VnFinance
Thứ năm, 11/02/2021, 17:08 PM

Vi phạm phòng chống dịch phải bồi thường thiệt hại?

Đây là một trong những kiến nghị của LS Trương Xuân Tám nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

LS Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Hãng luật Tường Trương Xuân Tám gửi tới Đất Việt bài viết "Một số khuyến nghị sửa đổi, bổ sung các bất cập trong pháp luật hiện hành của Việt Nam, nhằm xử lý hiệu quả hơn hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh có thể có trong tương lai".

Dưới đây là nội dung bài viết của LS Trương Xuân Tám:

Năm 2020 đã qua đi và nếu phải chọn ra một vấn đề nổi bật nhất trong năm 2020 của toàn thế giới thì chắc chắn đó phải là Đại dịch Covid-19. Khởi phát từ thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc vào cuối năm 2019, chỉ sau vài tháng, dịch bệnh do chủng mới của virus nCoV đã lây lan nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu tạo thành một đại dịch lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Các con số thống kê về số người nhiễm bệnh, số người tử vong vì Covid-19 đã nhanh chóng vượt xa đại dịch SARS xảy ra vào những năm 2003, 2004. Điều này cho thấy sức nguy hiểm khôn lường của dịch bệnh này.

Tính đến hết ngày 31/12/2020, toàn thế giới đã có hơn 83,8 triệu người nhiễm bệnh, trong số đó đã có hơn 1,8 triệu người chết, riêng tại Việt Nam đã có 1.465 người mắc Covid-19; số ca tử vong liên quan đến Covid-19 là 35 ca. Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Để phòng, chống sự lây lan cũng như thiệt hại mà dịch bệnh Covid-19 gây ra, Nhà nước ta đã có nhiều biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt đối phó với dịch bệnh, trong đó không thể thiếu việc áp dụng và điều chỉnh các quy định pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, các quy định pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vẫn còn một số điểm còn hạn chế, cần được bổ sung hoàn thiện hơn để có cơ sở ứng phó tốt nhất với dịch bệnh Covid-19 cũng như các dịch bệnh tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

I. Tổng quan về các quy định của pháp luật Việt Nam để phòng, chống dịch bệnh Covid-19

1.1.Các quy định pháp luật đã được ban hành trước thời điểm khởi phát dịch bệnh Covid-19

Trước khi dịch bệnh Covid-19 khởi phát, pháp luật Việt Nam cũng đã có các quy định để phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm. Đầu tiên phải kể đến quy định tại Hiến pháp, theo đó, Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh” .

Khi đại dịch SARS xảy ra vào những năm 2003, 2004, Việt Nam chưa có văn bản quy phạm pháp luật cụ thể nào quy định về việc phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, do đó, các địa phương đã gặp nhiều khó khăn trong việc phòng, chống dịch bệnh, đến năm 2007, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm được ban hành, trong đó có quy định về bệnh truyền nhiễm, các biện pháp và điều kiện để phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Dịch bệnh Covid-19 do chủng mới của virus nCoV (có tên gọi khác là virus SARS-CoV-2) gây ra, lây nhiễm ở người qua đường tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp (qua các vật dụng hoặc bề mặt bị nhiễm mầm bệnh), hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh qua dịch tiết từ miệng và mũi, người tiếp xúc gần với người đã nhiễm bệnh có thể mắc bệnh khi các giọt bắn nhiễm bệnh này thâm nhập vào miệng, mũi hoặc mắt của người tiếp xúc. Do đó, có thể xác định dịch bệnh Covid-19 là một loại bệnh truyền nhiễm, từ đó áp dụng các quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm còn có các văn bản hướng dẫn thi hành như: Nghị định số 101/2010/NĐ-CP, Nghị định số 103/2010/NĐ-CP, Nghị định số 176/2013,/NĐ-CP Nghị định số 89/2018/NĐ-CP,…  

Pháp luật hình sự Việt Nam cũng đã có các quy định về tội phạm làm lây lan bệnh truyền nhiễm, cụ thể là quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, trước đó thì Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 cũng đã có quy định về tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” (Điều 186).

