VnFinance
Thứ bảy, 13/05/2023, 14:15 PM

Nợ phải trả tại Tập đoàn Bảo Việt cao gấp 9,1 lần vốn chủ sở hữu, nợ vay tăng 65%

Kết thúc quý đầu năm 2023, Tập đoàn Bảo Việt (Mã: BVH) thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính. Đặc biệt, hầu hết tài sản của doanh nghiệp này được tài trợ bởi nợ. Tình trạng nợ dài hạn vượt quá tài sản dài hạn kéo dài nhiều năm qua, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

Tập đoàn Bảo Việt có lãi nhờ hoạt động tài chính

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 của Tập đoàn Bảo Việt ghi nhận hoạt động kinh doanh bảo hiểm lỗ nhưng lợi nhuận tài chính quý 1/2023 tăng 23% và lợi nhuận công ty liên kết tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ đã giúp lợi nhuận tại Tập đoàn Bảo Việt tăng  trong quý 1/2023.

Cụ thể, trong quý 1/2023, BVH ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc hơn 10.584 tỷ đồng, tăng nhẹ  3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí nhượng tái bảo hiểm tăng đến 44%, ghi nhận gần 831 tỷ đồng. Do đó, doanh thu bảo hiểm thuần chỉ nhích nhẹ 1%, đạt hơn 9.846 tỷ đồng.

Đáng nói, chi phí hoạt động kinh doanh bảo tăng cao hơn doanh thu, ghi nhận tăng 6% so với cùng kỳ, lên hơn 9.957 tỷ đồng. Do đó, hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong quý đầu năm âm 111 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước mang về gần 347 tỷ đồng).

Bù lại, lợi nhuận từ hoạt động tài chính ghi nhận hơn 2.494 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ nhờ lãi tiền gửi tăng tới 67% so với cùng kỳ; lãi từ đầu tư trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu cũng tăng 15% so với cùng kỳ; thu nhập từ tạm ứng giá trị hoàn lại tăng 30%; cổ tức được chia tăng tới 91% và lãi chênh lệch tỷ giá tăng mạnh 88% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, phần lợi nhuận trong công ty liên kết, đơn vị kinh doanh đồng kiểm soát tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ, đạt gần 21 tỷ đồng.

Kết quả, dù hoạt động kinh doanh chính là bảo hiểm thua lỗ đậm, song Tập đoàn Bảo Việt vẫn lãi nhờ hoạt động tài chính và hoạt động công ty liên kết với lợi nhuận hợp nhất sau thuế quý 1/2023 đạt hơn 546 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ 2022.

Trong 3 tháng đầu năm, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Bảo Việt đã giảm tới 43% xuống còn 1.592 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm hơn 14.414 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2022 chỉ âm hơn 5.866 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân đến từ việc doanh nghiệp chi mạnh vào việc cho vay và mua các công cụ nợ của đơn vị khác lên tới 42.192 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính của BVH ghi nhận dương hơn 13.264 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ 2022

Kết quả, dòng tiền thuần trong kỳ tại Tập đoàn Bảo Việt ghi nhận dương 441 tỷ đồng nhưng con số này đã giảm mạnh 92% so với cùng kỳ.

Cơ cấu vốn mất cân đối, nợ dài hạn vượt quá tài sản dài hạn

Bên cạnh kết quả kinh doanh tương đối khả quan trong 3 tháng đầu năm thì tình hình tài chính tại Tập đoàn Bảo Việt tiếp tục ghi nhận nhiều biến động.

tinh-hinh-tai-chinh-tai-BVH

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023, tổng tài sản của Bảo Việt tính đến cuối quý 1 ghi nhận hơn 220.461 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm tới 61% với mức 133.622 tỷ đồng, tăng 14%; Tài sản dài hạn chỉ chiếm 39% đạt gần 86.839 tỷ đồng, tăng nhẹ 3%.

Tuy có tăng quy mô nhưng nguồn vốn tại Tập đoàn Bảo Việt lại mất cân đối khi chủ yếu hình thành từ nợ phải trả chiếm tới 90%, trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 10%.

