Du lịch Việt mất 23 tỷ USD: Nỗi buồn 'bệnh thành tích'
“Không hiểu đặc tính thị trường khách, lại thêm bệnh thành tích, thích chạy con số, khiến nhiều địa phương bị lệch chuẩn, định hướng sai chiến lược phát triển ngành du lịch”
Đó là quan điểm của PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch khi đề cập tới thực trạng phát triển du lịch tại Việt Nam.
Số liệu thống kê ngành du lịch vẫn theo thành tích?
PV: Báo cáo từ Tổng cục Du lịch cho thấy, ngay sau khi đạt mức tăng trưởng kỷ lục vào tháng 1/2020, du lịch Việt Nam rơi vào khủng hoảng do dịch Covid-19 bùng phát. Năm 2020, dự kiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm trên 80% so với năm 2019. Khách nội địa, mặc dù nhiều chương trình kích cầu, giảm giá sâu được tung ra, nhưng dự báo cũng giảm 50% so với năm 2020. Ngành du lịch Việt Nam thất thu khoảng 23 tỷ USD trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh. Điều này có khiến ông bất ngờ không và vì sao?
PGS.TS Phạm Trung Lương: Cú sốc từ Covid-19 gây ra tác động tiêu cực rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Ngành du lịch cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng này.
Với Việt Nam, thị trường du lịch quốc tế cũng như trong nước đều gần như đóng băng. Ngoài một vài đoàn khách quốc tế lẻ tẻ đầu năm, từ khi dịch bùng phát trở lại, dòng khách này đã bị chặn đứng. Vì thế, số liệu dự kiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,7 triệu lượt, giảm trên 80% trong năm 2020 có thể chưa thật sự chính xác. Việt Nam gần như không có khách quốc tế tính suốt từ đầu năm tới thời điểm hiện tại.
Trên thực tế, ngay từ những năm trước, tôi vẫn nói rằng thống kê về lượt khách quốc tế trên cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng đang làm theo cách truyền thống và không đủ chính xác với ngành du lịch, đặc biệt là với số lượng khách quốc tế.
Con số chúng ta công bố đang dựa trên số liệu hải quan: cứ vào đến Việt Nam qua biên giới đóng dấu là tính khách du lịch quốc tế. Lượt khách quốc tế rộng hơn, bao gồm cả khách du lịch quốc tế, du học sinh nước ngoài, Việt kiều về thăm thân, người nước ngoài vào Việt Nam lao động, làm việc, công tác, chữa bệnh… Số khách du lịch chỉ chiếm khoảng 80% trong tổng số được công bố. Chưa kể, những người này một năm đến Việt Nam nhiều lần. Như vậy, con số hiện nay vẫn là số ảo.
Với việc thị trường du lịch quốc tế gần như đóng băng trong hoàn cảnh hiện tại thì khách nội địa sẽ được cho là phao cứu sinh của ngành du lịch. Thế nhưng, dịch bệnh cũng làm đóng băng nhu cầu du lịch trong nước khi có những chủ trương cách ly và giãn cách xã hội.
Chính điều này cũng gây hoài nghi về con số thống kê lượng khách du lịch nội địa. Đặc biệt là sự không thống nhất trong cách thống kê khách nội địa giữa các địa phương. Nhiều địa phương thống kê lượng khách tham quan cũng chưa rõ ràng, chưa phân loại được khách có nghỉ đêm với khách tham quan trong ngày.
Theo Luật Du lịch, khách có nghỉ đêm mới được tính là khách du lịch, tuy nhiên cách thống kê hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào lượt vé bán ra để tính, vì vậy kể cả khách không nghỉ đêm, khách hành hương, không sử dụng một dịch vụ nào cũng được thống kê hết.
Phân tích như vậy để thấy, số liệu báo cáo trên vẫn theo nếp cũ, và nếu làm như vậy thì rõ ràng tính chính xác của số liệu thống kê trên cần phải xem lại. Vì điều này, con số thất thu 23 tỷ USD trong năm 2020 của ngành du lịch như vậy là còn thấp.