Có thể nhận thấy, pháp luật Việt Nam đã sớm có các quy định pháp luật để phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm, các dịch bệnh nguy hiểm với sức khỏe cộng đồng.

LS Trương Xuân Tám

1.2. Sự điều chỉnh của pháp luật để phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cũng như những ý kiến góp ý về việc điều chỉnh các quy định pháp luật nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, pháp luật Việt Nam đã có những văn bản quy phạm pháp luật, những quy định mới để phù hợp với tình hình thực tế. Có thể kể đến việc ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP  quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thay thế cho Nghị định số 176/2010/NĐ-CP, các chỉ thị, thông báo về việc tạm ngừng các hoạt đông vui chơi, giải trí không thiết yếu tập trung đông người để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong xã hội,....

Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Tuy nhiên, vì đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên việc áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều mà tác giả sẽ phân tích ở phần sau của bài viết này.

Pháp luật Việt Nam đã có các quy định mới quyết liệt hơn trong việc xử phạt đối với các cá nhân, cơ quan, tổ chức vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh, cụ thể, ngày 28/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thay thế cho Nghị định số 176/2010/NĐ-CP. Nghị định số 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2020 đã tăng mức xử phạt đôi với các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh, qua đó, Nghị định này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống dịch bệnh cho cộng đồng xã hội.

Trước những thay đổi của đời sống xã hội mà dịch bệnh Covid-19 tạo ra, pháp luật Việt Nam cũng đã có sự điều chỉnh, đã có những quy định pháp luật mới, những quy định bổ sung, thay thế để phù hợp hơn với tình hình thực tế. Tất cả đều hướng đến mục tiêu phòng, chống dịch bệnh một cách hiệu quả nhất.

II. Đánh giá các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung

2.1. Đánh giá các quy định pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19

2.1.1. Các quy định pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao hiệu quả của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Năm 2020, nền kinh tế - xã hội của rất nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí rơi vào tình trạng khủng hoảng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn có được mức tăng trưởng GDP là 2,91%. Trong năm 2020, chúng ta đã nhiều lần khống chế thành công các ổ dịch lớn, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Nếu như ban đầu, một số quốc gia trên thế giới vẫn đánh giá thấp sự nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, không kịp thời có biện pháp ứng phó dẫn tới việc không thể kiểm soát tình hình dịch bệnh thì ngay khi có thông tin về dịch bệnh “viêm phổi” lây lan nhanh chóng tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) cũng như khi bắt đầu xuất hiện các ca bệnh đầu tiên tại Việt Nam, chính quyền Việt Nam đã xác định đây là một dịch bệnh nguy hiểm, từ đó đã đưa ra các biện pháp ứng phó, trong đó có việc áp dụng các quy định pháp luật vào phòng, chống dịch bệnh.

Nhằm phòng, chống dịch bệnh, song song với công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người nhân thì chính quyền nhiều địa phương đã quyết liệt trong việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân không tuân thủ quy định về phòng, chống dịch bệnh theo quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP như không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, vi phạm quy định về cách ly, tụ tập đông người không bảo đảm công tác phòng, chống dịch bênh,…

