VnFinance
Thứ ba, 28/11/2023, 14:32 PM

Ngân hàng lớn tiếp tục giảm lãi suất, người gửi tiền "sốc" vì lãi quá thấp

Khoản tiền gửi 9 tháng của chị Hằng vừa đến ngày tất toán, chị dự định gửi tiếp vào ngân hàng nhưng khi tìm hiểu mới thấy lãi suất hiện thấp đến mức khó tin, chỉ bằng một nửa so với hồi đầu năm.

Lai-suat-ngan-hang-VNF

Từ ngày 27/11, Ngân hàng Techcombank đã áp dụng biểu lãi suất tiền gửi mới dành cho khách hàng cá nhân, điều chỉnh giảm ở loạt kỳ hạn.

Cụ thể, tại kỳ hạn gửi 6 tháng, lãi suất huy động Techcombank chỉ còn 4,55-4,8%/năm, giảm 0,1 điểm % so với trước. Trong đó, khách hàng thường được áp dụng mức lãi suất 4,55-4,6-4,65%/năm, tương ứng với mốc tiền gửi dưới 1 tỷ đồng – từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng – từ 3 tỷ đồng trở lên. Mức lãi suất cao nhất là 4,8% tại kỳ hạn này được áp dụng cho khách hàng Private gửi số tiền từ 3 tỷ đồng.

Tương tự tại kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất tiền gửi của Techcombank cũng giảm 0,1 điểm % xuống còn 4,95-5,2%/năm.

Hồi đầu năm 2023, Techcombank niêm yết lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng ở mức tương tự nhau, nhiều khách hàng được gửi tiền với lãi suất lên tới 9,5%/năm.

Như vậy, đến nay, lãi suất của Techcombank đã giảm tới một nửa so với hồi đầu năm, cũng là mức thấp kỷ lục của Techcombank từ trước đến nay.

Theo khảo sát, không chỉ Techcombank mà hàng loạt ngân hàng khác cũng đang áp dụng lãi suất tiền gửi thấp chưa từng có. Hiện lãi suất tiền gửi cao nhất mà Vietcombank đang áp dụng chỉ là 5%/năm. Các ngân hàng lớn khác như BIDV, VietinBank, Agribank cũng chỉ áp dụng mức lãi suất 5,3%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn từ 12 tháng trở lên

Với ngân hàng thương mại cổ phần lớn như VPBank, Sacombank,...lãi suất huy động cao nhất cũng chỉ còn 5,4 – 5,9%/năm. Đáng chú ý, ACB hiện chỉ niêm yết lãi suất tiền gửi cao nhất là 4,9% - thấp hơn cả nhóm Big4.

Chị Thu Hằng (Hà Nội) cho biết, từ đầu năm, chị được nhiều nhân viên ngân hàng chào mời gửi tiền với lãi suất lên tới 9-9,5%/năm. Đến nay khoản tiền gửi 9 tháng đến hạn tất toán, chị dự định gửi tiếp vào ngân hàng nhưng khi tìm hiểu mới thấy lãi suất hiện nay thấp đến “sốc”, chỉ bằng một nửa so với hồi đầu năm.

"Khoản tiền gửi của tôi thời điểm đầu năm được cộng thêm khá nhiều, tổng các mức ưu đãi thì thực nhận là 9,5%, thậm chí có khoản còn được 10,2%. Cách đây mấy ngày, một khoản tiền gửi ở VPBank của tôi đến hạn, tôi tái gửi 6 tháng mà chỉ được hưởng lãi 5,1%. Một khoản khác ở Techcombank thì ngân hàng thông báo chỉ còn 4,65%, tức là bằng chưa đến một nửa mức cũ. Tôi thật sự không tin nổi" - chị Hằng chia sẻ.

Anh Nguyễn Hưởng (Hà Nội) cũng chia sẻ khá bất ngờ với lãi suất tiền gửi hiện nay. Là khách hàng ưu tiên, nếu như trước đây anh có thể thỏa thuận để được ưu đãi cộng thêm lãi suất tới 0,5-1%/năm thì hiện nay chỉ được cộng thêm 0,3%/năm. Lãi suất gửi kỳ hạn 6 tháng rất thấp dưới 5%/năm thì tính ra với số tiền 3 tỷ đồng, sau 6 tháng chỉ có lãi vỏn vẹn 75 triệu đồng. Hiện anh Hưởng đang cân nhắc lại việc có nên gửi tiết kiệm hay không vì lãi suất quá thấp, không đủ hấp dẫn. Tuy nhiên, việc đầu tư vào các kênh khác như chứng khoán, bất động sản hay mua vàng cũng nhiều rủi ro và phải tính toán kỹ lưỡng.

Có thể nói chưa bao giờ lãi suất huy động giảm nhanh như trong năm 2023. Nếu như hồi đầu năm còn hàng loạt ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất tới 9-10%/năm, thậm chí một số ngân hàng nhỏ lên tới 11-12%/năm thì chỉ sau hơn nửa năm, lãi suất đã giảm hơn một nửa. Hiện nay rất khó để tìm được ngân hàng nào áp dụng lãi suất hơn 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Bất chấp lãi suất thấp như vậy, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục lập kỷ lục mới. Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố, tổng tiền gửi của dân cư đã tăng thêm 15.935 tỷ đồng trong tháng 9/2023, lên mức kỷ lục hơn 6,449 triệu tỷ đồng. So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của dân cư đã tăng tổng cộng 583.494 tỷ đồng, tương đương 9,95%. Đây là mức tăng trưởng tiền gửi 9 tháng cao nhất kể từ năm 2018.

Bên cạnh đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng tăng mạnh 217.353 tỷ đồng trong tháng 9, lên 6,23 triệu tỷ đồng. So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của khối doanh nghiệp đã tăng 276.856 tỷ đồng, tương đương 4,65%, cao gấp đôi tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022.

Tổng cộng, tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đến hết quý III đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm và là mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành ngân hàng.


VnFinance
VnFinance
VnFinance
VnFinance
VnFinance