PV: Du lịch suy thoái do tác động từ dịch bệnh là khó tránh, tuy nhiên Covid-19 cũng được đánh giá là cơ hội để đánh giá lại cơ cấu thị trường du lịch, theo hướng tăng lượng khách từ các thị trường có mức chi tiêu cao, giảm phụ thuộc vào các thị trường du lịch truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc… Đồng thời, đó cũng là cơ hội để cải thiện mức chi tiêu của khách quốc tế tại Việt Nam. Ông có đồng tình với quan điểm này không? Đối với du lịch Việt Nam, chúng ta nên tập trung vào những thị trường trọng điểm nào, tính theo vùng du lịch và các khoảng thời gian trong năm?
PGS.TS Phạm Trung Lương: Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2020, tầm nhìn đến 2030 và gần đây là Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam năm 2020 đã được Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch phê duyệt, các thị trường Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)), Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia), Nga, Úc và Niu Di-lân là nhóm các thị trường sẽ ưu tiên marketing, trong khi đó Tây Âu (Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Hà Lan), Bắc Âu (Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển) và Bắc Mỹ (Mỹ và Ca-na-đa) là nhóm các thị trường sẽ duy trì hoạt động marketing. Như vậy, về cơ cấu thị trường du lịch trọng điểm Việt Nam nói chung cũng như thị trường của từng vùng nói riêng đều đã được xác định rất rõ.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý du lịch theo quy hoạch đã được phê duyệt ở tầm vĩ mô hiện nay chưa ổn. Hiện vẫn chưa thấy có động thái nào của các cơ quan quản lý đi vào đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm qua mỗi giai đoạn, mỗi sự kiện xảy ra.
Ví dụ, vì sao lại có du lịch 0 đồng? Tại sao lại có những địa phương như Khánh Hòa, Nha Trang, Đà Nẵng… bị phụ thuộc vào thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc? Không hề có đánh giá nào về những việc này.
Những tổng kết, đánh giá đó rất quan trọng, vì liên quan trực tiếp tới chính sách vĩ mô, liên quan tới chiến lược phát triển tổng thể của ngành du lịch, nhưng lại chưa được làm tốt.
Với chính sách kích cầu cho ngành du lịch hiện nay cũng vậy. Thực hiện chính sách kích cầu hỗ trợ giảm giá các tour du lịch nhưng cùng với đó các dịch vụ cũng bị cắt giảm tương ứng. Khách đi du lịch phàn nàn nhiều, vì đúng ra, khi thực hiện kích cầu giảm giá thì các dịch vụ du lịch vẫn giữ nguyên, thậm chí còn phải tăng thêm các dịch vụ mới, như vậy mới là kích cầu đúng nghĩa. Kích cầu nhưng lại cắt bớt dịch vụ thì thực chất không còn là kích cầu nữa mà là cắt giảm dịch vụ để giảm giá tiền. Tất cả những vấn đề đó chưa được quản lý, giám sát và xử lý tốt thì khó có được một chiến lược phát triển du lịch hiệu quả.
Chưa hết, căn bệnh thành tích trong ngành du lịch vẫn khó thay đổi, ngành du lịch vẫn còn coi nặng số lượng hơn chất lượng. Vì căn bệnh thành tích, thích con số to, nên không coi trọng chất lượng. Đúng ra, ngành du lịch phải quan tâm đến chất lượng của sự tăng trưởng, phát triển chất lượng các sản phẩm, từ đó đưa lại nguồn thu nhiều hơn, người dân sẽ được hưởng nhiều hơn.
Ví dụ, nếu phục vụ 1 khách nhưng có khả năng chi trả bằng 100 người khác thì cần phải chọn phục vụ 1 khách này thay vì chọn phục vụ 100 khách nhưng khả năng chi chỉ bằng 1 người. Cần phải tính tới bài toán là địa phương thu về được bao nhiêu, đóng góp ra sao vào ngân sách nhà nước, vào sự phát triển của kinh tế xã hội chung. Chưa nói tới việc đón tiếp lượng khách quá đông nhưng chất lượng thấp, khả năng chi trả không cao, còn làm nảy sinh áp lực hạ tầng, môi trường, những trả giá cho hạ tầng và môi trường thậm chí còn lớn nhiều lần so với nguồn thu. Các địa phương nên chọn cách quản lý du lịch theo sức chứa. Đây là công cụ quản lý đảm bảo tính bền vững.