Không chỉ xử phạt vi phạm hành chính với các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mà các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã khởi tố hình sự nhiều vụ án liên quan đến việc làm lây lan dịch bệnh Covid-19, có thể kể đến các vụ việc tiêu biểu như việc Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM khởi tố vụ án hình sự “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” tại TP.HCM vào cuối tháng 11, đầu tháng 12/2020 liên quan đến Bệnh nhân số 1342 (nam tiếp viên một hãng hàng không) vi phạm quy định về cách ly làm lây lan bệnh cho nhiều người; cuối tháng 12/2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang khởi tố vụ án “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép” xảy ra tại huyện An Phú, tỉnh An Giang liên quan đến bệnh nhân 1440 nhiễm Covid-19 nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam, cùng liên quan đến vụ việc này Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long đã khởi tố vụ án hình sự "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người",… Điều này cho thấy sự chủ động, quyết liệt trong việc áp dụng các quy định pháp luật hình sự vào công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với đó, Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản chỉ đạo Tòa án các cấp sớm đưa ra xét xử các vụ án liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật hình sự về phòng, chống dịch bệnh hay chống người thi hành công vụ trong công tác phòng, chống dịch bệnh đã bị xử lý nghiêm. Việc xử lý các cá nhân vi phạm cũng được thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, báo chí, từ đó góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đến tháng 11/2020, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh lên nhiều lần so với mức phạt của cùng hành vi theo Nghị định số 176/2010/NĐ-CP. Dẫn chứng cụ thể nhất để thấy rõ điều này chính là việc mức phạt tiền đối với hành vi không đeo khẩu trang ở nơi công cộng để phòng, chống dịch bệnh theo Nghị định số 176/2020/NĐ-CP chỉ là 100.000 - 300.000 đồng  nhưng đến Nghị định số 117/2020/NĐ-CP mức phạt đối với hành vi này đã tăng lên 1.000.000 đồng – 3.000.000 đồng, tức là tăng gấp 10 lần. Việc tăng mức xử phạt lên nhiều lần so với trước đây đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ sức khoẻ, phòng ngừa dịch bệnh của người dân.

Có thể khẳng định, các quy định pháp luật đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các quy định pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã được phổ biến đến đông đảo cộng đồng xã hội, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về sự nguy hiểm của dịch bệnh cũng như trách nhiệm trong việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

2.1.2. Một số điểm còn tồn tại, hạn chế trong các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Bên cạnh việc góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh thì vẫn còn một số điểm tồn tại, hạn chế trong các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cụ thể:

(i) Các quy định pháp luật vẫn chưa lường hết được tính nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19. Chúng ta đều biết, Covid-19 là dịch bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan cực kỳ nhanh mà từ trước đến nay nền y tế toàn cầu chưa từng phải đối mặt, nguy cơ lây lan rộng rãi trong cộng đồng xã hội là rất lớn nếu không phát hiện nguồn lây bệnh kịp thời, nguy cơ tử vong tương đối cao. Trong khi đó, các quy định pháp luật Việt Nam lại chủ yếu là các quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm nói chung, nên phần nào đó có thể xem các quy định pháp luật Việt Nam chưa lường hết được mức độ nguy hiểm của Covid-19.

(ii) Việc điều chỉnh các quy định pháp luật nhằm ứng phó một cách tốt nhất với dịch bệnh Covid-19 còn tương đối chậm. Điển hình như việc đến tháng 9/2020, Nghị định 117/2020/NĐ-CP tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh mới được ban hành, tức là phải hơn 07 tháng kể từ ngày Việt Nam phát hiện ca bệnh đầu tiên, một văn bản quy phạm pháp luật nhằm mục tiêu nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống dịch bệnh cho người dân mới được ban hành. Vẫn biết để xây dựng, hoàn thiện một văn bản quy phạm pháp luật mất khá nhiều thời gian nhưng sự chậm trễ này cũng ảnh hưởng phần nào đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

(iii) Các văn bản về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phần lớn là chỉ thị, thông báo, đây lại không phải là văn bản quy phạm pháp luật, do đó, việc áp dụng trên thực tế gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ cũng như các văn bản về cách lý xã hội, giãn cách xã hội tại nhiều địa phương đều không phải là văn bản quy phạm pháp luật, được sử dụng để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thông qua biện pháp hạn chế việc đi lại, việc tập trung đông người, điều này chưa thực sự hợp lý khi quyền tự do đi lại là quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp, việc áp dụng các văn bản như chỉ thị, thông báo để hạn chế quyền công dân là chưa phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật.