Cụ thể, tính đến 31/3/2023, nợ phải trả của Bảo Việt ghi nhận hơn 198.653 tỷ đồng, tăng hơn 1.800 tỷ đồng, tương đương tăng 10% so với đầu năm. Trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ tăng nhẹ 3% lên hơn 21.807 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 3 tháng đầu năm 2023, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Bảo Việt là 9,1 lần.

Các con số trên cho thấy doanh nghiệp đang sử dụng đòn bẩy nợ tương đối cao, hầu hết tài sản của doanh nghiệp này được tài trợ bởi nợ.

Đáng chú ý, tổng nợ vay của Tập đoàn Bảo Việt tính đến cuối quý 1/2023 ghi nhận gần 1.773 tỷ đồng, tăng 65% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn hơn 1.718 tỷ đồng, tăng 75%, trong khi nợ vay dài hạn giảm 40% còn hơn 54 tỷ đồng. Đặc biệt, doanh nghiệp không thuyết minh cụ thể từng khoản vay nên không rõ chủ nợ lớn nhất là ngân hàng nào.

no-vay-tai-tap-doan-bao-viet
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2023 tại Tập đoàn Bảo Việt.

Thậm chí, tính đến cuối quý 1/2023, nợ dài hạn phải trả ghi nhận hơn 152.787 tỷ đồng cao gấp 1,75 lần tài sản dài hạn. Thực tế, tình trạng nợ dài hạn vượt quá tài sản dài hạn tại Bảo Việt đã kéo dài nhiều năm qua, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

Hàng tồn kho tập trung ở BVInvest, danh mục cổ phiếu niêm yết biến động

Về hàng tồn kho tại Tập đoàn Bảo Việt ghi nhận hơn 146 tỷ đồng tính đến thời điểm 31/3/2023, tăng 12% so với đầu năm. Trong đó hàng tồn kho chủ yếu tập trung tại BVInvest hơn 56 tỷ đồng là các chi phí mua sắm và chi phí xây dựng dở dang của các bất động sản đầu tư của BVInvest. Các khoản này đang được ghi nhận là hàng tồn kho cho đến khi được bán và được ghi nhận vào giá vốn hàng bán.

hang-ton-kho-tai-tap-doan-bao-viet
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2023 tại Tập đoàn Bảo Việt.

Công ty TNHH MTV Đầu tư Bảo Việt (BVInvest) là công ty con của Tập đoàn Bảo Việt sở hữu 100% vốn, chuyên kinh doanh bất động sản, tư vấn đầu tư xây dựng và cung cấp máy móc thiết bị.

So với các công ty con khác, kết quả kinh doanh của BVInvest ít được Tập đoàn Bảo Việt nhắc tới trong hệ sinh thái của mình. Chỉ trong các báo cáo thường niên mới được đề cập qua.

Tính đến 31/3/2023, Tập đoàn Bảo Việt đã tăng số dư đầu tư tài chính ngắn hạn thêm 14,4% lên 117.146 tỷ đồng, các khoản đầu tư tài chính dài hạn tăng nhẹ 3,4% lên 84.238 tỷ đồng.

Trong đó, các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn chiếm tỷ trọng chính với gần 194.800 tỷ đồng (ngắn hạn chiếm 114.430 tỷ đồng) bao gồm tiền gửi (khoảng 126.000 tỷ đồng), trái phiếu (65.500 tỷ đồng) và tạm ứng từ giá trị hoàn lại.

Tập đoàn nắm giữ gần 3.000 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh gồm cổ phiếu niêm yết, chưa niêm yết, chứng chỉ quỹ, trái phiếu,...

Danh mục cổ phiếu niêm yết của Tập đoàn Bảo Việt gồm các mã như VNM (giá gốc 418 tỷ đồng); CTG (390 tỷ đồng); VNR (giá gốc 266 tỷ đồng) và các cổ phiếu niêm yết khác (1.343 tỷ đồng) có mức giảm giá nhẹ khoảng 7% trong quý I.

Các cổ phiếu chưa niêm yết nắm giữ như Tổng công ty MBLand, Thuỷ sản Cà Mau,... chiếm tỷ trọng nhỏ chưa đầy 79 tỷ đồng (giá gốc), sau khi trích lập dự phòng giá trị ghi sổ của nhóm này còn chưa đầy một nửa 37 tỷ đồng.


VnFinance
vnfinance.vn
VnFinance
VnFinance