Nếu có được những điều tra thực tế, thống kê cụ thể hơn, đơn cử như việc chi tiêu và ngày lưu trú trung bình của khách du lịch cũng được điều tra liên tục hằng năm như vậy, thì khi có con số đúng sẽ có chính sách đúng.
Cho tới nay, Đà Nẵng đang là địa phương có đề án cơ cấu lại thị trường du lịch tốt nhất. Khi thực hiện cơ cấu lại thị trường khách du lịch cũng đồng nghĩa với việc sẽ xác định được đặc điểm từng nguồn khách để cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp. Sở dĩ Đà Nẵng có được đề án cơ cấu tốt như vậy là nhờ vào việc điều tra, thống kê của họ rất cụ thể, chi tiết, phù hợp với thực tế.
Nhờ thế, Đà Nẵng đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, nhiệm vụ cũng như mục tiêu rất rõ ràng. Theo đó, Đà Nẵng hiện đang thực hiện 2 nhiệm vụ "cửa đến" và "điểm đến", thay vì chỉ làm nhiệm vụ "cửa đến" như trước đây. Đà Nẵng bây giờ không chỉ là nơi du khách đi đến, mà còn là điểm đến của nhiều du khách.
Tuy nhiên, cùng với việc cơ cấu lại như vậy, Đà Nẵng cũng cần phải có những giải pháp mang tính tổng thể gắn với phát triển du lịch trong từng giai đoạn như: đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, thu hút khách du lịch; đầu tư cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường liên kết...
Phát triển du lịch thiếu bền vững là tự đánh mất đi giá trị
PV: Về mặt chủ quan, du lịch Việt đã có đủ các điều kiện để có thể tiến hành một cuộc cơ cấu lại thị trường chưa? Đó là chưa kể, ngoài việc thiếu các dịch vụ, các sản phẩm du lịch đặc trưng, chúng ta đang chứng kiến cách làm du lịch kiểu ‘bê tông hóa’, tự đánh mất bản sắc du lịch, điển hình là trường hợp Sa Pa (Lào Cai) và Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Điều này cần nhìn nhận và xử lý ra sao? Nếu không làm được việc này, chúng ta có thể thay đổi được cách làm du lịch sao cho hiệu quả và bền vững hơn được không?
PGS.TS Phạm Trung Lương: Về mặt chủ quan, chúng ta có đủ các điều kiện để tiến hành cơ cấu lại thị trường du lịch, tuy nhiên vấn đề nhận thức xã hội về du lịch trong thực hiện cơ cấu là rất quan trọng. Muốn cơ cấu lại thị trường du lịch cần phải hiểu rõ đặc điểm, đặc tính từng loại thị trường du lịch, qua đó mới xác định thị trường ưu tiên để đáp ứng. Để xác định thị trường ưu tiên cần dựa trên hai yếu tố: Một là thị trường chi trả cao, lưu trú dài ngày. Hai là thị trường đó phải rất tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, thiên nhiên và du khách phải trân trọng, cùng địa phương bảo tồn di sản đó.
Cả hai yếu tố trong thị trường ưu tiên chưa được nhận thức tốt. Nhiều nơi do chưa xác định đúng về thị trường ưu tiên, cũng chưa xác định rõ đặc tính nguồn khách, dẫn tới chạy theo một xu hướng phát triển thiếu bền vững, phát triển du lịch theo kiểu “bê tông hóa”, tự đánh mất đi bản sắc du lịch.
