Vốn ngoại đầu tư vào thị trường bất động sản tăng mạnh
Tính đến ngày 20/3/2024, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với hơn 1,58 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đăng ký, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ.
Số liệu trên được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tại Báo cáo Tính hình thu hút đầu tư nước ngoài 3 tháng đầu năm.
Đáng chú ý, nguồn vốn nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản tăng mạnh trong bối cảnh từ giữa năm 2023 trở lại đây ngành này đang phục hồi tốt, với diễn tiến tháng sau tăng trưởng cao hơn tháng trước.
Cụ thể, thống kê của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (Vars) cho thấy, từ đầu năm nay, có gần 100 sự kiện kickoff, giới thiệu, mở bán các dự án bất động sản - điều mà với 2023 là khá xa xỉ, hiếm hoi.
Ông Nguyễn Trọng Toàn, Quản lý Bộ phận Đầu tư, Savills Hà Nội nhận định, Việt Nam thể hiện sự ổn định không chỉ về tình hình chính trị mà còn trong bối cảnh vĩ mô, nơi kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, với mức lạm phát duy trì thấp và tỷ giá được Nhà nước kiểm soát ổn định hơn trong tương quan với các quốc gia khác trong khu vực.
Do vậy, với lĩnh vực đất động sản, Việt Nam vẫn duy trì là điểm đến đầu tư đáng chú ý của các nhà đầu tư và nhà phát triển bất động sản nước ngoài tại những vị trí và phân khúc có dư địa phát triển tốt.
Đơn cử, đối với phân khúc bất động sản nhà ở, nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư và có xu hướng phát triển các dự án mang thương hiệu riêng của mình trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và nhu cầu nhà ở của người dân cao.
“Lợi thế của các chủ đầu tư nước ngoài là về thương hiệu, ý tưởng thiết kế, cùng tiêu chuẩn và chất lượng xây dựng nên các sản phẩm phát triển dù ở phân khúc cao cấp vẫn luôn được thị trường đón nhận tích cực”, ông Toàn cho biết.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/3/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài vốn đầu tư điều chỉnh và GVMCP giảm thì vốn đầu tư đăng ký mới vẫn duy trì mức tăng so với cùng kỳ.
Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 3,93 tỷ USD, chiếm gần 63,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 1,58 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 224,8 triệu USD và gần 190,2 triệu USD.