Vụ án Vạn Thịnh Phát: Kế hoạch tinh vi và những con số khủng gây choáng
Cơ quan CSĐT Bộ Công an nhận định, hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm có dự mưu từ trước; được chuẩn bị, tổ chức thực hiện hết sức công phu, tỉ mỉ và có kịch bản; thao túng, lũng đoạn, bất chấp quy định pháp luật.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an mới đây đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 86 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Theo đó, Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị đề nghị truy tố cùng lúc 3 tội danh: đưa hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tham ô tài sản.
Theo kết luận của cơ quan điều tra Bộ Công an (C03), trong vụ án Vạn Thịnh Phát, hành vi của nhóm Trương Mỹ Lan được thực hiện như "một tổ chức tội phạm với quy mô rất lớn".
Kết luận của C03 nêu rõ: "Bà Trương Mỹ Lan đã nắm quyền điều hành, chi phối, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng, biến SCB trở thành công cụ tài chính để tổ chức huy động tiền gửi, chỉ đạo toàn bộ lãnh đạo chủ chốt nhà băng này".
Toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB bị bà Lan thao túng, lũng đoạn để huy động tiền gửi của người dân rồi cho "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát" vay.
![]() |
Sở hữu "hệ sinh thái" gồm hơn 1.000 doanh nghiệp
Theo kết luận điều tra, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sở hữu "hệ sinh thái" gồm hơn 1.000 doanh nghiệp là các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước. Các công ty chia thành 4 nhóm.
Nhóm định chế tài chính tại Việt Nam, trong đó SCB đóng vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp dòng vốn cho các công ty trong "hệ sinh thái".
Nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, phần lớn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn như Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông…
Nhóm công ty "ma" tại Việt Nam, được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn vào dự án, vay vốn ngân hàng, đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác.
Nhóm cuối cùng là mạng lưới các công ty tại nước ngoài, được thành lập tại các quốc gia, vùng lãnh thổ được mệnh danh là "thiên đường thuế", nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, hoặc dùng danh nghĩa nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Không có tên trong ban lãnh đạo nhưng quyền lực tuyệt đối
Để có nguồn vốn duy trì hoạt động cho "đế chế" của mình, bà Trương Mỹ Lan tiến hành thu mua cổ phần, thao túng một số ngân hàng tư nhân, gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất.
Năm 2011, bà Lan muốn sáp nhập 3 ngân hàng thành một. Nhưng để làm được việc này, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hiểu rằng mình phải sở hữu ít nhất 65% cổ phần để có thể thông qua bằng bỏ phiếu, các cổ đông khác không thể chống đối.
Kế hoạch thâu tóm được vạch ra. Chỉ trong thời gian ngắn, bằng hình thức thu mua rồi nhờ người đứng tên, tính đến tháng 12/2011, bà Trương Mỹ Lan lần lượt nắm giữ hơn 81,4%, 98,7% và 80,4% cổ phần của 3 ngân hàng nêu trên.
Tháng 11/2012, thương vụ sáp nhập thành công như dự kiến, SCB được thành lập. Lúc này, bà Lan đã sở hữu hơn 85,6% cổ phần của SCB. Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chưa dừng lại mà tiếp tục mua gom thêm cổ phần.
Tính đến đầu năm 2018, tỷ lệ bà Lan sở hữu cổ phần tại SCB lên tới hơn 91,5%. Số cổ phần còn lại thuộc sở hữu khoảng 4.000 cổ đông nhỏ lẻ.
Vẫn theo kết luận điều tra, biết rõ quy định pháp luật chỉ cho một cá nhân sở hữu không quá 5% cổ phần của một ngân hàng, Trương Mỹ Lan đã nhờ 26 cá nhân, pháp nhân đứng tên giúp; bản thân mình chỉ trực tiếp đứng tên gần 5%, cho đúng quy định.
Với việc sở hữu gần như tuyệt đối về cổ phần, bà Lan đưa người của mình hoặc sử dụng các cá nhân mà mình tin tưởng, đều là người có trình độ, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực ngân hàng, để bố trí vào các vị trí chủ chốt tại SCB; trả lương cho họ từ 200 - 500 triệu đồng/tháng.
Trong số này, ông Bùi Anh Dũng được Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đánh giá là hiền lành, "không quậy phá" và được lòng người; do đó, sắp xếp qua nhiều vị trí lãnh đạo, đến tháng 12/2020 thì lên chức Chủ tịch HĐQT SCB.
