Thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ
Theo số liệu thống kê của cơ quan thuế, số thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) đã tăng trưởng mạnh mẽ trong các năm gần đây. Số thuế đã nộp tăng từ 83 nghìn tỷ đồng năm 2022, 97 nghìn tỷ đồng năm 2023 và 05 tháng đầu năm 2024 là trên 50 nghìn tỷ đồng.
Thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý tăng cao
Theo Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, tổng số thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý 6 tháng đầu năm đạt 865.350 tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Trong đó: Thu nội địa đạt 835.658 tỷ đồng, bằng 58% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Thu thuế, phí đạt 655.303 tỷ đồng, bằng 60,4% dự toán, tăng 12,1% so với cùng kỳ. Kết quả thu tích cực có đóng góp không nhỏ của việc ngành Thuế đã chủ động, tích cực triển khai Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc kết nối, chía sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử.
Số thu cơ quan thuế quản lý 6 tháng đầu năm đạt khá cả về tiến độ và tốc độ tăng thu. Có 12/21 khoản thu, sắc thuế đạt khá so với dự toán (như: Thuế TNDN đạt 68,9% dự toán, tăng 13,9% so với cùng kỳ; thuế TNCN đạt 61,9%, tăng 14,1% so với cùng kỳ; Thuế GTGT tăng 18,6%; tiền thuê đất đạt 79,3%; Thuế BVMT tăng 15,5%;...). Có 32/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt khá , 54/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ. Chỉ có 9 địa phương giảm thu so với cùng kỳ (Bình Thuận, Kon Tum, Trà Vinh, Quảng Ninh, Quảng Nam, Kiến Giang, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu).
Đạt được kết quả nêu trên, cùng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, cơ quan thuế các cấp đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, cụ thể như: Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp với khoảng 38.326 tỷ đồng; giải quyết hoàn thuế GTGT trên 63.200 tỷ đồng; thực hiện 24.076 cuộc thanh tra, kiểm tra với tổng số tiền kiến nghị xử lý khoảng 21.526 tỷ đồng; thu nợ được 45.468 tỷ đồng; mở rộng hóa đơn điện tử với số lượng hóa đơn đã tiếp nhận và xử lý đến hết tháng 6/2024 là gần 8,8 tỷ hóa đơn; Triển khai áp dụng HĐĐT xăng dầu trên toàn quốc, mở rộng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác quản lý thuế đối hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số.
Đặc biệt nổi bật trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Công an và các Bộ/ngành triển khai các nhiệm vụ theo Đề án 06 của Chính phủ về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử và triển khai hiệu quả Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, qua đó đã mang lại hiệu quả rất lớn trong công tác quản lý thuế.
100% doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã phát hành hóa đơn điện tử
Liên quan đến các giải pháp tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, Tổng cục Thuế cho biết, hiện nay, Tổng cục Thuế đã ban hành 08 công văn chỉ đạo các Cục Thuế tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thúc đẩy triển khai phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Kết quả đến ngày 30/6/2024, 100% doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.
Đồng thời, cơ quan thuế các cấp đã tham mưu cho UBND trong việc hỗ trợ các cơ sở kinh doanh chuyển đổi sang áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; rà soát danh sách và xác định các đối tượng triển khai. Kết quả đến ngày 30/6/2024, hệ thống của cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý 577,6 triệu hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Ngành Thuế đã xây dựng và tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số để áp dụng quản lý rủi ro trên cơ sở dữ liệu lớn. Tổng cục Thuế cũng đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Ngân hàng thương mại thu thập thông tin về 929 sàn giao dịch TMĐT; 284 ứng dụng bán hàng trên mạng; 144 triệu tài khoản thanh toán của tổ chức, cá nhân; 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh, truyền hình, làm giàu cơ sở dữ liệu về thuế. Có thể thấy, việc tổng hợp dữ liệu từ các Sàn TMĐT, từ nguồn thông tin qua thanh tra, kiểm tra và việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về TMĐT với các đơn vị, Bộ, ngành đã giúp làm giàu cơ sở dữ liệu về hoạt động và mô hình kinh doanh TMĐT. Đây là cơ sở để cơ quan thuế từng bước quản lý toàn diện đối với hoạt động TMĐT của ngành Thuế.
Bên cạnh đó, mâng cao nhận thức, hành động của các Bộ, ngành trong việc chung tay thực hiện công tác quản lý đối với hoạt động TMĐT, góp phần tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế nâng cao ý thức tuân thủ, tự giác kê khai. Kết quả đã có nhiều cá nhân kinh doanh TMĐT tự giác đăng ký, khai và nộp thuế. Theo số liệu thống kê của cơ quan thuế, số thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT đã tăng trưởng mạnh mẽ trong các năm gần đây. Số thuế đã nộp tăng từ 83 nghìn tỷ đồng năm 2022, 97 nghìn tỷ đồng năm 2023 và 05 tháng đầu năm 2024 là trên 50 nghìn tỷ đồng.
TIN LIÊN QUAN
-
Vốn hóa Amazon lần đầu vượt mốc 2.000 tỷ USD, tài sản tỷ phú Jeff Bezos tăng hơn 7 tỷ đồng
-
Đề nghị đánh thuế VAT hàng nhập giá trị nhỏ qua sàn thương mại điện tử
-
Hoàn thiện pháp luật liên quan đến thương mại điện tử
-
Sàn thương mại điện tử phải nộp thuế thay người kinh doanh?
-
Bộ Công an chỉ cách nhận biết, phòng tránh lừa đảo đầu tư sàn chứng khoán ảo
-
Giá lăn bánh Toyota Fortuner giữa tháng 7/2024 cực hấp dẫn, hạ gục Ford Everest và Hyundai Santa Fe