TS Nguyễn Trí Hiếu: Cần lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia để “tiếp sức” doanh nghiệp
Trao đổi với phóng viên PetroTimes, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, năm 2023, Chính phủ và ngành ngân hàng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên “mũi tên” này vẫn chưa trúng đích. Vì vậy, cần phải lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia để giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.
PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2023?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Bên cạnh một số điểm tích cực, nhìn chung bức tranh kinh tế thế giới vẫn ảm đạm và đầy thách thức, sau khi đã trải qua rất nhiều yếu tố bất lợi của năm 2022 như khủng hoảng năng lượng, lạm phát toàn cầu... Tình hình kinh tế cũng có dấu hiệu có thể khởi sắc trong tương lai. Thế nhưng, thời điểm này kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn hết sức khó khăn.
Tại Việt Nam, trong bối cảnh không thuận lợi chung, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 5,05%, mặc dù không đạt mục tiêu 6,5% đề ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ nhưng là kết quả tích cực và thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Tuy nhiên, nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực vẫn trì trệ như: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều trì trệ, nhiều doanh nghiệp vẫn phá sản, ngưng hoạt động. Bên cạnh đó, các thị trường đều bất ổn: thị trường chứng khoán lên xuống thất thường, thị trường bất động sản trầm lắng, thị trường vàng có biến động theo chiều hướng đi lên nhưng cũng không bền vững, tỷ giá ngoại tệ tăng, hệ thống ngân hàng có hiện tượng ứ đọng tiền, cho vay rất thấp…
PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến nền kinh tế Việt Nam vẫn còn trì trệ?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, có nhiều nguyên nhân tác động đến kinh tế trì trệ, nhưng chủ yếu là do chúng ta chưa thoát ra khỏi những chấn động từ đại dịch Covid-19. Trong năm 2022, đầu năm 2023 nền kinh tế có phần khởi sắc nhưng càng vào trong năm, nền kinh tế thể hiện có nhiều khó khăn. Qua năm 2023, khó khăn càng chồng chất, dẫn đến tình trạng nền kinh tế đi vào giai đoạn trì trệ trên tất cả thị trường. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là do tình trạng hậu dịch Covid-19. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn với thế giới và vì thế cũng có độ mở về rủi ro rất lớn, nên khi kinh tế thế giới trì trệ khó khăn thì Việt Nam cũng vậy. Độ mở đó có thể nhìn thấy rõ ràng vì xuất nhập khẩu lên đến gần gấp 2 GDP, đó là mức độ rủi ro rất cao. Có thể nói, nội địa chúng ta có vấn đề và chúng ta còn chịu thêm cả tác động từ bên ngoài, dẫn đến nền kinh tế Việt Nam chậm, trì trệ trong năm 2023.
PV: Năm 2023, Chính phủ và ngành ngân hàng đã có nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng như hỗ trợ thanh khoản và cho phép doanh nghiệp cơ cấu lại nợ, nhiều chương trình tín dụng ưu đãi ban hành. Tuy nhiên, tín dụng vẫn tăng trưởng chậm. Tại sao lại vậy, thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Vấn đề đặt ra là những biện pháp đó có phải là những mũi tên bắn trúng đích không khi các doanh nghiệp đang yếu kém như thế. Chúng ta tìm cách giảm lãi suất với mong muốn giảm chi phí tài chính cho các doanh nghiệp. Về nguyên tắc, đó là cách làm đúng. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp không vay vốn được từ ngân hàng do không có tài sản bảo đảm, tình hình tài chính bết bát. Thế nên, nếu giảm lãi suất = 0 cũng không giúp được các doanh nghiệp đó. Cũng có những doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn nhưng lại không muốn vay bởi đầu ra đang giảm hoặc không có đầu ra. Nếu doanh thu đang giảm, không có đầu ra thì càng vay sẽ càng lỗ, do đó doanh nghiệp cũng không muốn vay. Vì vậy, giảm lãi suất với những nhóm doanh nghiệp này cũng không có nhiều tác dụng. Mà hai loại doanh nghiệp không vay được và không muốn vay này lại chiếm tỷ trọng đa số trong các doanh nghiệp hiện nay. Do đó, việc “bắn mũi tên” giảm lãi suất trên nguyên tắc rất hợp lý nhưng trên thực tế lại không trúng đích. Cái đích muốn nhắm đến là vực lại các doanh nghiệp, vực lại sức cầu của nền kinh tế để sức tiêu thụ của nền kinh tế tăng lên, các doanh nghiệp có đầu ra, và khi đã có đầu ra đương nhiên doanh nghiệp sẽ có nhu cầu vay tiền ngân hàng.