Mặc dù không có tên trong ban lãnh đạo SCB, nhưng trên thực tế, bà Trương Mỹ Lan có quyền lực chi phối mọi hoạt động của ngân hàng này, kể cả về nhân sự hay hoạt động tín dụng.
![]() |
Vay hơn 1 triệu tỉ đồng
Để "rút ruột" SCB, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo cấp dưới nhờ hoặc thuê người đứng tên để thành lập các công ty "ma". Những công ty này thực tế không có hoạt động kinh doanh gì, được "khai sinh" chỉ với mục đích duy nhất là lập khống hồ sơ nhằm hợp thức hóa các khoản giải ngân từ SCB.
Theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, giúp sức cho bà Lan không chỉ là dàn "vệ tinh" tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB mà còn là các đối tượng thuộc nhóm công ty thẩm định giá, thông qua việc nâng khống giá trị tài sản đảm bảo của các công ty.
Hậu quả, từ tháng 1/2012 - 10/2022, SCB đã cho các công ty liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm vay hơn 1 triệu tỉ đồng, tổng dư nợ không có khả năng thu hồi lên tới hơn 677.000 tỉ đồng.
Khai tại cơ quan điều tra, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho biết tiền vay từ SCB được sử dụng để trả nợ gốc, lãi các khoản vay trước; trả nợ vay cho bạn bè, người thân; trả chi phí hoạt động của SCB (các khoản chi không thể hạch toán); trả tiền mua lại dự án; trả tiền công cho các cá nhân đứng tên hộ công ty…
![]() |
Chiếm đoạt và gây thiệt hại gần 370.000 tỉ đồng
Từ năm 2012 - 2022, SCB cho vay, giải ngân cho 1.366 khách hàng (710 cá nhân và 656 tổ chức); riêng nhóm của bà Lan có hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỉ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay. Phần lớn các khoản nợ đều thuộc diện không có khả năng thu hồi.
Để có thể huy động số tiền lớn như vậy, bà Lan chỉ đạo cấp dưới là lãnh đạo SCB phối hợp cùng đơn vị thẩm định giá tạo lập khách hàng vay vốn khống, nhờ người đứng tên tài sản, tạo hồ sơ khống; có những khoản vay "lấy tiền trước, hợp thức hóa hợp đồng sau".
Một thủ đoạn khác được sử dụng, đó là các bị can lập hàng ngàn pháp nhân, thuê hàng ngàn cá nhân làm đại diện, đứng tên trên hồ sơ vay vốn. Mục đích của hành vi này nhằm tránh tình trạng khi kiểm tra trên ứng dụng CIC sẽ hiện ra dư nợ tín dụng lớn khiến không thể giải ngân.
Tiếp đó, để hợp thức hóa việc rút tiền và tránh bị truy vết theo dòng tiền, bà Lan chỉ đạo cán bộ tại SCB chuyển tiền giải ngân vào các công ty "ma" thuộc "hệ sinh thái", rồi mới rút tiền mặt, cắt đứt dòng tiền. Khi đến hạn không trả được nợ, bà Lan tiếp tục vẽ ra các khoản vay khống, số tiền chiếm đoạt theo đó mà tăng theo cấp số cộng.
Kết quả điều tra xác định, từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền chiếm đoạt của SCB, qua đó chiếm đoạt số tiền hơn 304.000 tỉ đồng, đồng thời gây thiệt hại số tiền lãi phát sinh hơn 129.000 tỉ đồng. Hành vi này phạm vào tội tham ô tài sản.
Ngoài ra, từ tháng 1/2012 đến tháng 12/2017, với thủ đoạn tương tự, bà Lan chỉ đạo các thuộc cấp để SCB giải ngân 368 khoản vay khác, gây thiệt hại hơn 64.000 tỉ đồng. Nhưng vì thời điểm này Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 chưa quy định về hành vi tham ô trong lĩnh vực tư nhân, nên bà Lan bị đề nghị truy tố tội vi phạm quy định về hoạt động NH, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động NH.
1.266 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kê biên 1.237 bất động sản
Quá trình điều tra vụ án, Bộ Công an cho biết đã rà soát, xác minh, truy thu dòng tiền phạm tội và các tài khoản, tài sản đứng tên các bị can để thu hồi, kê biên, phong tỏa, đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án.