Đây là kiểu tâm lý chạy theo dòng khách quốc tế nhưng lại không phân loại được chất lượng từng dòng khách. Ví dụ, nhiều địa phương chuyển hướng nhưng chỉ thấy đông, đi nhiều là thu hút, mà không biết đặc tính của khách Trung Quốc là đi rất đông, đi theo đoàn, đòi hỏi có nhiều tiện ích nhưng là khách thuộc phân khúc thấp, mức chi tiêu thấp, thiếu ý thức bảo tồn. Phân khúc khách Trung Quốc sẵn sàng chi trả cao và thường xuyên đi du lịch lại rất ít lựa chọn Việt Nam. Bên cạnh đó, do cách thức tổ chức của chúng ta chưa được khéo léo nên tiền của những khách này sẽ quay lại Trung Quốc chứ không nằm ở Việt Nam. Đây chính là câu chuyện của tour 0 đồng.
Trong khi đó khách châu Âu đi đơn lẻ nhưng lại hướng tới yêu cầu bảo tồn, thích khám phá, chi trả cao.
Như vậy, khi hiểu được tâm lý, đặc tính của từng thị trường khách du lịch sẽ có những phương án, sản phẩm du lịch phù hợp, hiệu quả, kinh tế hơn. Đáng tiếc, do không hiểu rõ điều này, cùng với căn bệnh thành tích quá nặng, thích chạy theo những con số, mới có hiện tượng “bê tông hóa” các điểm du lịch sinh thái, phá rừng làm khách sạn, nhà hàng, xây khu vui chơi, giải trí, điển hình như Sa Pa, Tam Đảo, khiến quy hoạch trở nên luộm thuộm, tự mình phá đi giá trị mà mình đang có.
Lẽ ra với những điểm du lịch sinh thái hiếm hoi như Sa Pa hay Tam Đảo cần phải hướng tới mục tiêu thu hút những dòng khách châu Âu ít nhưng chất lượng, muốn vậy phải giữ nguyên bản sắc du lịch bản địa, tôn trọng thiên nhiên, có như vậy khách quốc tế mới quay lại.
Coi trọng khai thác thị trường nội địa
PV: Một vấn đề được quan tâm trong các cuộc bàn thảo về giải pháp cho du lịch Việt Nam sau dịch Covid-19 là việc tận dụng tốt thị trường nội địa.
Theo thống kê, tỉ lệ người Việt Nam đi du lịch nước ngoài hàng năm lên tới 9-10 triệu người/năm. 5-10 triệu đồng là mức chi tiêu bình quân cho mỗi chuyến đi của người Việt ở nước ngoài.
Nếu tận dụng tốt hơn nguồn khách này, ngành du lịch sẽ được hưởng lợi như thế nào? Việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo nên những chuỗi liên kết du lịch trong nước liệu có là một hướng cần cân nhắc? Theo ông, nếu tận dụng, khai thác tốt nguồn khách nội địa sẽ tạo ra những tác động tích cực gì?
PGS.TS Phạm Trung Lương: Rõ ràng đây là con số cần phải suy ngẫm. Cần phải đặt ra câu hỏi vì sao người Việt đi du lịch nước ngoài nhiều như vậy và cùng với đó, bao nhiêu ngoại tệ đã bị chảy ra nước ngoài?
Có thể lý giải rằng, do nhu cầu muốn tìm hiểu cái mới mẻ, do sính ngoại, nhưng từ đây cũng cho thấy công tác quảng bá du lịch của Việt Nam chưa tốt, dịch vụ chưa đa dạng, phong phú, chưa tạo nên những chuỗi liên kết du lịch trong nước hiệu quả, chưa khơi dậy được tình yêu dân tộc, tình yêu với văn hóa đất nước mình.
Vì thế, cần phải có nghiên cứu, đánh giá rất cụ thể đối với nguồn khách nội địa ra nước ngoài để có chiến lược quảng bá, thu hút, giữ chân cho hiệu quả. Rõ ràng, với nguồn khách nội địa rất lớn như vậy nếu tận dụng tốt, ngành du lịch sẽ được hưởng lợi rất lớn. Lợi ích đầu tiên có thể thấy là ngành du lịch sẽ không bị động trong những cú sốc khi có dịch bệnh xảy ra, mà điển hình là dịch Covid-19 hiện nay.
Trên thực tế, vấn đề này cũng đã được nhận thức, do đó chiến lược phát triển du lịch đã thay đổi từ việc ưu tiên phát triển thị trường khách quốc tế sang phát triển song song thị trường quốc tế và thị trường nội địa.
