên ở Việt Nam về tài chính toàn diện cho các SME do phụ nữ làm chủ.

Ngoài ngân hàng, các doanh nghiệp khác cũng đang dồn dập huy động vốn từ thị trường quốc tế.

masan-huy-dong-von-tu-quoc-te

Đơn cử như Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Masan) và Công ty TNHH The Sherpa (công ty con trực thuộc Masan) cũng vừa nhận được một khoản vay hợp vốn có thời hạn trị giá 600 triệu USD. Đây là khoản vay hợp vốn lớn nhất với kỳ hạn dài nhất Masan từng huy động, thu hút 37 bên cho vay trong quá trình huy động vốn.

Khoản vay nhằm phục vụ cho mục đích đầu tư phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ các mục tiêu chiến lược dài hạn của Masan và các mục đích chung của công ty.

Trước đó, Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 (F88) huy động thành công khoản vay có đảm bảo trị giá 50 triệu USD (tương đương 1.200 tỷ đồng) từ Quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) thông qua Lending Ark Asia Secured Private Debt Funds; 10 triệu USD (tương đương 240 tỷ đồng) từ Lendable. Đây là khoản đầu tư đầu tiên của CLSA và Lending Ark vào F88.

Đồng thời, F88 là doanh nghiệp hiếm hoi tại Việt Nam huy động thành công hạn mức tối đa 50 triệu USD từ quỹ tài chính này. Với khoản vốn huy động được, F88 sẽ phát triển mạng lưới và tăng trưởng quy mô kinh doanh.

F88-huy-dong-von-tu-quoc-te

Cuối tháng 10/2022, Tập đoàn Lộc Trời tiếp cận thành công gói tín dụng 100 triệu USD do ngân hàng MB và 6 ngân hàng quốc tế cho vay hợp vốn để mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao.

Thực tế, trước đây các doanh nghiệp và ngân hàng muốn huy động vốn từ thị trường quốc tế do muốn tận dụng mặt bằng lãi suất thấp trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay huy động vốn quốc tế, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rủi ro tỷ giá, như năm nay tỷ giá biến động tới 8%.

Bên cạnh đó, nguồn vốn quốc tế hiện nay thực sự không còn rẻ. Chẳng hạn, lãi suất Chính phủ Mỹ đã lên tới 4%/năm, thì lãi suất cho vay của các định chế tài chính quốc tế với doanh nghiệp Việt Nam phải dao động khoảng 8-9%/năm.


VnFinance
VnFinance
VnFinance
VnFinance
VnFinance
VnFinance