Cổ phiếu BIDV lên đỉnh lịch sử, Keb Hana Bank lãi gấp đôi sau hơn 4 năm làm cổ đông chiến lược
Theo thoả thuận giữa 2 bên ký cuối năm 2019, Keb Hana Bank sẽ đồng hành cùng BIDV với vai trò là cổ đông chiến lược tối thiểu 5 năm. Cổ phiếu BID trong tay ngân hàng Hàn Quốc sẽ bị hạn chế chuyển nhượng đến cuối năm 2024.
Trong con sóng cổ phiếu ngân hàng thời gian gần đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – mã BID) đang gây ấn tượng mạnh khi liên tục bứt phá, dẫn dắt thị trường. Phiên 8/1, BID tăng 4,27% lên mức 46.400 đồng/cp qua đó thiết lập đỉnh lịch sử mới (tính theo giá điều chỉnh).
Thực tế, cổ phiếu này đã nổi sóng từ đầu tháng 11 năm ngoái. Sau khoảng hơn 3 tháng, thị giá BID đã tăng gần 31%. Vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng thêm 62.000 tỷ (~2,5 tỷ USD) lên mức 264.000 tỷ đồng (~11 tỷ USD). Con số này giúp BIDV củng cố vững chắc vị trí số 2 về vốn hóa trên sàn chứng khoán, chỉ kém Vietcombank và bỏ xa các tên tuổi phía sau như Vinhomes, PV Gas, Vingroup, Hòa Phát,…
Những kết quả tích cực của BID mang lại niềm vui không nhỏ cho cổ đông, trong đó phải nhắc tới Keb Hana Bank. Với 15% cổ phần đang nắm giữ tại BIDV, khoản đầu tư này của nhà băng đến từ Hàn Quốc hiện có giá trị thị trường lên đến gần 39.700 tỷ đồng (~1,6 tỷ USD).
Keb Hana Bank trở thành cổ đông chiến lược của BIDV từ cuối năm 2019 sau khi mua hơn 603,3 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán riêng lẻ với giá bán 33.640 đồng/cổ phiếu. Giá trị tương ứng vào khoảng 20.300 tỷ đồng (~882 triệu USD), trở thành thương vụ đầu tư chiến lược M&A có giá trị cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam thời điểm đó. Kỷ lục này sau đó đã bị xô đổ bởi thương vụ SMBC mua 15% vốn VPBank với giá 1,5 tỷ USD năm 2023.
Ước tính, Keb Hana Bank đang "tạm lãi" khoảng 19.400 tỷ đồng sau hơn 4 năm làm cổ đông chiến lược tại BIDV. Nếu tính cả cổ tức bằng tiền tươi (gần 1.500 tỷ đồng) đã "bỏ túi", khoản đầu tư này của cổ đông đến từ Hàn Quốc đang lãi gấp đôi.
Theo thoả thuận giữa 2 bên ký cuối năm 2019, Keb Hana Bank sẽ đồng hành cùng BIDV với vai trò là cổ đông chiến lược tối thiểu 5 năm. Ngoài nguồn lực về vốn, BIDV còn nhận được hỗ trợ từ ngân hàng hàng đầu Hàn Quốc trong các lĩnh vực gồm quản trị chiến lược, nâng cao quản trị rủi ro, đa dạng hoá các tài sản sinh lời, phát triển ngân hàng số, ngân hàng bán lẻ, và nâng cao phát triển nguồn nhân lực...
Lợi nhuận lần đầu vượt 1 tỷ USD
Từ sau khi Keb Hana Bank trở thành cổ đông chiến lược, BIDV đã liên tục tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2020-2023. Năm 2023, ngân hàng ước lãi trước thuế hợp nhất 27.400 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện năm 2022. Đây là lần đầu tiên lợi nhuận của nhà băng này vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Với mức lợi nhuận này, BIDV là ngân hàng có lợi nhuận cao thứ hai trong nhóm Big 4, chỉ sau Vietcombank (hơn 41.000 tỷ đồng).
Đến cuối năm 2023, tổng tài sản BIDV đạt 2,26 triệu tỷ đồng; tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng TMCP có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Huy động vốn đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,5%. Dư nợ tín dụng đạt 1,75 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,66%, đảm bảo giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao. Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN kiểm soát ở mức 1,1%. Tỷ lệ trang trải nợ xấu (dư quỹ DPRR tín dụng/dư nợ xấu) đạt 192%.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, BIDV cho biết dư nợ tín dụng điều hành theo giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao, dự kiến tăng 14%; Huy động vốn điều hành phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản, hiệu quả; Kiểm soát tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 ở mức ≤1,4%...
Trong báo cáo phân tích công bố hồi tháng 12/2023, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết câu chuyện phát hành riêng lẻ vẫn đang được BIDV xúc tiến sang năm 2024. Ngân hàng đang có kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cho nhà đầu tư. Thời gian qua, BIDV nỗ lực thực hiện, đã tiếp xúc với 38 nhà đầu tư. Tuy nhiên, tình hình kinh tế trong nước không thuận lợi đã làm giảm nhu cầu. BIDV sẽ làm việc với NHNN, các đối tác để tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp nhất.