Nhưng để phát triển được thị trường du lịch trong nước thì câu chuyện liên kết chính là vấn đề cốt lõi. Vấn đề này bản thân ngành du lịch chưa thể giải quyết được. Ví dụ như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, ai cũng biết là một dải di sản sống, lãnh đạo các địa phương cũng đã nhiều lần ngồi với nhau, nhưng không thể thực hiện được chuỗi liên kết vì hai nguyên nhân: Một là do cái tôi quá lớn; không ai chịu làm ‘chiếu dưới’, ai cũng muốn làm cấp trên. Hai là, nguồn lực thực hiện liên kết không có.
Từ những vướng mắc trên mà các kế hoạch liên kết sớm bị chết yểu. Khi chưa thực hiện được liên kết, du lịch Việt Nam dù giàu tài nguyên nhưng vẫn nhàm chán, khó thu hút được khách trong nước.
PV: Xin được hỏi câu hỏi cuối cùng. Thưa ông, để có một tư duy khác về khai thác du lịch thì phía cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch phải thay đổi tư duy. Ông đã nhìn thấy những tín hiệu tích cực của sự thay đổi tư duy này hay chưa? Và ông có kỳ vọng vào sự lột xác của du lịch Việt trong thời gian tới hay không?
PGS.TS Phạm Trung Lương: Đúng là tư duy với ngành du lịch ở cả tầm vĩ mô và vi mô đều cần phải nhìn nhận lại.
Ở tầm vĩ mô, nếu đã coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì chính sách vĩ mô phải tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch phát triển. Chính sách cho ngành du lịch phải giống như chính sách đối với các ngành kinh tế, công nghiệp mũi nhọn như ô tô, điện tử…
Ví dụ, trong du lịch, con người chính là nhân tố quan trọng nhất, nhưng từ năm 1994, trong chiến lược phát triển ngành du lịch đã có đề xuất phải thành lập Học viện Du lịch, trong đó vừa có chức năng đào tạo vừa có cả chức năng phục vụ nghiên cứu. Tuy nhiên, tới nay ngành du lịch vẫn không có một trường du lịch ở tầm đại học mà chỉ có khoa, có bộ môn.
Còn ở tầm vi mô, cũng phải nói ngay các doanh nghiệp làm du lịch tại Việt Nam còn quá coi trọng lợi ích cá nhân, lợi ích của doanh nghiệp, mà chưa thực hiện tốt trách nhiệm với xã hội, chưa coi trọng lợi ích chung, chưa chú ý tới vấn đề bảo tồn.
Chính các nhà đầu tư du lịch cũng cần phải nhìn nhận, đánh giá lại rất sòng phẳng về những đóng góp cũng như những tác động từ các sản phẩm, các dự án của họ cho kinh tế, xã hội, cũng như cho công tác bảo tồn. Từ những đánh giá đó sẽ phải đưa ra những chiến lược bảo tồn, phát triển rất nghiêm túc, bởi chỉ khi bảo vệ, bảo tồn tốt tài nguyên thiên nhiên thì tài nguyên thiên nhiên mới giúp doanh nghiệp nuôi dưỡng được nguồn thu, tạo ra nguồn thu lâu dài.
Muốn thay đổi được ngành du lịch theo hướng tích cực, tốt đẹp hơn thì vấn đề tư duy, nhận thức cũng như năng lực điều hành phải thay đổi một cách toàn diện, khi đó, ngành du lịch trong nước mới có kỳ vọng tốt đẹp hơn.
TIN LIÊN QUAN
Trung Quốc áp thuế bổ sung 34% đối với tất cả hàng hóa Mỹ
Trung Quốc hôm thứ Sáu (4/4) cho biết sẽ áp thuế đáp trả 34% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ kể từ ngày 10/4/2025.
Chính phủ đề nghị Hoa Kỳ tạm hoãn áp thuế để đàm phán
Chính phủ Việt Nam đề nghị phía Hoa Kỳ tạm hoãn áp thuế đối ứng đối với hàng hóa Việt Nam từ 1-3 tháng để đàm phán, với tinh thần đảm bảo công bằng...