Mặt khác, vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp mới chỉ dừng ở sự kêu gọi, còn chưa có biện pháp thực tế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp. Nếu muốn hỗ trợ doanh nghiệp thì cần tăng cường quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, đó là quỹ bảo lãnh cho các doanh nghiệp không đủ điều kiện vay ngân hàng có thể vay được. Đây là chuyện chúng ta chưa làm được. Do đó, kêu gọi nhiều nhưng lại là những “mũi tên” không trúng đích.
PV: Theo ông, đâu sẽ là giải pháp hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tốt hơn?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) không thể vay vốn ngân hàng vì không còn tài sản bảo đảm hoặc tình hình tài chính yếu kém. Trong khi đó, SME chiếm tỷ trọng tới 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Nếu những doanh nghiệp này gặp khó thì nền kinh tế cũng sẽ khó khăn. Vì vậy cần tìm mọi cách để tháo gỡ, “tiếp sức” cho SME cất cánh trong những năm tới.
Theo tôi, một trong các cách đó, Chính phủ có thể xem xét thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia với vốn điều lệ 10.000 tỉ đồng thay cho quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương với vốn điều lệ chỉ 200 tỉ đồng (theo Nghị định 34 của Chính phủ ban hành năm 2018). Quỹ này để bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp những doanh nghiệp đó có thể vay ngân hàng bởi tình hình tài chính của các doanh nghiệp không thể thay đổi nhanh chóng luôn được. Chúng ta cần cải tổ hoàn toàn quỹ bảo lãnh tín dụng với nhân lực tốt, có đạo đức và có quy trình giám sát chặt chẽ. Đặc biệt, Quốc hội cần thay đổi luật về những quỹ bảo lãnh tín dụng. Nguyên tắc cho phép các quỹ bảo lãnh tín dụng bảo lãnh cho doanh nghiệp vay được vốn nhưng lại buộc các quỹ bão lãnh tín dụng phải bảo toàn được vốn là rất không nên, bởi nếu thế các quỹ sẽ không dám bảo lãnh vì bảo lãnh luôn ẩn chứa nhiều rủi ro. Do đó, cần chấp nhận vấn đề có thể mất vốn và mỗi năm, Quốc hội cần bổ sung vốn cho các quỹ bảo lãnh tín dụng này, tương tự như mô hình bên Mỹ là mỗi năm Quốc hội sẽ bổ sung nguồn vốn cho các quỹ để có thể bảo lãnh và việc thiệt hại của quỹ xem như là chi phí quốc gia bỏ ra để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
PV: Hiện nay, lãi suất huy động giảm nhiều nhưng lãi suất cho vay mua nhà, tiêu dùng vẫn ở mức cao, theo ông lý do là gì?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Lãi suất là hàm số của rủi ro, rủi ro cao lãi suất cao và rủi ro thấp lãi suất thấp. Trong nền kinh tế hiện tại, rủi ro vỡ nợ của doanh nghiệp và cá nhân rất cao. Các doanh nghiệp vay tiền rồi xù nợ, thậm chí có hiện tượng giúp doanh nghiệp vay tiền để xù nợ; còn cá nhân thì tình trạng mất việc nhiều. Trong nền kinh tế mà thu nhập của người dân giảm xuống, khả năng trả nợ của người dân giảm xuống thì đương nhiên rủi ro sẽ rất lớn. Các ngân hàng luôn phải tăng lãi suất để bù cho phần rủi ro, ví dụ một trong các khách hàng của ngân hàng vỡ nợ thì ít nhất còn dựa vào lãi suất cao từ những khách hàng còn lại để bù trừ thiệt hại. Do đó, rất khó để giảm mức lãi suất cho cá nhân và doanh nghiệp trong tình trạng rủi ro của nền kinh tế đang tăng cao.
PV: Ông đánh giá thế nào về điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2023?