Bên cạnh đó, còn nhiều điểm chưa cụ thể giữa thuật ngữ “cách ly xã hội” hay “giãn cách xã hội”. Theo từ điển Tiếng Việt thì “cách ly” là động từ chỉ hành động không để cho người hoặc vật tiếp xúc với những người hoặc vật khác, nhằm ngừa trước điều gì (thường là nhằm tránh lây bệnh), trong khi đó biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 chính là yêu cầu mọi người tránh tiếp xúc gần với nhau, hạn chế nguy cơ lây lan bệnh. Việc chưa có định nghĩa cụ thể giữa “cách ly xã hội” và “giãn cách xã hội” đã gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn tới chưa có sự thống nhất trong việc áp dụng trên thực tế.

(iv) Quy định về “tình trạng khẩn cấp” trong các văn bản quy phạm pháp luật để có thể áp dụng khi đất nước rơi vào trạng thái khẩn cấp còn một số điểm còn chồng chéo.

“Tình trạng khẩn cấp” được đề cập đến trong Hiến pháp và được quy định chi tiết tại Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp năm 2000, Nghị định số 71/2002/NĐ-CP. Trong Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp năm 2000 và Nghị định số 71/2002/NĐ-CP sử dụng các khái niệm “biện pháp đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh nguy hiểm”, “đội công tác chống dịch khẩn cấp”, “đội cấp cứu lưu động”.

Trong khi đó, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và Nghị định số 101/2010/NĐ-CP lại sử dụng các khái niệm “các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch”, “đội chống dịch cơ động”.

Bên cạnh đó, các quy định về các biện pháp trong tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh giữa Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp năm 2000, Nghị định số 71/2002/NĐ-CP và Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng có nhiều điểm mâu thuẫn. Nếu Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định một số biện pháp như: tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh (Điều 48); tổ chức cách ly y tế (Điều 49); hạn chế ra vào vùng có dịch (điểm a khoản 1 Điều 53) là những biện pháp chống dịch thông thường (được phép áp dụng khi có dịch mà không cần phải ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch) thì theo các điều 21, 22, và 24 Nghị định số 71/2002/NĐ-CP, đây lại là các “biện pháp đặc biệt” được áp dụng trong “tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh nguy hiểm”. Những sự chồng chéo, mâu thuẫn này sẽ gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật.

(v) Mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam vẫn còn tương đối thấp. Nghị định số 117/2020/NĐ-CP đã tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh lên nhiều lần, nhưng mức xử phạt này vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với các quốc gia khác trên thế giới. Một bộ phận người dân vẫn phớt lờ các quy định về phòng, chống dịch bệnh do mức xử phạt chưa đủ sức răn đe đối với họ.

(vi) Từ trước khi dịch bệnh Covid-19 khởi phát đến hết năm 2020, chưa có vụ án hình sự nào về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” bị truy tố, xét xử. Điều này cho thấy mặc dù pháp luật hình sự đã có quy định về tội pháp làm lây lan bệnh truyền nhiễm nhưng việc xử lý trách nhiệm hình sự trên thực tế còn chưa thật sự triệt để, do đó một bộ phận người dân vẫn sẽ có tâm lý xem nhẹ quy định pháp luật.

(vii) Việc Tòa án nhân dân tối cao ban hành văn bản chỉ đạo sớm đưa ra xét xử các vụ án liên quan đến dịch bệnh Covid-19 nhưng chưa có sự phối hợp, thống nhất với Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao sẽ gây khó khăn cho quá trình thực hiện trên thực tế. Để đưa ra xét xử được một vụ án, đặc biệt là vụ án hình sự sẽ cần sự phối hợp của nhiều cơ quan tiến hành tố tụng, do đó, khi chưa có văn bản liên ngành quy định về việc đẩy mạnh giải quyết các vụ án về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì việc Tòa án nhân dân tối cao ban hành văn bản có nội dung chỉ đạo như trên sẽ gây khó khăn cho các Tòa án địa phương khi thực hiện.

