Ma trận ngân hàng số đa cấp: Bình mới, rượu cũ
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), chiêu bài Etop Bank áp dụng là “bình mới, rượu cũ”, đánh vào lòng tham, ham lãi suất cao của nhà đầu tư.
Tiền ảo, rủi ro thật
PV: - Thời gian qua, liên tục xuất hiện những mô hình đầu tư được quảng cáo thu về lợi nhuận khủng mà không cần phải làm gì. Mới đây nhất là Etop Bank, tự xưng là ngân hàng điện tử đến từ Singapore, dù theo danh sách các ngân hàng được cấp phép hoạt động tại Việt Nam thì không có ngân hàng nào có tên như vậy.
Nhìn vào hoạt động của các mô hình này, có thể hiểu đó là hình thức tín dụng đen online, huy động vốn giá cao để cho vay giá cao. Phải lường tới nguy cơ mất vốn và xảy ra các biến tướng khác, tương tự với tình trạng tín dụng đen như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh |
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: - Hình thức huy động vốn của Etop Bank cũng giống nhiều sàn đa cấp tiền ảo từ trước tới nay - đều là hình thức huy động vốn không sòng phẳng và không chính thức của những tổ chức, công ty không được cơ quan quản lý nhà nước thừa nhận.
Chiêu bài họ đưa ra cũng rất cũ: đánh vào lợi nhuận, vào lòng tham của các nhà đầu tư. Cách lý giải của thành viên Etop Bank về việc tại sao “ngân hàng” trả lãi cao cũng hết sức buồn cười: Vì đó là ngân hàng quốc tế!
Nhưng thực chất ngân hàng nào cũng thế, nếu không có đầu tư sản xuất kinh doanh thì không thể có lãi suất, và bất kỳ một hoạt động kinh doanh nào cũng không thể có mức lãi suất “trên trời” tới 600%/năm như quảng cáo của Etop Bank.
Những người tham gia Etop Bank nghĩ rằng họ sẽ thu được một vốn mấy chục lời, thậm chí mấy trăm lời chỉ sau một thời gian ngắn nếu đầu tư vào mô hình này, nhưng có biết đâu rằng đã đóng vào rồi thì không lấy ra được nữa.
Như đã nói, chiêu thức hoạt động của Etop Bank không hề mới, là tổ chức, công ty không được pháp luật Việt Nam thừa nhận và cũng không có một người đại diện cụ thể. Vì thế, khi sập sàn, đóng tài khoản, không thể nào biết được ai là người đứng đằng sau Etop Bank, nhà đầu tư không bắt đền được ai.
Giả sử có lần ra được những kẻ nói hay, nói giỏi về lãi suất cao, lợi nhuận khủng thì người ta cũng chỉ nói mình được thuê làm, thuê nói, bản thân Etop Bank không đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, vậy làm sao họ có trách nhiệm gì?
Vấn đề là tại sao pháp luật Việt Nam không công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán, Etop Bank hay hàng loạt sàn đa cấp tiền ảo khác không có đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động mà vẫn tổ chức được hàng loạt hội thảo hoành tráng, thu hút đông đảo người tham gia? Chưa kể việc quảng cáo, tuyên truyền của những sàn đa cấp tiền ảo như thế này diễn ra một cách công khai trên các trang mạng. Tôi cho rằng việc quản lý về mặt kinh tế, tài chính, xã hội đang có nhiều kẽ hở, việc giám sát thực hiện các quy định của pháp luật chưa đến nơi đến chốn.
Một điều chắc chắn là khi xảy ra rủi ro, nhà đầu tư sẽ mất trắng. Nó cũng giống như các hình thức lừa đảo từ trước đến nay mà chúng ta đã biết, từ OneCoin đến MyAladdinz, Winsbank, Vitae... đều là lừa đảo đa cấp.
Có thể lúc ban đầu có một số người được những công ty, sàn đa cấp này trả lãi và hoa hồng như cam kết, nhưng đó chưa chắc đã phải là người dân bình thường mà là những “chân gỗ”. Sau một thời gian rất ngắn, sàn sập, website bị đóng, người đứng đầu lặn biệt tăm, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng bốc hơi.