Quý I/2025: Doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 9,4% so với cùng kỳ
Thông tin này được Bộ Công Thương chia sẻ tại họp báo thường kỳ quý I/2025, diễn ra chiều 4/4 ở Hà Nội.
Thuế quan mới của ông Trump phủ bóng lên các nền kinh tế châu Á
Cuộc chiến thương mại leo thang dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thách thức các nền kinh tế châu Á, dù lớn hay nhỏ, giữa kỳ vọng khu vực này tiếp tục dẫn...
Bộ Tài chính: Phần lớn hàng hóa Mỹ xuất sang Việt Nam chịu thuế 15% hoặc thấp hơn
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, phần lớn mặt hàng Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam chỉ chịu mức thuế suất dưới 15%, thấp hơn nhiều mức 90% mà Chính phủ Mỹ đưa ra.
5 khuyến nghị của Bộ Công Thương với doanh nghiệp khi Hoa Kỳ áp thuế đối ứng 46%
Ngay sau khi Hoa Kỳ công bố áp thuế lên tới 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công Thương đã đưa ra các chương trình hành động, khuyến nghị giúp...
Giám đốc AmCham: "Người dân Mỹ nhận được hàng hóa chất lượng cao, giá thấp từ Việt Nam"
Bình luận về mức thuế 46% mà chính quyền Mỹ áp lên hàng Việt từ ngày 9/4, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham Hà Nội, cho rằng, Việt Nam là một trong...
Chuyên gia nêu giải pháp khi bị Mỹ áp thuế cao
Trao đổi với PetroTimes, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng, Chính phủ cần tập trung tìm ra một giải pháp thương lượng tốt nhất, tránh để tình trạng leo thang chiến tranh thương mại,...
Dự kiến từ 1/7, chính quyền địa phương chuyển sang mô hình 2 cấp
Bộ Nội vụ đề xuất chính quyền cấp huyện sẽ chấm dứt thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và dừng hoạt động kể từ ngày 1/7/2025.
Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam, nhóm hàng hóa nào bị ảnh hưởng?
Việc Mỹ áp dụng thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành mũi nhọn như điện tử, dệt may...
Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh áp thuế với hàng chục nền kinh tế
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố mức thuế nhập khẩu với hàng chục nền kinh tế, trong đó Việt Nam chịu mức 46%.
Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2025
Từ tháng 4/2025, nhiều chính sách mới có hiệu lực, nổi bật là các chính sách liên quan đến quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước; Quy...
Bảo hiểm xã hội đối với người nghỉ hưu sớm
Thay vì nghỉ hưu sớm bị trừ phần trăm lương hưu, tới đây, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ hưu sớm theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP sẽ vừa được hưởng lương hưu,...
"Mâm cơm tri ân ngày Giỗ Tổ": Nét đẹp văn hóa của phụ nữ Phú Thọ
Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm giáo dục đạo lý truyền thống tri ân công đức tổ tiên, gắn kết các thế hệ con cháu về cùng một cội nguồn, sống hòa hợp. Xuất phát...
Hơn 300 nghệ sĩ tham gia khai mạc Lễ hội Đền Hùng 2025
Từ ngày 28/3, tại Phú Thọ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa chào mừng ngày Giỗ Tổ mùng 10/3 Âm lịch. Trong đó có Hội sách Đất Tổ, giải Bóng chuyền Cup Hùng Vương...
Tour nước ngoài hút khách dịp lễ 30/4 và 1/5
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, giá tour trong nước và nước ngoài không chênh nhau nhiều, đó là những lý do khiến du lịch quốc tế trở thành...
Đề xuất bổ sung 9 thủ tục hành chính mới về thị trường carbon
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất bổ sung 9 thủ tục hành chính mới về phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tổ chức và vận hành thị trường carbon.
100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 phê duyệt Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026 (Chương trình).
Bổ sung quy định thời điểm lập hóa đơn đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, xổ số, casino
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
Xem nhiều