Theo đó, cơ quan điều tra thu giữ tổng số tiền 589 tỉ đồng, gần 15 triệu USD và hàng ngàn bất động sản, siêu xe, du thuyền…; phong tỏa hơn 1.800 tỉ đồng của các bị can tại các ngân hàng.
Riêng với bà Trương Mỹ Lan, công an tạm giữ 1.266 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kê biên 1.237 bất động sản tại Đồng Nai, TP HCM, Long An…; kê biên 857 triệu cổ phần SCB của bà Lan và các cá nhân đứng tên hộ.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng kê biên 22 tài sản là phương tiện, gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của bà Lan và em gái. Số phương tiện này, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhờ nhiều người đứng tên.
Đựng 5 triệu USD trong thùng xốp mang hối lộ
Để che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém và các sai phạm của SCB, cũng như để SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và được tái cơ cấu, bà Trương Mỹ Lan đã trực tiếp gặp gỡ, bàn bạc, trao đổi với bà Đỗ Thị Nhàn, đồng thời chỉ đạo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, tiếp xúc, đặt vấn đề và đưa hối lộ cho bà Nhàn cùng thành viên trong đoàn thanh tra.
Cụ thể, sau khi gặp và nhờ bà Nhàn, bà Lan đã chỉ đạo SCB đưa 5,2 triệu USD (tương đương 118 tỉ đồng) cho bà Nhàn. Từ đó, bà Nhàn đã bưng bít, bao che, báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB và kiến nghị tạo điều kiện cho NH này, dù bà và đoàn thanh tra biết rõ thực trạng vi phạm, sai phạm nghiêm trọng của SCB.
Làm việc với cơ quan điều tra, bà Nhàn thừa nhận nhiều lần nhận tiền từ SCB với tổng số tiền 5,2 triệu USD như kết luận điều tra thể hiện. Trong đó, khoảng tháng 3.2018, các ông Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT SCB) và Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB) ra Hà Nội, lên phòng làm việc của bà Nhàn, đưa cho bà một túi quả cherry và một túi đựng 200.000 USD. Bà Nhàn nhận, mang tiền về cất ở nhà.
Từ tháng 10 đến tháng 12/2018, là giai đoạn dự thảo kết luận thanh tra, xin ý kiến các bộ, ngành và sau đó ban hành kết luận thanh tra tại SCB, ông Văn và lái xe 3 lần mang các thùng xốp đựng USD để đưa cho bà Nhàn. Trong đó, 1 lần thùng xốp đựng 1 triệu USD và 2 lần thùng xốp đựng 2 triệu USD, tổng cộng 3 lần là 5 triệu USD. Sau mỗi lần đưa tiền tại nhà riêng, bà Nhàn hỏi thì được cho biết tiền này là của bà Lan cảm ơn vì đã giúp đỡ và hỗ trợ SCB trong quá trình thanh tra. Nhận tiền, bà Nhàn cho vào thùng khác cất giấu trong phòng ngủ.
Sau khi vụ án bị khởi tố, khoảng tháng 12/2022, bà Nhàn chia số tiền thành 2 phần, mang 2,6 triệu USD gửi nhờ tại nhà họ hàng ở TP Nam Định (tỉnh Nam Định). Số còn lại, bà Nhàn cho vào thùng sắt, khóa lại, mang sang nhà em trai cùng cha khác mẹ cất vào trong tủ của phòng ngủ. Quá trình điều tra, bà Nhàn đã nộp lại toàn bộ 5,2 triệu USD nhận hối lộ.
Bị đối tác chiếm đoạt 1.000 tỉ đồng
Theo kết luận điều tra, bị can Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella, có quen biết và hợp tác với bà Trương Mỹ Lan để đầu tư dự án, mua cổ phần một số công ty của ông Trí. Theo thỏa thuận, ông Trí đã nhiều lần nhận tiền của bà Lan, thông qua những người giúp việc của bà Lan với tổng cộng 1.000 tỉ đồng để hợp tác đầu tư mà không có giấy tờ, biên nhận. Ông Trí chuyển nhượng cho bà Lan 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang, để đảm bảo tín nhiệm, song phi vụ này cũng không được ghi trên sổ sách kế toán.