Rõ ràng, các mô hình lừa đảo đa cấp biến tướng không chỉ ảnh hưởng đến tài sản của cá nhân nhiều người dân mà còn gây xáo trộn, làm mất an toàn trong đời sống kinh tế, xã hội. Nó cũng làm cho một lượng tiền đáng ra nếu đầu tư vào các mục tiêu khác sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đằng này lại đi đổ vào kinh doanh đa cấp mang tính lừa đảo, khiến sức mạnh của nền kinh tế bị suy giảm.
Chỉ Nhà nước mới có thẩm quyền phát hành tiền
PV: - Theo ông, Việt Nam phải quản lý các mô hình này như thế nào, nhất là trong bối cảnh chúng ta chưa có khung pháp lý để xử lý các vụ việc liên quan đến kinh doanh, đầu tư tiền ảo? Kinh nghiệm và bài học trên thế giới ra sao?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: - Từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao Bộ Tư pháp xây dựng đề án và tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong vấn đề tiền ảo, tiền mã hóa. Sau đó, Bộ Tư pháp đã hoàn thành đề án, trình Chính phủ. Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính làm đầu mối triển khai nghiên cứu và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo. Đồng thời, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2014/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong số đó, bổ sung quy định về phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam (không bao gồm Bitcoin và các loại tiền ảo) và bổ sung quy định cấm phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp (như Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự).
Bộ Tài chính cũng đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo, có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
Nhìn chung, việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.
NHNN đã khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo.
Nếu một đồng tiền số do ngân hàng quốc gia phát hành thì lúc đó nó sẽ được coi như đồng tiền bình thường, một dạng thanh toán không dùng tiền mặt và là một vấn đề hoàn toàn khác. Còn đối với tiền ảo, có thể khẳng định rằng, đến thời điểm hiện tại, tất cả các loại tiền ảo trên thế giới, kể cả đồng Bitcoin, do một cá nhân hay tổ chức nhất định (không phải là ngân hàng quốc gia) đứng ra phát hành, không được chính phủ quốc gia nào công nhận.
Ngay như Nhật Bản, nơi sinh ra đồng Bitcoin, cũng không công nhận Bitcoin là đồng tiền thanh toán. Chính phủ Nhật chỉ cho phép sử dụng Bitcoin đầu tư vào một số lĩnh vực, như kinh doanh trò chơi, và cho phép chuyển hóa một phần đồng tiền ảo đó thành tiền thật thông qua sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của hệ thống ngân hàng.
Mỹ cũng chỉ coi Bitcoin như một tài sản ảo, không phải là một đồng tiền hay phương tiện thanh toán.
Ở Mỹ có hiện tượng một cộng đồng nào đó, có thể gồm vài nghìn hay vài chục nghìn người, dùng một đồng tiền nào đó thay cho đồng USD và sử dụng đồng tiền đó để mua bán trong cộng đồng với nhau, nhưng khi ra khỏi cộng đồng đó, người ta phải đổi ra đồng USD. Điều đó vẫn được chấp nhận, nhưng nếu nó làm ảnh hưởng đến an ninh tài chính, trật tự an toàn xã hội thì lập tức chính phủ sẽ can thiệp ngay, không bao giờ để cho loại tiền ấy tồn tại.
Điều này khẳng định một nguyên tắc: người có thẩm quyền phát hành tiền phải là Nhà nước vì tiền quyết định đến vận mệnh của Nhà nước, cũng như vận mệnh của thị trường tài chính tiền tệ. Không có chính phủ nào chấp nhận việc một cá nhân, doanh nghiệp nào đó đứng ra phát hành đồng tiền riêng rẽ của mình. Người có thẩm quyền phát hành tiền có quyền năng rất lớn đối với đồng tiền đó và đối với thị trường tài chính tiền tệ. Do đó, nếu Nhà nước không nắm đồng tiền trong tay thì vô cùng nguy hiểm.
Nhà nước phát hành tiền dựa trên nền tảng sản xuất, hàng hóa thực chất của nền kinh tế để có được sự đảm bảo cho đồng tiền họ phát hành ra.