TS Nguyễn Trí Hiếu: NHNN là cơ quan quản lý về tiền tệ và phần lớn quản lý với những công cụ để điều hòa lượng tiền trong lưu thông gồm: công cụ về lãi suất, công cụ của thị trường mở và công cụ dự trữ bắt buộc. Quốc gia nào cũng dùng 3 công cụ chính này. Tại Việt Nam chỉ dùng 2 công cụ lãi suất và thị trường mở, còn dự trữ bắt buộc bao nhiêu năm nay đều không dùng đến. Tôi đề nghị NHNN cần dùng đến công cụ dự trữ bắt buộc đề điều hòa cung tiền, từ việc hòa cung tiền đó có thể kiểm soát được lạm phát chứ không bắt buộc phải dùng đến room tín dụng. Việc dùng room tín dụng là để tránh vết xe đổ những năm 2008, 2009, 2011 - thời điểm có những ngân hàng có mức tăng trưởng 100% và đẩy mức lạm phát tăng lên. Tuy nhiên tại thời điểm này room tín dụng đã lỗi thời. Thay vào đó, cần sử dụng những công cụ khác của chính sách, tiền tệ và NHNN cần tăng cường vấn đề thanh tra, giám sát. Ví dụ điển hình là vụ Vạn Thịnh Phát hay việc thanh tra giám sát của 3 ngân hàng “0 đồng” vào 8 năm trước được NHNN mua lại, chính tôi cũng thuộc ban lãnh đạo của 2/3 ngân hàng đó. Các thanh tra làm việc rất thiếu trách nhiệm nên đã tạo ra nhiều lỗ hổng cho các ngân hàng đó trục lợi. Vấn đề đặt ra chính là cần những sự thanh tra, giám sát ngân hàng chặt chẽ hơn. Vừa qua, Thủ tướng cũng đã yêu cầu NHNN kiểm soát lại vấn đề các nhóm lợi ích lấy danh nghĩa ngân hàng cho vay “sân trước, sân sau”. NHNN cần chỉnh đốn chặt chẽ trong đội ngũ thanh tra của mình. Còn về vấn đề kiểm soát lạm phát và đóng góp vào sự tăng trưởng của quốc gia thì có nhiều công cụ chứ không riêng công cụ lãi suất.
PV: Ông nhận định thế nào về bức tranh kinh tế của Việt Nam trong năm 2024?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Trong tất cả mục tiêu của Chính phủ, hai mục tiêu quan trọng là kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Từ các chính sách tài khóa, chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên quan đến hạ lãi suất; nhất là FED có thể giữ nguyên lãi suất trước bầu cử Tổng thống Mỹ, tôi nghĩ rằng bức tranh tín dụng có thể sẽ tốt đẹp hơn.
Với những chính sách tiền tệ có thể được nới lỏng hơn vào cuối năm 2023 nền kinh tế sẽ tích cực hơn. Do đó, vì có độ trễ nên 6 tháng năm 2024 tình trạng kinh tế vẫn trì trệ, nhưng có thể nhìn thấy “ánh sáng” vào cuối năm 2024.
Tuy nhiên, Việt Nam nên cẩn trọng với chính sách tiền tệ, vì chúng ta đang nới lỏng chính sách tiền tệ, đi ngược với thế giới. Việc giảm lãi suất không có tác dụng tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tín dụng mà đang có tác động mạnh làm chứng khoán giảm điểm, tỷ giá tăng, giá trị tiền đồng giảm.
Về tăng trưởng GDP, có lẽ năm tới, với những tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản, từ xuất nhập khẩu và bức tranh tín dụng năm 2024, tôi dự đoán GDP có thể tăng 5,5-6%. Điều chính yếu vẫn nằm ở lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu vì xuất khẩu là điểm mạnh và trụ cột. Bên cạnh đó là lĩnh vực nông nghiệp, một trong những trụ cột của nền kinh tế, với đóng góp vào xuất khẩu rất lớn. Ngoài ra, cũng cần nhắc tới bất động sản, khả năng thị trường này sẽ vực dậy và phục hồi vào quý cuối năm 2024. Khi bất động sản được vực dậy, những ngành nghề liên quan đến bất động cũng vực dậy và du lịch cũng phát triển hơn năm 2024.
Chúng ta dễ dàng đưa ra mục tiêu nhưng thực tế, trong năm 2023 lạm phát đã tăng quá mức dự định và tăng trưởng lại thấp hơn mức dự định. Vấn đề đặt ra là cần làm gì để đạt được hai mục tiêu đó và NHNN cần có những biện pháp hữu hiệu, những mũi tên trúng đích chứ không chỉ dựa vào công cụ lãi suất.
PV: Xin cảm ơn ông!
TIN LIÊN QUAN
-
Dư nợ tín dụng bất động sản đạt 2,75 triệu tỷ đồng
-
NHNN giao chỉ tiêu tăng tín dụng năm 2024 là 15%
-
Tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt 13,5%
-
NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024
-
Lãi suất cho vay tại các ngân hàng mới nhất. Lãi suất ngân hàng cho vay mua nhà, ô tô thấp nhất?
-
Tháng 12, Hòa Phát bán được nhiều thép nhất năm 2023
-
Giá vàng thế giới tăng, SJC rơi xuống mức 74 triệu đồng/lượng
-
Đỏ mắt tìm mua căn hộ chung cư giá 40 - 50 triệu đồng/m2 ở Hà Nội và TP.HCM
Vietinbank dẫn đầu ngành ngân hàng về tổng thu nhập hoạt động 9 tháng đầu năm 2024
9 tháng đầu năm 2024, VietinBank dẫn đầu ngành ngân hàng khi tổng thu nhập hoạt động (TOI) tăng trưởng 16%, đạt hơn 60.600 tỷ đồng, bỏ xa ngân hàng BIDV và Vietcombank.