Sau khi bà Lan bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Trí đã chỉ đạo lập khống các văn bản điều chỉnh giá và thanh lý toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang đã ký theo thỏa thuận với bà Lan. Tiếp đó, ông Trí hoàn thiện hồ sơ và làm thủ tục xác nhận chuyển nhượng 10% vốn điều lệ này từ ông Hồ Quốc Minh (người đứng tên sở hữu 10% vốn hộ bà Lan) sang em trai ông Trí và nhân viên kế toán Công ty Văn Lang. Cuối cùng, ông Trí hẹn gặp ông Minh, yêu cầu ký hồ sơ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ tại Công ty Văn Lang và bản thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư 31,22% vốn điều lệ Công ty Cao su Công nghiệp mà bà Lan đang sở hữu.
C03 cáo buộc, việc ông Trí đã tự ý lập, hoàn thiện hồ sơ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng, thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư trị giá 1.000 tỉ đồng mà không trao đổi với bà Lan, nhằm xóa bỏ quyền sở hữu đối với 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang để chiếm đoạt tiền đã nhận của bà Lan. Hành vi này phạm vào tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Đến nay, ông Trí đã nhận tội; cơ quan điều tra đã thu giữ tài sản khi khám xét, kê biên 7 bất động sản do vợ chồng ông Trí đứng tên, và gia đình ông đã nộp hơn 640 tỉ đồng để khắc phục hậu quả, tổng cộng trên 1.001 tỉ đồng.
Với những kết quả có được từ quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an nhận định, hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm có dự mưu từ trước; được chuẩn bị, tổ chức thực hiện hết sức công phu, tỉ mỉ và có "kịch bản"; thao túng, lũng đoạn, bất chấp quy định pháp luật.
"Đây là tổ chức phạm tội có quy mô rất lớn, hoạt động hết sức manh động nhưng cũng rất tinh vi, xảo quyệt; hậu quả gây ra là đặc biệt lớn về kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành ngân hàng, uy tín của Nhà nước trong quản lý kinh tế", kết luận điều tra nêu.
-
Bộ Công an tìm bị hại trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
-
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng: Người dân mua trái phiếu Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát bình tĩnh chờ
-
Yêu cầu dừng giao dịch với 762 công ty liên quan Vạn Thịnh Phát
-
“Bóng dáng” Vạn Thịnh Phát tại các thương vụ M&A loạt dự án “khủng” của Tập đoàn Viva Land
Chi gần 450 tỷ thâu tóm tòa nhà 19 tầng tại Hà Nội, SSI của "ông trùm" Nguyễn Duy Hưng gây sốc giới đầu tư
SSI vừa chi gần 447 tỷ đồng để sở hữu tòa nhà văn phòng cao 19 tầng tại Hà Nội, đánh dấu bước đi chiến lược quan trọng trong việc mở rộng...
Báo lãi quý 1 tăng trưởng hai chữ số: FPT Online trả cổ tức “khủng”, tỷ lệ 100% bằng tiền mặt
Với hơn 18 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp dự kiến chi hơn 184 tỷ đồng để thanh toán cổ tức cho cổ đông.
Quốc tế Sơn Hà (SHI) sắp phát hành hơn 8 triệu cổ phiếu tăng vốn, cơ hội lớn cho cổ đông hiện hữu?
SHI chuẩn bị phát hành cổ phiếu thưởng từ lợi nhuận chưa phân phối, giữa lúc lợi nhuận quý I/2025 tăng mạnh và cơ cấu tài chính được cải thiện rõ nét.
Thuduc House bất ngờ báo lãi, cổ phiếu TDH tăng mạnh 5 phiên liên tục
Với mức lãi sau thuế hơn 5,6 tỷ đồng trong quý 1/2025 – trái ngược với khoản lỗ cùng kỳ năm ngoái, Thuduc House (TDH) đang mang đến bất ngờ tích cực cho thị trường.
Đường Man - Doanh nghiệp từng làm nên tên tuổi đại gia Đường ‘bia’ tiếp tục thua lỗ
Công ty Cổ phần Đường Man – thành viên của Tập đoàn Hòa Bình (Hòa Bình Group) – từng được biết đến là đơn vị tiên phong trong sản xuất malt bia tại Việt Nam...