Điều quan trọng khác là Nhà nước phải có các văn bản pháp luật tuyên bố đồng tiền đó là đồng tiền của quốc gia, được luật pháp bảo hộ, được lưu hành trong biên giới của quốc gia đó.
Ngay cả USD, khi được các quốc gia khác sử dụng, được coi là đồng tiền dự trữ, thì chính các quốc gia giữ đồng USD ấy phải chấp nhận sự quản lý của nhà nước Mỹ thông qua ngân hàng và hệ thống thanh toán của Mỹ. Cũng nhờ đó mà Mỹ mới áp đặt cơ chế quản lý của mình cho những người đang giữ và sử dụng USD.
Etop Bank đánh vào lòng tham lãi suất cao khiến nhiều người đem hết tiền của tham gia |
Từ thái độ ứng xử của các nước trên thế giới với tiền ảo, trở lại Việt Nam, chúng ta vẫn quản lý hết sức chặt chẽ, và Nhà nước Việt Nam cũng không công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán.
Trong hoạt động của thị trường tài chính, có rất nhiều giấy tờ, chứng từ mang tính chất ảo, nhưng nó là tài sản và người ta có thể mua đi bán lại tài sản đó, kiếm lời từ tài sản đó, như cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá.
Đối với tiền ảo, chúng ta cần phải nghiên cứu nó, coi nó như một tài sản ảo trên thị trường và các hoạt động của nó phải nằm trong khuôn khổ pháp luật quy định. Cần lưu ý rằng, chỉ khi nào Nhà nước quản lý được tiền ảo ở một mức độ nhất định thì mới thừa nhận. Còn trong trường hợp đồng tiền tự nó lên lên xuống xuống, ảnh hưởng đến sự tồn vong của thị trường tài chính tiền tệ cũng như sự tồn vong của chính thể thì không nhà nước nào chấp nhận.
Từ một vài năm trước, đã có đề xuất nên xem xét cho thành lập sàn giao dịch tiền ảo, khi ấy Nhà nước sẽ nắm quyền quản lý, thu được thuế, ngăn chặn được nguy cơ rửa tiền, giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư... Điều đó chỉ có thể khả thi nếu coi tiền ảo như một tài sản ảo, và sàn giao dịch phải là sàn giao dịch các tài sản ảo.
PV: - Vai trò của các ngân hàng trong việc quản lý tiền ảo như thế nào?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: - Ngân hàng phải nghiên cứu các lợi ích cũng như những mặt hại của tiền ảo để từ đó có thể phát huy, tận dụng được mặt lợi.
Chẳng hạn, khi nói đến tiền ảo chúng ta lập tức nghĩ đến công nghệ blockchain. Pháp luật Việt Nam không công nhận tiền ảo, nhưng blockchain là một công nghệ hiện đại rất nên áp dụng để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và tạo ra những cộng đồng thanh toán với nhau mà không cần dùng đến tiền mặt.
Hay hình thức huy động vốn đa cấp cũng có cách thức tổ chức hiện đại. Chúng ta bán hàng, đầu tư, kinh doanh hay tiến hành các hoạt động thu hút, sử dụng vốn, có thể nghiên cứu xem tận dụng mô hình này như thế nào để vừa không vi phạm luật pháp, đồng thời có thể giúp cho hoạt động huy động vốn của chúng ta tốt hơn.
PV: - Chúng ta đã có cơ chế quản lý các dịch vụ xuyên biên giới thông qua việc kiểm soát từ ngân hàng. Cụ thể, các ngân hàng được giao trách nhiệm kiểm soát dòng tiền thanh toán cho các dịch vụ xuyên biên giới qua thẻ tín dụng và chặn những khoản thanh toán chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế. Liệu có thể áp dụng cơ chế quản lý này đối với tiền ảo không, thưa ông?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: - Áp dụng cơ chế quản lý như nêu trong câu hỏi đối với tiền ảo là hơi khó. Mô hình tiền ảo cần có những hình thức quản lý riêng, không phải chỉ có việc kiểm soát dòng tiền thanh toán.
