Saigon Bank: Nguồn thu chính sụt giảm, lãi tăng nhờ cắt giảm chi phí dự phòng
Quý III/2023, Saigon Bank ghi nhận lãi trước thuế 52,4 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù đã giảm 25,8% chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, nguồn thu chính của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, UPCoM: SGB) là thu nhập lãi thuần đạt 206,4 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, phần lớn các nguồn thu ngoài lãi đều suy giảm.
Cụ thể, so với quý II/2023, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 1,9% đạt 8,9 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng giảm tới 85,8% chỉ đạt 0,9 tỷ đồng.
Điểm sáng trong bức tranh kinh doanh của Saigon Bank là lãi thuần từ hoạt động khác tăng 36,2% đạt mức 9,6 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động của ngân hàng này trong quý III/2023 gần 149 tỷ đồng, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, lợi nhuận thuần trong hoạt động kinh doanh của Saigon Bank 80,1 tỷ đồng, giảm nhẹ 1%.
Quý III/2023, Saigon Bank trích lập 15,4 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 25,8% so với cùng kỳ. Nhờ vậy, lãi trước thuế của ngân hàng đạt 64,7 tỷ đồng, tăng 7,5%.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, tổng thu nhập, lợi nhuận thuần trong hoạt động kinh doanh của Saigon Bank đạt 348,7 tỷ đồng, giảm tới 20,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên nhờ giảm 50,1% chí phí rủi ro tín dụng xuống mức 100,6 tỷ đồng nên Saigonbank thu được hơn 248 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng nhẹ 5%. So với kế hoạch 300 tỷ đồng lãi trước thuế được đề ra cho cả năm, Saigonbank thực hiện được 83% sau 9 tháng.
Tính ngày 30/9/2923, tổng tài sản của Saigon Bank đạt mức 29.681,4 tỷ đồng, tăng 7,2% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền mặt giảm 22% xuống còn 189,8 tỷ đồng), tiền gửi tại ngân hàng Nhà nước gấp 4 lần đầu năm lên mức 3.700,8 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 4,3%, lên mức 19,516 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu của Saigon Bank tính đến ngày 30/09/2023 là 435 tỷ đồng, tăng 9,4% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) dịch chuyển sang (nợ nhóm 4) nợ nghi ngờ và (nợ nhóm 5) nợ có khả năng mất vốn.
Cụ thể so với hồi đầu năm, nợ nhóm 3 của Saigon Bank giảm 47,7% xuống mức 39,6 tỷ đồng; nợ nhóm 4 tăng nhẹ 1,6 lên mức 88,8 tỷ đồng và nợ nhóm 5 tăng tới 30,8% lên mức 306,5 tỷ đồng, chiếm 70,4% cơ cấu nợ xấu. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2,12% đầu năm lên 2,23%.
Ngoài khoản nợ xấu nội bảng nêu trên, Saigon Bank đang sở hữu khoản nợ xấu 313 tỷ đồng tại Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) dưới dạng trái phiếu đặc biệt, giảm 48% so với đầu năm. Trong đó, dự phòng trái phiếu đặc biệt chiếm hơn 227 tỷ đồng, cũng giảm 46%.