(viii) Các quy định pháp luật Việt Nam và thực tiễn áp dụng quy định pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa đặt ra trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống dịch bệnh gây ra thiệt hại cho người khác, cho cộng đồng xã hội. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có quy định về việc người phạm tội phải bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra, hay Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 cũng quy định  người vi phạm hành chính nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường, tuy nhiên, thực tiễn chưa ghi nhận trường hợp nào mà cá nhân, tổ chức vi phạm về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phải bồi thường thiệt hại cho hành vi vi phạm đã gây ra. Đây cũng là một điểm còn hạn chế của quy định pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng quy định pháp luật trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

(ix) Dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhiều giao dịch đã bị ảnh hưởng, thậm chí là không thể thực hiện được do dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định nào hướng dẫn về trường hợp nào được xác định là sự kiện bất khả kháng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Điều này sẽ gây khó khăn cho các chủ thể trong quá trình thực hiện giao dịch cũng như việc giải quyết tranh chấp của Tòa án, Trọng tài.

Những ngày qua, nhiều địa điểm ở TP.HCM liên quan đến bệnh nhân Covid-19 bị phong tỏa. Ảnh: Lao động

2.2. Một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Qua các phân tích trên, có thể thấy pháp luật Việt Nam về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay vẫn còn một số điểm tồn tại, hạn chế. Điều này ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy, tác giả xin được đưa ra một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung để góp phần hoàn thiện pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sau:

(i) Cần có văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống các dịch bệnh có tốc độ lây nhiễm cao, nguy hiểm với sức khoẻ cộng đồng xã hội, dự liệu mang tính bao quát, tạo cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa các dịch bệnh nguy hiểm như dịch bệnh Covid-19. Từ đó, chính quyền các cấp sẽ có cơ sở để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

(ii) Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng, Nhà nước có thể xem xét về việc ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh nguy hiểm và áp dụng các biện pháp đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp theo quy định tại Hiến pháp năm 2013, Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp năm 2000, Nghị định số 71/2002/NĐ-CP. Cần xây dựng thống nhất các quy định về tình trạng khẩn cấp trong các văn bản quy phạm pháp luật, tránh những điểm mâu thuẫn, chồng chéo giữa Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp năm 2000, Nghị định số 71/2002/NĐ-CP và Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm như đã đề cập.

(iii) Việc ban hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm cần được thể hiện bằng các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật này có thể được xây dựng, ban hành theo trình tự rút gọn do tình trạng khẩn cấp, các văn bản quy phạm pháp luật này có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, đáp ứng yêu cầu cấp thiết để đối phó với dịch bệnh nguy hiểm, việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ giúp Nhà nước huy động được tối đa nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, các cơ quan hành chính nhà nước mà cao nhất là Chính phủ cũng như chính quyền địa phương các cấp cần chủ động trong việc xây dựng, ban hành các văn bản, quy định pháp luật về phòng, chống dịch bệnh.

(iv) Cần xem xét tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh, song song với đó, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật đến cộng đồng xã hội, từ đó nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

(v) Cần sớm xử lý trách nhiệm hình sự đối với các hành vi đủ yếu tố cấu thành tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Việc này không chỉ đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật mà thông qua việc xử lý trách nhiệm hình sự này cũng góp phần thực hiện mục đích giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật.

(vi) Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành Thông tư liên tịch về việc phối hợp giải quyết các vụ án liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đây sẽ là cơ sở pháp lý cụ thể để các Cơ quan tiến hành tố tụng địa phương áp dụng trên thực tế, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình giải quyết các vụ án thực tiễn.