Dĩ nhiên, ở góc độ nào đó, việc các ngân hàng thương mại cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế là điều rất quan trọng.
Ở các quốc gia phát triển, khi tài khoản cá nhân tăng lên chỉ 1.000 USD thôi lập tức ngân hàng sẽ hỏi thăm tiền đó là tiền gì, từ đâu ra, có phải đóng thuế không, đóng thuế thế nào... và chủ tài khoản đó có trách nhiệm phải giải trình.
Cũng có thể tiền vào tài khoản không được ngân hàng kiểm soát chặt cho lắm nhưng khi tiền ra, sử dụng mua bán hay đầu tư, chủ tài khoản phải giải trình số tiền đó từ đâu mà ra. Chẳng hạn, nếu tiền đó là tiền bán tài sản ở Việt Nam thì phải có các giấy tờ chứng minh hợp lệ cũng như đã thực hiện nghĩa vụ thuế ở Việt Nam, nếu không, người đó sẽ bị coi là trốn thuế.
Trước đây, các ngân hàng vẫn coi thông tin tài khoản khách hàng là bí mật kinh doanh, nhưng dưới sức ép của các chính phủ trên thế giới, đặc biệt là chính phủ các quốc gia lớn, thì các ngân hàng, kể cả ngân hàng Thụy Sĩ, đều phải công khai thông tin tài khoản người gửi tiền. Có như vậy mới chống được tình trạng tham nhũng, chuyển tiền bất hợp pháp, rửa tiền... Cho đến nay, việc này đã trở thành hoạt động bình thường của ngân hàng.
Tại Việt Nam, thu nhập của người dân hiện nay không cao, các hoạt động chưa đi vào nề nếp nên việc yêu cầu các ngân hàng cung cấp các thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế dường như khiến các ngân hàng không thoải mái và bản thân những người dân có tiền chưa sẵn sàng cho lắm. Nhưng rõ ràng, phải nhìn nhận đây là một yêu cầu quản lý hoạt động kinh tế-xã hội bình thường, và quan trọng là có công khai, minh bạch các dòng tiền thì tình trạng tham nhũng, hối lộ mới giảm đi được.
Đối với tiền ảo, các ngân hàng hoàn toàn có khả năng áp dụng cơ chế quản lý nêu trên để kiểm soát dòng tiền, tuy nhiên điều này lại mâu thuẫn với thực tế là Việt Nam không công nhận tiền ảo là một phương thức thanh toán. Nếu cá nhân, tổ chức chuyển tiền cho Google, Facebook để mua quảng cáo trên các ứng dụng này hay nhận tiền từ Google, Facebook thì việc kiểm soát dòng tiền thanh toán là cần thiết vì đó là hoạt động kinh doanh bình thường, phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế.
Còn ở đây, kinh doanh, đầu tư tiền ảo là vi phạm pháp luật vì tiền ảo không được pháp luật Việt Nam công nhận, cho nên cần áp dụng hình thức quản lý khác chứ không phải cơ chế nêu trên.
TIN LIÊN QUAN
Trung Quốc phát hiện mỏ vàng “khủng” hơn 1.000 tấn
Một mỏ vàng khổng lồ với trữ lượng hơn 1.000 tấn đã được phát hiện ở miền nam Trung Quốc, ước tính trị giá khoảng 83 tỷ USD.
Ngân hàng phải đảm bảo dữ liệu khách hàng được an toàn, bảo mật
Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã ban hành Thông tư 50/2024/TT-NHNN quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành Ngân hàng.
Điểm tin ngân hàng ngày 22/11: Dư nợ tín dụng đã được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,28 triệu tỷ
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD; OCB ưu tiên tiếp vốn cho doanh nghiệp start-up; Người nhà Phó Chủ tịch VIB dự chi hàng trăm tỷ...
Vietinbank dẫn đầu ngành ngân hàng về tổng thu nhập hoạt động 9 tháng đầu năm 2024
9 tháng đầu năm 2024, VietinBank dẫn đầu ngành ngân hàng khi tổng thu nhập hoạt động (TOI) tăng trưởng 16%, đạt hơn 60.600 tỷ đồng, bỏ xa ngân hàng BIDV và Vietcombank.