Eximbank hút về hơn 2.000 tỷ đồng từ trái phiếu
Từ đầu năm đến nay, Eximbank đã huy động thành công 2 lô trái phiếu với lãi suất 5,3%/năm, hút về 2.100 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận và lãi dự thu tại Eximbank...
Điểm tin ngân hàng ngày 21/11: Ngân hàng không được khuyến mại khi nhận tiền gửi
Sacombank triển khai dịch vụ giải ngân trực tuyến cho doanh nghiệp; ABBank và BaoViet Bank tăng mạnh lãi suất huy động kỳ hạn ngắn;...
Bitcoin phá kỷ lục vượt ngưỡng 94.000 USD
Theo CoinMarketCap, giá Bitcoin bất ngờ vượt qua mốc 94.000 USD vào rạng sáng 20/11 (giờ Việt Nam), vừa đủ phá kỷ lục thiết lập vào ngày 14/11.
OCB chi 1.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố kết quả mua lại trái phiếu trước hạn.
Lãi suất tiết kiệm tháng 11 tăng trở lại, gửi tiền ngân hàng nào có lãi suất cao nhất?
Lãi suất huy động nhích lên góp phần kích thích dòng tiền nhàn rỗi chảy vào hệ thống ngân hàng. Theo thống kê đã có hơn 15 ngân hàng điều chỉnh lãi suất...
Techcombank nhận giải thưởng Sáng tạo xuất sắc từ Oracle
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã trở thành ngân hàng duy nhất tại khu vực Đông Nam Á nhận giải thưởng Đổi mới xuất sắc - Innovation Excellence Award...
VietinBank tiên phong triển khai đồng bộ các giải pháp, nâng cao trải nghiệm khách hàng
VietinBank là ngân hàng tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động giao dịch giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ người dùng trước các gian lận, lừa đảo...
Ngân hàng SHB - Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất 9 tháng đầu năm 2024
Sau 9 tháng đầu năm 2024, ngân hàng SHB đã thực hiện 80% kế hoạch lợi nhuận năm 2024. Quy mô tài sản, dư nợ cho vay khách hàng và tiền gửi của khách hàng...
Giá vàng hôm nay (20/11): Thị trường thế giới tăng mạnh
Giá vàng thế giới hôm nay (20/11) tăng trong bối cảnh cuộc chiến tranh Nga - Ukraine đang có dấu hiệu leo thang khiến vàng trở nên hấp dẫn...
Techcombank kinh doanh ra sao trong 9 tháng đầu năm 2024?
9 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - mã: TCB) thu về hơn 26.900 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 18.000 tỷ đồng.
Điểm tin ngân hàng ngày 19/11: MSB rao bán khoản nợ 1.141 tỷ đồng của công ty Tài Nguyên
Vicem ghi nhận lỗ gần 8.000 tỷ đồng từ các khoản đầu tư tài chính; Giá vàng tăng mạnh, Ngân hàng Nhà nước công bố giá bán vàng miếng SJC;...
Vì sao vàng không còn “lấp lánh” sau chiến thắng của Donald Trump?
Sau khi tăng cao trong phần lớn thời gian của năm nay, giá vàng đột nhiên không còn hấp dẫn nữa kể từ khi Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Agribank đẩy mạnh cho vay qua tổ vay vốn - tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng
Với vai trò chủ lực đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong nhiều năm qua, Agribank đã và đang triển khai nhiều giải pháp tăng khả năng tiếp cận...
VPBank lọt Top 10 Doanh nghiệp vốn hóa lớn có Quản trị công ty tốt nhất năm 2024
Mới đây, trong khuôn khổ Lễ trao giải cuộc bình chọn Doanh nghiệp Niêm yết 2024 - Hội nghị Doanh nghiệp Niêm yết 2024 do Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSX)...
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại MBBank biến động ra sao?
Giai đoạn 2019-2022, doanh thu từ dịch vụ kinh doanh bảo hiểm của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank - mã: MBB) tăng trưởng rất nhanh nhờ lợi thế vận hành...
Điểm tin ngân hàng ngày 18/11: Người dân ít vay vốn mua nhà dù lãi suất thấp
Hơn 253.000 tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng trên sàn chứng khoán; LPBank dự định chuyển trụ sở chính và mua 5% cổ phần FPT; Thu hơn 300 tỷ đồng...
Điểm tin ngân hàng tuần qua: 4 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm
Vietbank chuẩn bị trả cổ tức tỷ lệ 25%, phát hành gần 143 triệu cổ phiếu mới; Hoa Kỳ xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ; VIB đóng hơn 3.102 tỷ đồng...
PVcomBank hợp tác với Trung tâm RAR triển khai dịch vụ eKYC qua VNeID
Vừa qua, Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (Trung tâm RAR) thuộc Bộ Công an và Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam...