Cổ phiếu FRT của FPT Retail được cấp margin trở lại
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) công bố danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) quý IV 2024. Theo đó, cổ phiếu FRT của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) đã ra khỏi danh sách này.
Theo danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) quý IV/2024 do Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa công bố, cổ phiếu FRT của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) đã không còn trong danh sách này.
Trước đó, HoSE đã đưa cổ phiếu FRT vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2023 là số âm.
Tuy nhiên, trong Báo cáo tài chính bán niên năm 2024, FPT Retail đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là dương 65,5 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 223,68 tỷ đồng, tức tăng thêm 289,18 tỷ đồng.
Khảo sát tỷ lệ hỗ trợ margin tại Chứng khoán SSI, công ty chứng khoán này đã hỗ trợ tỷ lệ margin đối với cổ phiếu FRT với tỷ lệ lên tới 40%.
Một điểm đáng lưu ý khác, gần đây FPT Retail có động thái liên quan tới khả năng chào bán riêng lẻ vốn tại chuỗi Long Châu. Trong đó, ngày 2/10, FPT Retail cho biết đã hoàn tất việc thành lập Công ty con mới là Công ty TNHH Đầu tư FPT Long Châu từ ngày 6/8. Trong đó, FPT Retail sẽ sở hữu 100% vốn tại Công ty con mới.
Được biết, trước đó, FPT Retail đã thông qua kế hoạch thành lập Công ty TNHH Đầu tư FPT Long Châu khi thực hiện góp toàn bộ cổ phần tại CTCP Dược FPT Long Châu vào công ty mới.
Trong đó, Công ty TNHH Đầu tư FPT Long Châu có địa chỉ tại số 379-381 Hai Bà Trưng, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM; vốn điều lệ 673,65 tỷ đồng; và hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn quản lý.
Như vậy, kể từ ngày 6/8, CTCP Dược phẩm FPT Long Châu không còn là công ty con của FPT Retail.
Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch FPT Retail, cho biết để thực hiện kế hoạch mở rộng hệ sinh thái này, công ty dự kiến sẽ huy động vốn bằng cách chào bán cổ phần riêng lẻ, với tỷ lệ 10% cho các nhà đầu tư.
Trong cuộc họp cổ đông thường niên vào tháng 4, ban lãnh đạo FPT Retail đã chia sẻ định hướng chiến lược trở thành một công ty hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, với kế hoạch mở rộng hệ sinh thái y tế - 1 lĩnh vực tiềm năng lớn.
TIN LIÊN QUAN
-
UOB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên 6,4% năm 2024
-
Doanh nghiệp Nhà nước cần được tăng cường phân cấp, phân quyền để nâng cao hiệu quả kinh doanh
-
Eximbank (EIB) triệu tập đại hội cổ đông bất thường
-
TP HCM đã giải quyết xong 15. 800 hồ sơ nhà đất tồn đọng
-
Tháo gỡ khó khăn, tạo nguồn lực phát triển thị trường bất động sản, nhà ở
-
Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có được thế chấp vay vốn?