Eximbank hút về hơn 2.000 tỷ đồng từ trái phiếu
Từ đầu năm đến nay, Eximbank đã huy động thành công 2 lô trái phiếu với lãi suất 5,3%/năm, hút về 2.100 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận và lãi dự thu tại Eximbank...
Điểm tin ngân hàng ngày 21/11: Ngân hàng không được khuyến mại khi nhận tiền gửi
Sacombank triển khai dịch vụ giải ngân trực tuyến cho doanh nghiệp; ABBank và BaoViet Bank tăng mạnh lãi suất huy động kỳ hạn ngắn;...
Bitcoin phá kỷ lục vượt ngưỡng 94.000 USD
Theo CoinMarketCap, giá Bitcoin bất ngờ vượt qua mốc 94.000 USD vào rạng sáng 20/11 (giờ Việt Nam), vừa đủ phá kỷ lục thiết lập vào ngày 14/11.
OCB chi 1.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố kết quả mua lại trái phiếu trước hạn.
Lãi suất tiết kiệm tháng 11 tăng trở lại, gửi tiền ngân hàng nào có lãi suất cao nhất?
Lãi suất huy động nhích lên góp phần kích thích dòng tiền nhàn rỗi chảy vào hệ thống ngân hàng. Theo thống kê đã có hơn 15 ngân hàng điều chỉnh lãi suất...
Techcombank nhận giải thưởng Sáng tạo xuất sắc từ Oracle
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã trở thành ngân hàng duy nhất tại khu vực Đông Nam Á nhận giải thưởng Đổi mới xuất sắc - Innovation Excellence Award...
VietinBank tiên phong triển khai đồng bộ các giải pháp, nâng cao trải nghiệm khách hàng
VietinBank là ngân hàng tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động giao dịch giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ người dùng trước các gian lận, lừa đảo...
Ngân hàng SHB - Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất 9 tháng đầu năm 2024
Sau 9 tháng đầu năm 2024, ngân hàng SHB đã thực hiện 80% kế hoạch lợi nhuận năm 2024. Quy mô tài sản, dư nợ cho vay khách hàng và tiền gửi của khách hàng...
Giá vàng hôm nay (20/11): Thị trường thế giới tăng mạnh
Giá vàng thế giới hôm nay (20/11) tăng trong bối cảnh cuộc chiến tranh Nga - Ukraine đang có dấu hiệu leo thang khiến vàng trở nên hấp dẫn...
Techcombank kinh doanh ra sao trong 9 tháng đầu năm 2024?
9 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - mã: TCB) thu về hơn 26.900 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 18.000 tỷ đồng.
Điểm tin ngân hàng ngày 19/11: MSB rao bán khoản nợ 1.141 tỷ đồng của công ty Tài Nguyên
Vicem ghi nhận lỗ gần 8.000 tỷ đồng từ các khoản đầu tư tài chính; Giá vàng tăng mạnh, Ngân hàng Nhà nước công bố giá bán vàng miếng SJC;...
Vì sao vàng không còn “lấp lánh” sau chiến thắng của Donald Trump?
Sau khi tăng cao trong phần lớn thời gian của năm nay, giá vàng đột nhiên không còn hấp dẫn nữa kể từ khi Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Agribank đẩy mạnh cho vay qua tổ vay vốn - tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng
Với vai trò chủ lực đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong nhiều năm qua, Agribank đã và đang triển khai nhiều giải pháp tăng khả năng tiếp cận...
VPBank lọt Top 10 Doanh nghiệp vốn hóa lớn có Quản trị công ty tốt nhất năm 2024
Mới đây, trong khuôn khổ Lễ trao giải cuộc bình chọn Doanh nghiệp Niêm yết 2024 - Hội nghị Doanh nghiệp Niêm yết 2024 do Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSX)...
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại MBBank biến động ra sao?
Giai đoạn 2019-2022, doanh thu từ dịch vụ kinh doanh bảo hiểm của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank - mã: MBB) tăng trưởng rất nhanh nhờ lợi thế vận hành...