Nhà máy ray thép 14.000 tỷ của Hòa Phát có động thái mới: Tỷ phú Trần Đình Long ‘chốt đơn’ sản phẩm vào năm 2027
Hòa Phát ghi nhận quý khởi sắc đầu năm 2025 với doanh thu đạt gần 38.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vượt 3.300 tỷ đồng tăng 16%...
Tập đoàn năng lượng Zarubezhneft (Nga) dự kiến xây nhà máy điện gió ngoài khơi ở Việt Nam
Thông tin này được công bố trong Tuyên bố chung trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Tô Lâm.
BIM Group đổ 3.000 tỷ xây ‘siêu dự án’ tại Hạ Long, đại gia Đoàn Quốc Việt đang toan tính điều gì?
BIM Hạ Long, thành viên của Tập đoàn BIM Group, đang triển khai dự án “Tổ hợp công trình thương mại, dịch vụ và căn hộ lưu trú” tại trung tâm du lịch Hạ Long...
Vietnam Airlines họp ĐHĐCĐ bất thường ngày 15/5: Trình phương án tăng vốn, bàn thương vụ 50 máy bay thân hẹp
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa công bố quyết định triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường vào chiều 15/5 tại Hà Nội....
Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) - Khẳng định thương hiệu Việt với thị trường quốc tế
PVCFC vừa được Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Úc cấp Chứng chỉ Level One (Cấp độ 1) cho xuất khẩu phân bón hàng rời (Bulk In-Ship Fertiliser). Với bước tiến mới này,...
MCP: Vững tăng trưởng, quyết tâm dẫn đầu ngành bao bì kim loại Việt Nam
Bao bì Mỹ Châu (HOSE: MCP) – doanh nghiệp bao bì kim loại duy nhất niêm yết trên sàn HOSE báo lãi sau thuế năm 2024 vượt 35% kế hoạch và tăng tới 173% so...
Bức tranh trái chiều ngành xi măng Quý 1/2025: Bỉm Sơn, Hà Tiên thận trọng bám trụ, La Hiên bất ngờ lội ngược dòng
Trong khi các tên tuổi lớn như Bỉm Sơn (BCC), Hà Tiên (HT1) đang nỗ lực kiểm soát chi phí để thu hẹp thua lỗ, thì Xi măng La Hiên (CLH) lại gây bất ngờ...
Áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để PV Power phát triển bền vững
Trong bối cảnh ngành năng lượng đang chuyển dịch mạnh mẽ trước yêu cầu phát triển xanh và áp lực bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Tổng công ty Điện lực Dầu khí...
Ông Phạm Hữu Quốc giữ chức Tổng giám đốc Bamboo Capital
Tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế chuyên ngành Kế toán - Kiểm toán và Luật Kinh tế tại Đại học Kinh tế TP.HCM, ông Phạm Hữu Quốc được đánh giá cao bởi nền tảng kiến thức chuyên sâu và tư duy phân tích sắc bén.
Trao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong huy động và sử dụng dòng vốn nội bộ
Sáng ngày 13/5, trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn đại biểu Quốc...
Bình Thuận "chốt hạ" cứ điểm sản xuất linh kiện ô tô hơn 2.000 tỷ, sẽ đón 1.000 lao động về làm việc
Với công suất dự kiến 12 triệu sản phẩm/năm, nhà máy mở ra cơ hội việc làm cho 1.000 lao động địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế bền vững.
VEFAC lãi đậm 15.000 tỷ đồng trong quý I/2025, cổ đông sắp nhận cổ tức tiền mặt tỷ lệ 435%
VEFAC đề xuất chia cổ tức tiền mặt “khủng” hơn 7.200 tỷ đồng, sau quý kinh doanh đầu năm 2025 tăng trưởng bùng nổ với lợi nhuận gấp hơn 160 lần cùng kỳ.
“Cởi trói” để doanh nghiệp nhà nước vươn mình trong kỷ nguyên mới
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng, doanh nghiệp có vốn nhà nước cần một môi trường pháp lý thuận lợi hơn là ràng...
Công ty của ông Phạm Nhật Vượng chính thức ra mắt nền tảng giao đồ ăn “Xanh SM Ngon”
Không dừng lại ở taxi điện, Xanh SM tiếp tục mở rộng hệ sinh thái của mình với nền tảng giao đồ ăn Xanh SM Ngon, cạnh tranh với những cái tên lớn...
Xem nhiều