(vii) Xem xét áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh. Một hành vi vi phạm quy định về cách ly của một cá nhân cũng có thể gây ra thiệt hại rất lớn, đó có thể là thiệt hại vi chi phí khoanh vùng cách ly tập trung cả một khu phố, một khu chung cư, thiệt hại của những người không may bị ảnh hưởng bởi hành vi vi phạm đó, thiệt hại về chi phí kiểm tra sức khoẻ, điều trị cho những người liên quan,…

Rõ ràng, các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh sẽ gây ra thiệt hại khôn lường cho cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, việc áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm là rất cần thiết, tất nhiên sẽ rất khó để buộc một cá nhân, tổ chức phải bồi thường cho toàn bộ thiệt hại mà mình gây ra vì thiệt hại đó có thể sẽ rất lớn, vượt quá khả năng của người vi phạm, nên cần xem xét, áp dụng một mức bồi thường thiệt hại phù hợp, vừa đủ sức răn đe người vi phạm, nâng cao ý thức của cộng đồng xã hội, vừa tạo điều kiện để người vi phạm thực hiện được trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mình.

(viii) Cần có quy định pháp luật về các trường hợp được xác định là sự kiện bất khả kháng do dịch bệnh Covid-19. Với những trường hợp không thể thực hiện được giao dịch do bị bệnh Covid-19, do phải cách ly y tế, do các quy định về cách lý xã hội thì cần xác định đây là sự kiện bất khả kháng, nhưng với các trường hợp mà dịch bệnh Covid-19 không phải là nguyên nhân chính khiến giao dịch không được thực hiện thì không thể xác định đây là sự kiện bất khả kháng. Việc ban hành quy định pháp luật xác định sự kiện bất khả kháng do dịch bệnh Covid-19 sẽ tạo cơ sở pháp lý cụ thể để các chủ thể tham gia giao dịch có thể áp dụng và cũng là căn cứ để Tòa án, Trọng tài giải quyết các tranh chấp phát sinh trên thực tế.

C. Kết luận

Các quy định pháp luật Việt Nam đóng vai trò quan trọng mang lại hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, song song với đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Việc hoàn thiện quy định pháp luật về phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng như các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc để chính quyền các cấp chủ động hơn trong việc ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm, đồng thời nâng cao được ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật về phòng, chống dịch bệnh, tất cả đều hướng tới mục tiêu chung là đẩy lùi thành công dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, duy trì sự ổn định và phát triển kinh tế, xã hội.

  • LS Trương Xuân Tám


Lạm phát được dự báo sẽ tăng nhẹ lên 3,5% vào năm 2024
Lạm phát được dự báo sẽ tăng nhẹ lên 3,5% vào năm 2024
25/04/2024 Tin nóng

Ngân hàng Thế giới dự báo, lạm phát sẽ tăng nhẹ từ mức bình quân 3,2% năm 2023 lên 3,5% vào năm 2024. Trong khi đó, lạm phát CPI sẽ chững lại còn 3%...

Chuyển đổi số là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Chuyển đổi số là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
25/04/2024 Tin nóng

Ngày 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, trọng tâm là phát triển kinh tế số.

Dự án nào được ký kết hợp đồng BOO?
Dự án nào được ký kết hợp đồng BOO?
24/04/2024 Tin nóng

Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), gồm hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (BOO) phải thuộc lĩnh vực, quy mô và đáp ứng điều kiện...

Sẽ trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm
Sẽ trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm
22/04/2024 Tin nóng

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc triển khai các văn bản quy định...

Nắng nóng có nơi trên 41 độ C
Nắng nóng có nơi trên 41 độ C
22/04/2024 Tin nóng

Nắng nóng gay gắt đang diễn ra ở miền Trung khi Tương Dương (Nghệ An) 41.3 độ, Hương Sơn (Hà Tĩnh) 40.5 độ, Đồng Hới (Quảng Bình) 39.8 độ, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 40.9 độ…

Thủ tướng chỉ thị các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Thủ tướng chỉ thị các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
22/04/2024 Tin nóng

Ngày 21/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 12/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hủy đấu thầu vàng sáng 22/4 do không đủ số lượng thành viên đăng ký
Hủy đấu thầu vàng sáng 22/4 do không đủ số lượng thành viên đăng ký
22/04/2024 Tin nóng

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định, nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hủy đấu thầu bán vàng miếng vàng...

Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh quý I/2024 phát triển tích cực
Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh quý I/2024 phát triển tích cực
19/04/2024 Tin nóng

Quý I/2024, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu hồi phục và phát triển tích cực khi GRDP tăng 6,54% so với cùng kỳ.

Ngân hàng Nhà nước đề nghị các bộ hỗ trợ đấu thầu vàng miếng
Ngân hàng Nhà nước đề nghị các bộ hỗ trợ đấu thầu vàng miếng
16/04/2024 Tin nóng

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có các văn bản gửi các bộ gồm Bộ Bộ Tài chính, Công an và Bộ Công Thương đề nghị phối hợp tăng cường...

Cuộc xung đột Iran - Israel làm đảo lộn dự tính về giá dầu của OPEC+
Cuộc xung đột Iran - Israel làm đảo lộn dự tính về giá dầu của OPEC+

Tình hình địa chính trị của Trung Đông, mới đây nhất là cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel, đang làm xáo trộn các yếu tố cần thiết để OPEC+ thiết lập một mức giá dầu hoàn hảo - không quá cao và cũng không quá thấp - the

Vì sao cần phải có hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua bán vàng?
Vì sao cần phải có hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua bán vàng?
15/04/2024 Tin nóng

Các chuyên gia cho rằng, khi buộc tiệm vàng phải xuất hóa đơn điện tử như kinh doanh xăng dầu sẽ giúp minh bạch hóa thị trường vàng.

Căng thẳng Trung Đông tác động đến dự báo giá khí và dầu mỏ như thế nào?
Căng thẳng Trung Đông tác động đến dự báo giá khí và dầu mỏ như thế nào?
14/04/2024 Tin nóng

Giá dầu tăng, phản ánh mối lo ngại của thị trường về cuộc khủng hoảng Trung Đông đang leo thang, có khả năng liên quan đến Iran, một nhà khai thác dầu lớn của OPEC....

NHNN đã sẵn sàng các phương án can thiệp thị trường vàng
NHNN đã sẵn sàng các phương án can thiệp thị trường vàng
13/04/2024 Tin nóng

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án...

Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công đạt 30% trong quý II/2024
Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công đạt 30% trong quý II/2024
12/04/2024 Tin nóng

UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc đảm bảo toàn bộ dự án mới hoàn tất thủ tục quyết định đầu tư, phấn đấu giải ngân...

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững vàng trong bối cảnh bất ổn toàn cầu
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững vàng trong bối cảnh bất ổn toàn cầu
12/04/2024 Tin nóng

Ngày 11/4 tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo trước đó về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay bất chấp những bất ổn kéo dài...

Kinh tế Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 6,0%
Kinh tế Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 6,0%
11/04/2024 Tin nóng

Sáng 11/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức họp báo về tình hình kinh tế Việt Nam. Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO)...

Giá vé máy bay dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 cao chót vót, khách đổi hướng đi du lịch
Giá vé máy bay dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 cao chót vót, khách đổi hướng đi du lịch
10/04/2024 Tin nóng

Nhiều người đã phải "suy nghĩ lại" kế hoạch đi du lịch dịp lễ 30/4 - 1/5 do giá vé máy bay quá “đắt đỏ”.

Tổng thu NSNN thực hiện tháng 3 ước đạt 141,8 nghìn tỷ đồng
Tổng thu NSNN thực hiện tháng 3 ước đạt 141,8 nghìn tỷ đồng
09/04/2024 Tin nóng

Lũy kế thu ngân sách Nhà nước (NSNN) quý I/2024 ước đạt 539,5 nghìn tỷ đồng, bằng 31,7% dự toán, tăng 9,8% so cùng kỳ năm 2023 (ngân sách trung ương (NSTW)...

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2024 tăng hơn 5%
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2024 tăng hơn 5%
08/04/2024 Tin nóng

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2024 ước đạt 613,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2 % so với cùng kỳ năm trước.

VnFinance
VnFinance
VnFinance
VnFinance
VnFinance